"Tiếp lửa" đam mê văn chương
Gần 30 năm kể từ trại viết dành cho các cây bút trẻ do Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) tổ chức, một cuộc hội ngộ dành cho những người viết trẻ ở vùng đất giàu truyền thống văn chương này mới lại được mở ra.
Tác giả trẻ Đỗ Tấn Đạt (Quảng Nam) tham gia thảo luận tại hội nghị. Ảnh: B.ANH |
Đam mê
Hội nghị những người viết văn trẻ TP.Đà Nẵng mở rộng 2017, do Hội Nhà văn Đà Nẵng tổ chức, diễn ra vào ngày 25 - 26.11. Từ ý tưởng ban đầu là chỉ “mở rộng” ra khu vực Quảng Nam, nhưng thực tế hội nghị đã mở ra rất rộng. Trong số 36 tác giả trẻ dự hội nghị, ngoài những người hiện sinh sống, làm việc ở Đà Nẵng và Quảng Nam (trong đó có 12 tác giả đang sinh sống tại Quảng Nam, 8 tác giả sinh ra, lớn lên ở Quảng Nam), còn có những gương mặt đến từ Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và cả những địa phương rất xa như Bình Dương, Hải Dương. Mỗi người một việc, một hoàn cảnh, một phong cách sáng tác nhưng khi về dự hội nghị này, tất cả đều có một điểm chung, ấy là niềm đam mê, tha thiết với văn chương, khát khao được gặp gỡ, chia sẻ với những người viết cùng thế hệ. Từ vùng núi cao Đông Giang (Quảng Nam), Alăng Văn Gáo tạm ngưng việc đi rừng nhảy xe đò về Đà Nẵng “để được gặp mọi người và để... đọc thơ”. Từ tỉnh Bình Dương, tác giả trẻ Trần Nguyên Hạnh - người gốc Quảng Nam, xin nghỉ phép hẳn một tuần “để được sống với không khí văn chương trẻ”. Các tác giả - doanh nhân trẻ như Lê Hồng Mận, Hoàng Bích Lệ, Ngô Võ Giang Trung... tạm dứt khỏi việc kinh doanh để được sống trọn vẹn với môi trường văn chương. Trong suốt thời gian tham dự sự kiện, họ đã tạm ngưng sử dụng điện thoại để “không bị chuyện làm ăn quấy rầy”.
Theo nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, ngay sau khi thông tin về hội nghị được công bố, rất nhiều bạn viết trẻ trong cả nước đã gọi điện, gửi thư đề nghị được tham gia. “Tinh thần và niềm đam mê văn chương của nhiều bạn trẻ thật đáng nể. Chỉ tiếc là do khả năng có hạn nên ngoài “người anh em ruột thịt” Quảng Nam, chúng tôi đã rất cố gắng và chỉ có thể mời thêm một ít đại biểu trẻ ở một số tỉnh khu vực miền Trung” - nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm nói thêm.
Kết nối thế hệ, “tiếp lửa” đam mê
Ngoài 36 tác giả trẻ (sinh từ 1980 trở về sau), tham dự hội nghị này còn có khá nhiều những gương mặt... không còn trẻ nữa. Đó là các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ, Lê Trâm (Quảng Nam); Nguyễn Văn Thuận (Quảng Ngãi); Thái Bá Lợi, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Nho Khiêm, Bùi Tự Lực, Võ Thị Kim Ngân, Trần Trung Sáng, Mai Hữu Phước (Đà Nẵng)... Nhìn lướt qua thì có vẻ “chỏi” với khoảng cách tuổi tác, nhưng những gì diễn ra tại sự kiện này thì lại rất gần gũi, thân mật và không hề có khoảng cách. Khi được mời phát biểu, hầu hết những người “không còn trẻ” đều không hề tỏ vẻ “đàn anh, cha chú”, đều nói rất ngắn với lý do “đến đây để nghe là chính, nhường sân chơi cho lớp trẻ”.
Bên cạnh câu chuyện kết nối thế hệ, câu hỏi “làm thế nào để tác phẩm văn chương của người viết trẻ đến được với công chúng” đã được những người tham dự hội nghị bàn bạc nghiêm túc và sôi nổi. Trong khi có một số tác giả cho rằng cần có sự hỗ trợ từ các đơn vị xuất bản, kết hợp với truyền thông, PR thì ngược lại, Đỗ Hoàng Tâm (Quảng Nam) cho rằng phải bắt đầu từ cái quan trọng nhất, ấy là chất lượng tác phẩm. Anh nói: “Chỉ khi có được tác phẩm có giá trị thì mới nghĩ đến sự hỗ trợ của truyền thông, của các đơn vị xuất bản, phát hành và các nhà phê bình”. Trong khi một số người cho rằng người viết phải “đi tìm” người đọc bằng cách viết về những chuyện thật “hợp thời”, hợp “gu” thì ngược lại, Ngô Võ Giang Trung (Đà Nẵng), Diệu Ái (Quảng Trị), Trần Khánh Nguyên Sơn (Hải Dương) đều cho rằng trước hết phải “viết bằng cái mình có”, phải tạo nên những tác phẩm thật hay để người đọc “đi tìm” người viết. Và rồi câu chuyện trở nên sôi nổi hơn (thậm chí là “nan giải” hơn) với một loạt “đáp án” khác nhau khi Đỗ Tấn Đạt (Quảng Nam) đặt ra câu hỏi: “Thế nào là một tác phẩm hay?”.
Hầu hết tác giả thuộc “thế hệ công nghệ số” tham dự hội nghị đều đề cập một phương thức phổ biến tác phẩm đang trở nên quen thuộc, ấy là môi trường mạng. Trương Công Tưởng (Bình Định), Lê Hồng Mận (Đà Nẵng), Trần Nguyên Hạnh (Quảng Nam).. đều không giấu giếm là trong những bước đi văn chương đầu tiên của họ, nơi họ “cậy nhờ” trước hết và nhiều nhất chính là mạng xã hội. Dù vậy, đó không phải là lựa chọn duy nhất và cuối cùng của những người viết trẻ khi mà hầu hết đại biểu trẻ đều bày tỏ nguyện vọng được công bố tác phẩm của mình trên các ấn phẩm giấy: trên các báo, tạp chí và sau đó là in thành sách. Và, gần như ngay lập tức, nguyện vọng ấy của những người viết trẻ đã bất ngờ nhận được cam kết hỗ trợ từ những người có trách nhiệm: nhà thơ Nguyễn Kim Huy - Tổng Biên tập NXB Đà Nẵng, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Tổng Biên tập Tạp chí Non Nước và nhà thơ Phan Chín - Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng. Nhà thơ Nguyễn Kim Huy bộc bạch: “Bằng đam mê, nhiệt huyết, tài năng của mình, các bạn đã và đang kết nối thế hệ, vậy thì hà cớ gì chúng tôi lại không cùng các bạn giữ gìn, làm bền chặt hơn sự kết nối ấy và cùng chung tay giữ lửa đam mê?...”.
BẢO ANH