Phố qua nét vẽ cũ

LÊ QUÂN 15/10/2017 10:21

Có một Hội An thuần khiết của những năm mới giải phóng, một Hội An của ngày chưa xa còn vắng dấu chân người. Mấy nét vẽ cũ, vô tình đánh thức nhiều thứ  đã mất trong ký ức của những người yêu Hội An về một vùng nên thơ…

“Phố cổ vẫn còn nhà cổ” của họa sĩ Nguyễn Văn Ký.
“Phố cổ vẫn còn nhà cổ” của họa sĩ Nguyễn Văn Ký.

Một căn phòng nhỏ trong khuôn viên Bảo tàng Hội An, ít nhiều gây chú ý cho những ai thích “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”. Hình như đặc tính của nghệ thuật chính là khiến cảm xúc con người có thể đi ngược vòng qua rất nhiều ngõ ngách, đến khi chọn cho mình điểm rơi, may thay, còn tàn sót chút mộng mơ. Lòng vòng để không còn hối tiếc trước một Hội An thực tại với đặc ken dòng người, để mà thư thả nhìn tranh. Những bức tranh đầy chất thơ của nhiều họa sĩ yêu  Hội An, từ Hà Nội, Sài Gòn, hay rộng hơn, từ đất Bắc đến miền Nam. Phải tính đến con số hàng trăm, về những bức tranh được các gia đình họa sĩ khắp nơi hiến tặng cho Bảo tàng Hội An, như muốn gửi gắm cho vùng đất này một phần thân thiết của họ.

Chùa Cầu mùa nước nổi, tranh vẽ năm 1990 của Loka.
Chùa Cầu mùa nước nổi, tranh vẽ năm 1990 của Loka.

Nhiều cái tên nổi tiếng, như họa sĩ tài tử Loka, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Thị Tâm… Bà Lê Thị Tuấn - Trưởng phòng Bảo tàng của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An cho biết, tính cả số lượng hiện vật, tranh ảnh, tài liệu của bảo tàng lên đến con số hơn 2.500 hiện vật, trong đó, riêng về số lượng tranh vẽ được các họa sĩ cũng như gia đình hiến tặng có gần 300 bức họa ở nhiều quãng thời gian khác nhau. “Sau những đợt triển lãm cá nhân của họa sĩ được tổ chức ở Hội An, họ thường tặng lại tranh cho bảo tàng. Hay có khi từ chính các gia đình của họa sĩ tìm đến, ngỏ ý muốn tặng để Bảo tàng Hội An lưu giữ. Trong đó, nhiều phải kể đến tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Ký (Hà Nội) tặng lại bảo tàng 76 bức, hay chúng tôi đang lưu giữ 38 bức tranh bằng nhiều chất liệu của họa sĩ nổi tiếng Lưu Công Nhân…” - bà Tuấn cho biết.

Phố năm 1988 của qua bức vẽ của Loka.
Phố năm 1988 của qua bức vẽ của Loka.

Hình như, cả sầu bi lẫn hoan ca, của một phố nhỏ dăm ba con đường, đều được họ gom lại dưới những vệt màu. Người ta có thể nhìn thấy phong cảnh Hội An từ rất lâu rồi trên giấy dó của Lưu Công Nhân. Hội An của một phong vị đặc quánh phương Đông. Cả những bức tranh sơn dầu của người họa sĩ mê Hội An này vẫn luôn mang một tinh thần tĩnh lặng, dù màu sắc hay hình khối luôn xáo động nhiều suy tư. Một vài bức họa từ chất liệu bột và màu nước, như “Quán ăn cao lầu”, “Nắng mới lên”, “Phố cổ Hội An”, “Cô gái bên giếng cổ”... của Lưu Công Nhân còn có chức năng “bảo tồn” một phần ký ức của người Hội An – khi những con phố chưa đầy chật ồn ã như bây giờ. Nhiều người Hội An kể lại, họa sĩ Lưu Công Nhân ở lại Hội An một thời gian dài để vẽ, và mê đắm đến độ chiều ba mươi tết vẫn còn đứng vẽ phố rêu. Ông từng nói: “Ở Hội An ngồi đâu cũng vẽ được tranh, đứng đâu cũng nhìn ra góc đẹp…”.

 Những vẻ đặc trưng ẩn chứa trong phố phường có hàng trăm năm, với không gian kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà cổ, những con đường nhỏ và những ngõ hẹp lô xô mái ngói rêu phong, nếp sống xưa cũ của một cảng thị còn được lưu giữ nguyên vẹn… là sức hút để những người làm nghệ thuật tìm về. Hội An đã từng đón những họa sĩ nổi tiếng về sống và vẽ, như Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Vũ Giáng Hương hay cả Đinh Cường, Bửu Chỉ, Thành Chương… Chưa kể, từ văn chương đến âm nhạc, đều có những con người đặc biệt từng lưu lại Hội An, với những cảm xúc khác biệt của một Hội An vào thập niên 1990 - 2000. Đời sống tinh thần phố cổ vẫn là một nét duyên khó nói nên lời từ xưa đến nay của Hội An, dẫu cho đời sống vật chất qua nhiều giai đoạn biến đổi đã làm phai lạt đi nhiều dấu cũ. Nhạc sĩ Phạm Duy ngang qua Hội An mấy bận, từ thuở còn “rong ca” đến cả khi ông “trở về”, vẫn một mực cho rằng, “chưa thấy nơi nào mà thanh niên ở đó yêu âm nhạc đến vậy”.

Và nếu “di sản ảnh xưa phố Hội” cho người ta nhận thấy những đổi thay chóng vánh, và những mất mát là có thật. Thì với tranh, hẳn nhiên, những mất mát thay đổi kia có phần nhẹ nhõm hơn, trong hình dung con người. Những ngôi nhà, những hàng cây, những gương mặt, những người đàn bà duyên dáng thướt tha của phố Hội trong buổi lễ chùa của những lần gặp gỡ đâu đó với người họa sĩ đến Hội An. Dù là ngắn dài, sâu nông, vui hay buồn, còn hay mất, duyên hay nợ, hội ngộ hay chia ly, thì những bức họa đọng lại với Hội An hiện tại, là vốn quý. Vốn quý của những xúc cảm đầy thong thả, đầy chia sẻ, an lành. Từ bột màu, màu nước, hay cả tranh dán giấy, có bức ký họa đã từ năm 1990, hay có bức cũng chỉ mới ngót nghét 10 năm trôi, thì vẫn cơ hồ nhận ra một Hội An của cuộc đi chóng vánh nghiêng nhiều hơn về phía “son vàng”. Nhưng phải nghĩ rằng được hay mất, tốt lên hay xấu đi, vẫn là trong mắt nhìn của người tìm đến. Chấp nhận quy luật phát triển để thích nghi, hẳn còn sâu xa nhiều câu chuyện khác. Nhưng dù cái xứ sở này, như họa sĩ Lê Thiết Cương nói, dẫu xưa hay nay thì vẫn “đủ dài rộng cho mọi cá tính sáng tạo”… Vì thế, nên tranh vẽ phố Hội, hình như chưa bao giờ mất đi những xúc cảm khác biệt.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN