Trẻ em hát nhạc người lớn

VĂN THU BÍCH 15/10/2017 10:28

Theo dòng chảy thời gian, bên cạnh các thể loại âm nhạc ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng trong xu thế hội nhập thì ngược lại, những bài hát hay dành cho thiếu nhi dường như ngày càng thiếu vắng, mờ nhạt dần và thiếu sự đổi mới. Có thể nói, trong bất cứ thời kỳ nào của cuộc đời thì âm nhạc vẫn luôn đóng vai trò không thể thiếu. Trong đó, các sáng tác có ý nghĩa bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ là hết sức quan trọng.

Trẻ em không nên liên tục hát nhạc người lớn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trẻ em không nên liên tục hát nhạc người lớn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Một vấn đề đáng lo nghĩ cho dòng nhạc thiếu nhi hiện nay là các em đang quá thiếu những ca khúc hay dành cho độ tuổi của mình. Nếu các em cứ hát những ca khúc dành cho người lớn, thể hiện ca khúc với phong cách người lớn, chắc chắn sẽ bị những ảnh hưởng bất lợi về tâm sinh lý, dần dần tạo sự khiếm khuyết trong hình thành nhân cách. Do đó, những sáng tác cho thiếu nhi cần hồn nhiên, không cách biệt với lứa tuổi ấu thơ, có ý nghĩa nhằm vun đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều chương trình trên sóng truyền hình trung ương và địa phương lại dàn dựng cho các em thể hiện những ca khúc dành cho người lớn với những ca từ không phù hợp độ tuổi của các em. Khi cho các cháu xem những chương trình giải trí này, các bậc phụ huynh có con nhỏ rất cẩn trọng, bởi trong nhiều chương trình như “Gương mặt thân quen nhí” buộc các em phải hóa trang, biểu diễn giống các ca sĩ thành danh, ở độ tuổi 30 - 40, hoạt động trong nước hoặc quốc tế. Các em phải làm mình già đi theo ca khúc, càng giống càng được hoan nghênh, chỉ cần diễn theo đúng yêu cầu của huấn luyện viên để đạt giải là được, mà không hề biết rằng một khi các em luyện tập nỗ lực để nhập vai thì đã đánh mất nét hồn nhiên trong sáng của chính mình, dù chỉ diễn một vài tiết mục nhưng vẫn làm tổn thương tâm hồn các em. Sau này khi đã trưởng thành chắc chắn các em sẽ phải suy ngẫm, hối tiếc. Vậy thì tại sao các bậc phụ huynh, các nhà làm chương trình không quan tâm định hướng đúng đắn ngay từ đầu?

Trong chương trình “Gương mặt thân quen nhí”, show tính điểm cuối cùng, thí sinh Mai Chi đã đóng giả NSƯT Hoài Linh thể hiện bài dân ca Trách thân. Một ca khúc có nội dung than thân trách phận của người lớn hoàn toàn xa lạ với tuổi thơ làm sao em hiểu nổi mà diễn xuất. Sự áp đặt rất dễ làm tổn thương hình ảnh trong sáng của thiếu nhi. Tương tự như vậy trong một chương trình “Hóa thân thần tượng”, có giọng ca nhí Minh Chiến bắt chước hóa thân thành ca sĩ Quang Linh từ phong cách đến giọng ca, càng giống thì khán giả càng tán thưởng. Sự cổ vũ đó đã làm các em ngộ nhận và càng muốn theo con đường bắt chước người lớn để tiếp tục tham gia các cuộc thi tìm danh lợi phù phiếm theo ý muốn người lớn. Rồi trong một buổi sinh hoạt tập thể tại một trường học ở Hà Nội, các em học sinh cùng cất cao giọng hát bài “Chắc ai đó sẽ về” - một bài hit của Sơn Tùng MTP đã khiến dư luận khi ấy lên tiếng mạnh mẽ.

Đối với các gameshow ca nhạc, đặc biệt là các cuộc thi hát trên truyền hình dành cho trẻ em, các nhà sản xuất không coi trọng nội dung kịch bản cần mang tính giáo dục cao, lại yêu cầu các cháu hát bài hát của người lớn, trở thành người lớn quá sớm, chẳng hạn dàn dựng tiết mục về “Thị Mầu lên chùa” thật phản cảm. Tuổi các cháu làm sao hiểu Thị Mầu là ai mà áp đặt, buộc phải diễn, phải hát cho giống, rồi ca ngợi vai diễn của các cháu. Tất cả diễn xuất chỉ là bắt chước, mục đích giả trai, giả gái càng ngộ nghĩnh càng thu hút người xem, vô tình làm sai lệch tâm lý giới tính của các cháu nhỏ. Phải chăng diễn viên nhỏ tuổi diễn xuất trên sân khấu chỉ để làm trò vui cho người lớn? Đáng buồn là tiết mục này đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả. Đã vậy, lại lắm người ngợi khen làm các cháu càng lầm tưởng mình đã thành công, càng sai đường lạc lối trên những bước chân đầu tiên làm quen với nghệ thuật.

Thế nhưng, có một câu hỏi, là các nhà đài, các đạo diễn chương trình đâu có ai dám thả con em mình vào các sân chơi này? Có lẽ họ biết rõ đây là cuộc mạo hiểm gây tổn hại cho tâm hồn trẻ thơ. Vậy, tại sao họ lại đứng ra tổ chức chương trình? Phải chăng, những bài hát người lớn vẫn có một sức hút mạnh mẽ trong một sân chơi thiếu nhi. Và người ta vẫn phải dựa vào đó để tăng cao lợi nhuận, để thu hút sự quan tâm của số lượng rất lớn người xem. Các đơn vị tổ chức chương trình gameshow, sản xuất chương trình truyền hình thực tế, sản xuất băng đĩa nhạc cứ than phiền thiếu bài hát thiếu nhi nên phải sử dụng bài của người lớn. Ca khúc dành cho tuổi thơ khá hiếm hoi trong các chương trình truyền hình thiếu nhi thi hát như: “The Voice kids”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Tuyệt đỉnh song ca nhí”, “Thần tượng âm nhạc nhí - Vietnam Idol kids”, “Giọng hát Việt nhí”... Chỉ có thể lý giải là nhà tổ chức thiên về giới thiệu giọng hát và phô diễn hình thức hơn là tìm bài hát thiếu nhi phù hợp cho các em thể hiện. Hiện tượng này vẫn cứ nhan nhản trên các sóng truyền hình phát đều trong cả nước. Nhiều người khi xem các chương trình này, đã bức xúc nêu câu hỏi: “Tại sao Hội Nhạc sĩ Việt Nam không lên tiếng?”. Thật đáng tiếc! Hội không thể can thiệp vào nội dung các chương trình vì không được mời thẩm định và dường như hoàn toàn đứng ngoài cuộc.

Thực trạng đang diễn ra là trong các cuộc thi âm nhạc, nhiều em lựa chọn những ca khúc của người lớn và chính sự tán thưởng thiếu suy nghĩ của người lớn đã vô tình khiến các em lầm tưởng về tài năng, dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và bào mòn sự trong sáng của tuổi thơ. Ngay cả một số ca sĩ, nhạc sĩ hướng dẫn cũng theo tiêu chí của cuộc thi nên uốn nắn các em biểu diễn dòng nhạc già hơn tuổi. Phần nhạc đệm và múa minh họa thì dàn dựng khá tùy tiện không phù hợp với nội dung, ngay cả phục trang cũng cẩu thả trong các liên hoan, hội diễn. Tình trạng này đáng được báo động để giới nhạc sĩ cần quan tâm hơn đến việc sáng tác và dàn dựng ca khúc phù hợp cho lứa tuổi thiếu nhi hiện nay, không nên để tái diễn tình trạng lợi dụng hình ảnh thiếu nhi để trục lợi.

VĂN THU BÍCH

VĂN THU BÍCH