Sắc tứ các chùa ở Hội An
Trong quá trình Nam tiến dưới thời các chúa Nguyễn, tuy không lấy Phật giáo làm quốc giáo như thời Lý - Trần, nhưng các chúa Nguyễn lại lấy Phật giáo làm chỗ dựa cho chính sách an dân trị quốc. Đi đến đâu người Việt cũng được chúa Nguyễn cho xây dựng chùa để thờ Phật.
Bức hoành Sắc tứ “Chúc Thánh tự”. |
Tại Quảng Nam, các dòng thiền được truyền bá và phát triển mạnh mẽ, nhưng để lại dấu ấn đặc biệt và phát triển lâu dài phải kể đến thiền phái Lâm Tế với vai trò của thiền sư Nguyên Thiều (1648 - 1728) và thiền phái Tào Động với vai trò của thiền sư Thích Đại Sán - Thạch Liêm (1633 - 1704).
Bức hoành Sắc tứ “Phước Lâm tự”. |
Sau khi tham dự giới đàn ở Huế, Quảng Nam, thiền sư Thạch Liêm cư trú ở Hội An một thời gian ngắn rồi trở về nước, trong khi đệ tử của thiền sư là Hưng Liên - trụ trì chùa Tam Thai viên tịch dẫn đến sự truyền thừa của dòng Tào Động tại Hội An, Quảng Nam xem như không còn. Mãi đến khi thiền sư Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh và thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh thành lập thì tình hình Phật giáo Hội An mới ổn định và phát triển. Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ra đời cuối thế kỷ 17, gắn với sự kiện thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo đời 34 dòng Lâm Tế khai sơn chùa Chúc Thánh ở Hội An. Kế tiếp sau này, nhiều ngôi chùa được xây dựng tại Hội An như Vạn Đức, Phước Lâm, Viên Giác, Hải Tạng, chùa Kim Bửu, Long Tuyền… và được ban sắc tứ dưới thời các vua nhà Nguyễn như chùa Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm, Kim Bửu, Long Tuyền. Trải qua những biến động của lịch sử, hiện nay chỉ còn 4 tấm bảng sắc tứ được lưu giữ trong 4 ngôi cổ tự ở Hội An. Chúng tôi xin giới thiệu những tấm biển ngạch sắc tứ gắn liền với lịch sử của các ngôi chùa này.
Bức hoành Sắc tứ “Long Tuyền tự”. |
Bức hoành Sắc tứ “Chúc Thánh tự”
Chùa Chúc Thánh hiện tọa lạc tại khối An Phong, phường Tân An, được xem là tổ đình của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An. Chùa do thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo (1670 - 1746) khai sơn vào năm 1684. Thiền sư thế danh là Lương Thế Ân, người làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Năm Mậu Ngọ (1678), thiền sư đến xuất gia tại chùa Báo Tư, tỉnh Phúc Kiến. Khi tròn 20 tuổi thiền sư thọ cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo, nối pháp đời 34 tông Lâm Tế. Vào năm Ất Hợi (1695), thiền sư theo phái đoàn hòa thượng Thạch Liêm sang tham dự giới đàn Thiền Lâm tại Huế. Sau khi tham dự giới đàn, thiền sư vào Hội An để đi thuyền về nước. Tại Hội An thiền sư khai sơn chùa Chúc Thánh. Đồng thời thiền sư xuất kệ truyền thừa lập thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Dòng thiền này còn có tên gọi khác là thiền phái Minh Hải - Pháp Bảo. Ban đầu chùa là một am nhỏ được xây bằng tranh tre, dần dần các đệ tử kế truyền của tổ sư Minh Hải đã sửa chữa, mở rộng trở thành một ngôi chùa có không gian rộng lớn và kiến trúc bề thế như hiện nay.
Bức hoành hiện treo tại chính điện chùa ghi Sắc tứ “Chúc Thánh tự, lạc khoản “Khải Định ngũ niên Canh Thân trọng xuân”.
Bức hoành Sắc tứ “Kim Bửu tự”. |
Bức hoành Sắc tứ “Phước Lâm tự”
Chùa Phước Lâm hiện tọa lạc tại thôn Cửa Suối, phường Cẩm Hà. Chùa do thiền sư Thiệt Dinh - Ân Triêm (1712 - 1796) khai sơn vào giữa thế kỷ 18, khoảng năm 1736. Thiền sư Thiệt Dinh – Ân Triêm thế danh là Lê Hiển, người xã Bến Đền, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam xưa. Năm 10 tuổi, thiền sư Thiệt Dinh thọ giáo làm đệ tử thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo. Đến năm 20 tuổi, thiền sư thọ giới cụ túc với pháp danh Thiệt Dinh, tự Chánh Hiển, hiệu Ân Triêm, nối pháp đời 35 tông Lâm Tế và thế hệ thứ 2 của thiền phái Chúc Thánh. Lúc đầu chùa là một thảo am nhỏ để tu tập thiền, đến đời thứ ba - trụ trì là hòa thượng Minh Giác cho xây dựng lại toàn bộ ngôi chùa. Chùa trải qua các lần trùng tu vào các năm 1864, 1891, 1965…
Bức hoành hiện treo tại chính điện chùa ghi Sắc tứ “Phước Lâm tự”, lạc khoản “Duy Tân tứ niên cửu nguyệt nhị thập ngũ nhật phụng”.
Bức hoành Sắc tứ “Long Tuyền tự”
Chùa Long Tuyền hiện tọa lạc tại khối Bàu Đưng, phường Thanh Hà. Theo các tài liệu cho biết, tổ khai sơn chùa là thiền sư Ấn Nghiêm - Phổ Thoại (1875 - 1954). Thiền sư thế danh là Nguyễn Văn Thọ, người làng Kim Bồng, nay là xã Cẩm Kim. Năm Đinh Hợi (1887), khi vừa tròn 12 tuổi, thiền sư xuất gia với tổ Chương Đạo - Quảng Viên tại chùa Chúc Thánh. Đến năm 20 tuổi thiền sư thọ giới cụ túc với pháp danh Ấn Nghiêm, pháp tự Tổ Thân, hiệu Phổ Thoại, nối pháp đời 39 tông Lâm Tế và thế hệ thứ 6 pháp phái Chúc Thánh.
Năm Kỷ Dậu (1909), được phật tử hiến cúng khu đất tại ấp Hậu Xá, xã Thanh Hà, thiền sư lập một thảo am nhỏ lấy tên là Long Tuyền để tiện việc tu niệm. Từ đó, thiền sư Phổ Thoại dần dần xây dựng Long Tuyền thành một ngôi chùa có quy mô lớn và bề thế như hiện nay. Bức hoành hiện treo tại chính điện chùa ghi Sắc tứ “Long Tuyền tự”, lạc khoản “Bảo Đại bát niên cửu nguyệt cát nhật tạo”
Bức hoành Sắc tứ “Kim Bửu tự”
Chùa Kim Bửu hiện tọa lạc tại thôn Trung Châu, xã Cẩm Kim. Chùa Kim Bửu là một trong những ngôi chùa làng có quy mô bề thế, có lối kiến trúc cổ xưa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng Kim Bồng xưa, xã Cẩm Kim ngày nay. Chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ 18, do dân làng xây dựng nên và có tên là Bửu Kim tự, sau dân làng hiến cúng ngôi chùa cho hòa thượng Phổ Thoại - trụ trì chùa Long Tuyền. Hòa thượng Phổ Thoại đã đứng ra đại trùng tu ngôi chùa và đổi thành Kim Bửu tự.
Bức hoành hiện treo tại chính điện chùa ghi Sắc tứ “Kim Bửu tự”, lạc khoản “Bảo Đại thập bát niên thập nhất nguyệt thập tứ nhật, Lễ Công bộ cung lục”.
Vài nhận xét
Về niên đại, qua thông tin ghi trên lạc khoản các bức hoành thì các chùa được ban sắc tứ vào thời các vua Nguyễn, trong đó tập trung vào thời các vua Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại.
Trong các ngôi chùa được ban sắc tứ thì có 4 ngôi chùa là tổ đình gồm Chúc Thánh, Phước Lâm, Vạn Đức và Long Tuyền. Riêng chùa Kim Bửu là một trường hợp đặc biệt vì đây là một ngôi chùa làng. Điều này chúng tôi vẫn chưa thể giải thích được vì sao chùa lại được ban sắc tứ, trong khi đó ở Hội An một số ngôi chùa làng hình thành khá sớm như chùa Hải Tạng, chùa Viên Giác... lại không được ban sắc tứ.
Trải qua những biến động của lịch sử, các ngôi chùa vẫn bảo tồn được những nét cổ kính, đặc biệt là các hoành phi, liễn đối, chuông, bia… được các thế hệ tăng ni của các chùa quan tâm giữ gìn. Sự hiện diện của các ngôi chùa cùng với việc bảo tồn những bức hoành phi cung cấp nhiều thông tin có giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật góp phần nghiên cứu lịch sử - văn hóa Hội An, đặc biệt là quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung dưới thời các chúa Nguyễn, triều Nguyễn.
Các ngôi chùa này đã được các cơ quan chức năng tại địa phương đưa vào danh mục bảo tồn, lập hồ sơ khoa học. Trong đó các chùa đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia như chùa Chúc Thánh, Phước Lâm, Vạn Đức; chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh như chùa Kim Bửu và Long Tuyền. Hiện nay các ngôi chùa này là điểm tham quan lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan Đô thị cổ Hội An.
PHẠM PHƯỚC TỊNH