Bảo tồn, trùng tu nhóm tháp K, H, A Mỹ Sơn: Băn khoăn hậu dự án

VĨNH LỘC 27/10/2017 08:41

Dự án bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp K, H, A Mỹ Sơn giai đoạn 1 do chuyên gia Ấn Độ thực hiện đã kết thúc. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít băn khoăn từ các bên liên quan.

Nhóm tháp H đã được khai quật, chống đỡ.
Nhóm tháp H đã được khai quật, chống đỡ.

Đồng bộ khai quật, gia cố

Trong giai đoạn 1 của dự án (triển khai từ ngày 1.3 - 31.5.2017), các chuyên gia Ấn Độ đã tiến hành phát lộ, khai quật hơn 300m2; bóc chuyển lớp đất sâu từ 60 đến 80cm. Qua khai quật đã phát hiện tháp K có hai cửa với những bậc cấp bằng gạch, một xoay về hướng đông, một xoay về hướng tây. Nối dài cửa phía đông là hai tường thấp cách nhau 8m, song song kéo dài về hướng đông (hướng vào khu E, F), khoảng giữa hai đoạn tường này không có dấu vết lát gạch, đá mà chỉ là lớp đất, sỏi được đầm chặt, mỗi tường cao gần 1m, rộng 60cm. Đặc biệt, tại cửa hướng tây phát hiện 2 tượng hình sư tử đứng với khuôn mặt hung dữ, tư thế vững chãi cùng nhiều hiện vật là thành phần kiến trúc, trang trí cùng những mảnh gốm không tráng men nhưng đa dạng kiểu dáng, màu sắc... Với nhóm tháp H được xây trên ngọn đồi có độ cao, các chuyên gia đã tiến hành khai quật hơn 700m2, chiều sâu từ 60 đến 80cm, kết quả làm lộ toàn bộ khung tường bao, hiện vật thu nhặt chủ yếu là thành phần kiến trúc, trang trí góc tháp và chóp tháp bằng chất liệu đá hoặc đất nung. Quá trình khai quật cũng phát hiện bố cục của khu tháp H khác biệt với bố cục truyền thống tháp Chăm (tháp chính, tháp cổng và tháp tịnh tâm). Nhóm tháp A chưa triển khai khai quật.

Báo cáo kết quả giai đoạn 1 dự án cho biết, qua 3 tháng triển khai, các chuyên gia đã thu nhặt khoảng 170 hiện vật. Riêng tại khu tháp K sau khi phát lộ, các chuyên gia Ấn Độ đã thực hiện giải pháp bảo tồn, trùng tu dựa vào yếu tố gốc. Trong đó, chất vữa sử dụng lớp trên bề mặt là keo dầu rái và bột gạch; lớp dưới, lõi tường dùng vôi, cát và bột gạch. Sử dụng gạch cũ kết hợp với gạch mới phù hợp từng vị trí. Những góc, mảng tường độ kết cấu yếu nghiêng lệch chưa kịp trùng tu được dùng gỗ chống đỡ gia cường tạm thời, tạo mặt bằng làm rãnh thoát nước. Sắp xếp trưng bày tại chỗ một số hiện vật là thành phần kiến trúc, làm các bậc bằng gỗ và tạo lối đi phục vụ tham quan.  

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, bởi trước khi tiến hành can thiệp vào nhóm tháp K và H, cả hai đã xuống cấp nghiêm trọng. Tại nhóm tháp K (thế kỷ XII), hiện trạng chỉ còn 2 mảng tường phía bắc và phía nam cao khoảng 4m, chân đế bị phủ một lớp gạch đổ, ngoài phần tường đã rạn nứt, phần lõi của tường tháp cũng bị bong tróc rất nhiều. Tương tự, nhóm tháp H (thế kỷ XIII), trước đây gồm 4 tháp nhưng đã bị bom đánh sập hoàn toàn, vết tích sót lại ngày nay là một mảng tường của tháp H1 cao khoảng 7m, những tháp khác hầu hết bị đổ ngã thành những gò ụ cao từ 1 - 2m.

Can thiệp nhanh

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, dự án bảo tồn các nhóm tháp Mỹ Sơn có thời gian 5 năm. Giai đoạn 1 (2016 - 2017) Ấn Độ đã cử sang 5 chuyên gia gồm 1 kiến trúc sư, kỹ sư; 1 nhà bảo tàng học; 1 nhà khảo cổ học; 1 nhiếp ảnh gia và 1 họa sĩ vẽ kỹ thuật tiến hành khảo sát, khai quật và tổ chức chống đỡ ban đầu ở hai khu vực tháp K và H trong tổng số 3 nhóm tháp là K, H và A. Dự kiến, tháng 1.2018 các chuyên gia Ấn Độ sẽ quay trở lại để tiếp tục thực hiện dự án theo lộ trình mỗi năm làm từ 3 - 4 tháng cho đến năm 2021. Kinh phí dự án do Ấn Độ tài trợ cùng với vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dù giai đoạn 1 đã kết thúc một thời gian nhưng đến nay vẫn có ý kiến quan ngại về giải pháp và phương pháp thực hiện dự án. KTS.Đặng Khánh Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) tỏ ra ngạc nhiên vì tiến độ thực hiện dự án của các chuyên gia Ấn Độ quá nhanh, khác với các dự án đã từng triển khai ở Mỹ Sơn thời gian qua. “Đến bây giờ tôi vẫn chưa tiếp cận hay nhận được thông tin gì về dự án bảo tồn 2 nhóm tháp K và H. Tôi cũng chưa thấy bên nào đứng ra trình bày báo cáo, giải pháp, phương án hay tình trạng cụ thể của tháp như thế nào, chỉ thấy họ làm có vẻ rất nhanh so với các chuyên gia Ý hoặc chuyên gia Ba Lan… đã làm trước đây. Tôi cũng không biết là quá trình thực hiện họ có tham vấn hoặc trao đổi chuyên môn với ai không, nhưng riêng với tôi và một số chuyên gia thường xuyên gặp gỡ, hầu như không ai biết gì về dự án này, kể cả các chuyên gia Ý từng trùng tu nhóm tháp G trước đây” - KTS.Ngọc nói.  

Tuy nhiên, theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người có nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn các nhóm tháp Mỹ Sơn, mỗi dự án đều có giải pháp và cách trùng tu khác nhau. Nếu các chuyên gia Ý khai quật xong mới trùng tu thì các chuyên gia Ấn Độ khai quật đến đâu trùng tu đến đó. “Không thể nói phương pháp nào tốt hơn và cũng không nên so sánh như vậy” - ông Hỷ chia sẻ. Đây cũng là quan điểm của một vài nhà nghiên cứu khi đề cập phương pháp bảo tồn của các chuyên gia Ấn Độ. Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, các chuyên gia Ấn Độ đã có giải pháp riêng và chắc chắn cũng đã thống nhất giải pháp với Bộ VH-TT&DL nên sẽ không lo lắng về mặt chuyên môn kỹ thuật. “Phía Ấn Độ chỉ làm việc với Bộ VH-TT&DL và thông báo cho mình chứ đâu có làm việc với tỉnh về chuyên môn. Còn bảo Viện Bảo tồn di tích không biết là không đúng vì họ là cơ quan chuyên môn tham mưu Bộ VH-TT&DL. Về mặt chuyên môn mình chưa vội kết luận thế nào nhưng tôi thấy trong giai đoạn 1 phía Ấn Độ làm như vậy là tốt, còn làm hiệu quả như thế nào, thời gian sẽ trả lời. Do đó, cũng không thể nói gì sâu hơn vì  tôi không tham gia trực tiếp nhưng tin họ làm được vì có rất nhiều kinh nghiệm trong trùng tu tháp gạch ở Ấn Độ. Nói chung làm nhanh mà hiệu quả còn hơn là ngồi mài từng viên gạch” - ông Tịnh phân tích.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC