Giá trị cuộc sống và di sản
Sau 18 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Đô thị cổ Hội An (4.12.1999) và Khu di tích Mỹ Sơn (1.12.1999) đã đi một hành trình đủ dài để khẳng định những giá trị phát triển bền vững từ di sản.
Trải nghiệm du lịch cộng đồng ở vùng ven Hội An. Ảnh: K.T |
Hội An giữ nền tảng văn hóa
Mới đây, UBND TP.Hội An có quyết định về kế hoạch phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch TP.Hội An giai đoạn 2017-2020. Trong đó, đáng lưu tâm khi chính quyền thành phố đưa ra quy định: chủ cơ sở kinh doanh lưu trú homestay ở Hội An là người dân Hội An, không có vợ hoặc chồng là người nước ngoài, có hộ khẩu thường trú tại ngôi nhà xin đầu tư, đảm bảo ít nhất 2 thế hệ đang sinh sống tại ngôi nhà đang kinh doanh… Kiến trúc xây dựng cũng phải đảm bảo trải nghiệm những giá trị văn hóa nhằm phát huy và giới thiệu truyền thống văn hóa, lịch sử và đời sống của người dân địa phương đến với khách du lịch. Ngoài ra, “phải có không gian thờ tổ tiên hoặc ngũ tự gia đường, có phòng sinh hoạt chung, khu vực dành cho khách ở phải liền kề với gian nhà chính. Tổng số phòng ngủ tối đa trong một nhà là 7 phòng, trong đó có tối đa 5 phòng cho khách, không được xây hồ bơi…” là những quy định được đưa ra trong kế hoạch phát triển này.
Chia sẻ câu chuyện quy định mới về vận hành homestay tại Hội An, theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, homestay là sản phẩm du lịch đặc thù, ở đó du khách có thể trải nghiệm văn hóa bản địa, những phong tục tập quán sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Và đây không chỉ đơn thuần là một loại hình lưu trú, khi homestay với sự tham gia của cộng đồng sẽ góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn các giá trị văn hóa mà cộng đồng đó đang sở hữu. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, homestay nếu không phải do người dân bản địa sống trong gia đình thực hiện thì đó không thể gọi là hình thức homestay. |
Nhiều năm nay, TP.Hội An đã bắt đầu xây dựng và đưa vào thực hiện đề án thành phố văn hóa, sinh thái với nền tảng phát triển luôn ưu tiên cho những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đặc biệt, ở những vùng ven đô thị cổ, từ vài năm trở lại đây, hiện tượng kinh doanh lưu trú bát nháo, sự phát triển thiếu kiểm soát các loại hình du lịch gây nên nhiều hoang mang cho người yêu các giá trị văn hóa Hội An. Chưa kể, lượng người từ các nơi chọn Hội An để cư trú, kinh doanh khiến câu chuyện quản lý ở đô thị di sản này gặp khá nhiều vấn đề. Và một trong những việc khiến ngành du lịch Hội An “đau đầu” là nở rộ dịch vụ lưu trú. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, việc tăng mạnh số lượng homestay ở vùng ven không tỷ lệ thuận với chất lượng, hướng phát triển không đúng bản chất của homestay đã ít nhiều đánh mất ấn tượng về du lịch Hội An. Hội An tạm dừng cấp phép cho dịch vụ lưu trú này để rà soát công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động theo đúng bản chất homestay, và đó cũng là biện pháp để tiến tới xây dựng sinh kế bền vững cho người dân vùng ven. Quy định mới này chính là động thái thêm lần nữa khẳng định việc luôn tìm mọi cách để các giá trị văn hóa đứng ngang bằng với các giá trị kinh tế khác của người Hội An. Sự phát triển của Hội An hiện tại là tất yếu, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và ưu thế, chuyện còn lại nằm ở vấn đề quản lý, làm sao để nhạy bén với sự phát triển để điều chỉnh theo hướng hài hòa giữa các vấn đề kinh tế, văn hóa, du lịch, xã hội. Chọn văn hóa làm nền tảng cho mọi sự phát triển là định hướng mà Hội An đã, đang và luôn thực hiện.
Giữ một Mỹ Sơn toàn vẹn và nguyên gốc
Khác với thực thể di sản “sống” như Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn (Duy Xuyên) vẫn giữ nét trầm mặc trong nội khu di sản lẫn cả vùng phụ cận. Ngành văn hóa lẫn chính quyền địa phương luôn xác định, với Mỹ Sơn, việc ngăn chặn triệt để sự xâm hại lên di tích là điều đặt lên hàng đầu. “Bảo tồn và phát triển Mỹ Sơn bền vững là mục tiêu của ngành văn hóa và địa phương. Một khu di tích độc đáo nhưng cũng mong manh dễ vỡ, từng viên gạch, góc tháp đều chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của nền văn minh từng phát triển rực rỡ của lịch sử nhân loại thì công tác bảo tồn phải được đặc biệt chú trọng” - ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ.
Du khách tham quan Mỹ Sơn ngày càng tăng. |
Công cuộc bảo tồn Mỹ Sơn không còn là chuyện chống đỡ cho di tích khỏi xuống cấp, khỏi nguy cơ sụp đổ mà đòi hỏi bảo tồn và phát huy giá trị phải bảo đảm tính toàn vẹn và nguyên gốc. Chưa kể, việc phát lộ và phục dựng các nhóm tháp được đặc biệt chú tâm, nhất là với các tổ chức quốc tế. Việc tận dụng sự quan tâm của các quỹ văn hóa để tạo nguồn đầu tư cũng như nhân lực nhằm tôn tạo, trùng tu các khu tháp cổ ngày càng phát huy hiệu quả. Bà Roberta Mastropirro, chuyên gia của Đại học Bách khoa Milan, cố vấn trưởng của Dự án Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu di tích (vừa khởi động tại Quảng Nam) cho biết, Mỹ Sơn có nhiều thế mạnh mà các khu di sản khác trên thế giới khó thể sở hữu. Tuy nhiên, bên cạnh việc phục hồi nguyên trạng đền tháp đã được thực hiện khá tốt lâu nay, việc quản lý di tích sau quy hoạch với các vấn đề liên quan đến chính sách, môi trường, phát triển du lịch, bảo tàng học vẫn chưa được chú trọng.
Đã có một Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn ngay tại khu vực phụ cận di sản ra đời, tuy nhiên mô hình này bị phá sản ngay từ những ngày đầu vận hành. Thiếu cách thức tổ chức hoạt động lưu trú cũng như năng lực quản lý, điều hành cộng đồng còn non kém, những ngôi nhà nằm trong dự án lần lượt tự dỡ bảng “homestay”. Hiện tại, lượng khách đến Mỹ Sơn ngày một tăng, nhưng ngược lại, các dịch vụ bổ trợ du khách hầu như chỉ nằm trong khuôn viên di sản; còn bên ngoài, các chủ nhân của homestay ở Làng du lịch cộng đồng đành phải tự hoạt động theo cách của riêng mình. Sắp tới, một chủ nhân của homestay nằm trong khu vực này sẽ kết nối với một doanh nghiệp lữ hành để từng bước làm du lịch chuyên nghiệp. Tên tuổi của di sản đã đủ làm nên thương hiệu du lịch. Nhưng việc phát triển thương hiệu đến đâu cần một cuộc đi dài không chỉ với bản thân người dân.
LÊ QUÂN