Nghệ sĩ... làng
Không nhiều nhưng chính họ là một sức hút, kéo đám đông lam lũ với cuộc sống ngồi lại bên nhau. Và ca hát…
Một tiết mục do các thành viên trong Câu lạc bộ Chung sức trẻ (thị xã Điện Bàn) biểu diễn. Ảnh: VĂN MẾN |
Bữa nào cuối tuần về quê Nông Sơn, cũng nghe những người chị - ban ngày quần quật chạy chợ, rủ rê “đi cà phê”. Quán cà phê kín, nhưng văn minh. Buổi tối cuối tuần, quán tổ chức đêm nhạc “sống”. Những người mê hát, mê vui, lại có cớ để gặp nhau. Phần lớn đều ở độ tuổi trung niên. Kiểu hát rất lịch thiệp. Một vài cặp đôi khiêu vũ, cũng ăn bận là lượt như bất cứ một người thành phố nào đi vũ hội. Chúng tôi chọn cho mình một góc ở phía kia sân khấu. Chỗ này, ít cô chú nào ngồi, bởi di chuyển lên sâu khấu thì phải lượn lách qua nhiều bàn khác. Hơi kỳ. Nên như mặc định rằng bàn đó là của gia đình mình, đi trễ hay sớm cũng y chỗ đó, bởi mình chỉ muốn ở vai người nghe, người xem.
Ở cái vai đó, mới chứng kiến những câu chuyện rất “nghệ sĩ”. Bàn nào cũng có vài người “quen mặt”. “Quen mặt” vì ban ngày về quê đi chợ, hay gặp họ. Họ là cô hàng rau, hàng thịt, hàng xén. Cũng có khi là ông giữ xe vui tính, ông bán trái cây trên cái xe đẩy chạy quanh khắp đường. Nhưng bước vào quán “nhạc sống” thì khác hẳn cái kiểu tửng tửng của ban ngày mưu sinh! Là quý ông, quý bà đi thẳng lưng, cái tướng ngồi cũng cầu kỳ chẳng kém. Gọi một ly nước uống cái giọng cũng bổng trầm chừng mực hẳn. Và cái đoạn khiến tôi ngạc nhiên nhất là lúc họ lên sân khấu, cầm micro và… hát. Cái hay của những thứ thô mộc, thiệt thà. Cái giọng đi qua bao khói sương nhuốm cả điệu hoang tàn lẫn bất cần ngang ngửa. Cái giọng hát mà không cần biết nốt nào ở cung nào, cứ vậy làm xúc động hay vui vẻ những người ngồi dưới.
Mỗi đêm thứ Bảy ở Vĩnh Điện, ở Trung Phước, ở Hội An… hay ở bất cứ những vùng quê nào đó, đều có những không gian dành cho lớp tuổi này. Họ đàn hát, khiêu vũ. “Văn minh” – như cái ý hướng mà một anh chàng diễn viên hài hay dùng nhận xét khi làm giám khảo các chương trình gameshow. Có ở trong cái không gian này mới thấy, người dân Quảng mình yêu văn nghệ… bất chấp. Và hẳn phải thừa nhận là mỗi con người đều ít nhiều có vài gram “nghệ sĩ tính”. Đã chơi… thì phải chơi cho đúng điệu, cho tới cùng. Cái này do một ông chú hay lui tới quán cà phê Thạch Trúc Viên với “nhạc sống” hằng đêm của ông nhạc sĩ ở ẩn Đinh Trầm Ca mở tại điện La Qua cũ. Những người vừa bước vào ngưỡng già, khi áo cơm không hẳn là điều bức thiết nhất nữa, thì nhu cầu tinh thần cho chính mình lúc trẻ bị vùi dập, tuổi này lại trỗi lên. Phố phường tỉnh lẻ xem chừng cũng tươi tắn hơn khi lớp người này biết “ăn chơi”. Ngày nào nhiều người phàn nàn về Tam Kỳ chán nản vì không có chốn vui chơi, thì nay hẳn đã ít nhiều phai lạt cái “ám thị” đó. Tam Kỳ bây giờ, có hẳn một cung đường với rất nhiều quán cà phê cho nhiều lớp tuổi, tối tối đi vài vòng quanh thành phố sẽ nghĩ không chừng mình đang lạc ở phố phòng trà nào của Sài Gòn hoa lệ.
Rồi một loạt nghệ sĩ làng… ở tận Tây Giang, cũng đã kịp trở về phố thị. Nhiều hơn những đêm trình diễn về vũ điệu của đồng bào Cơ Tu trên đường phố Hội An… Reháhn – đầu tiên là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, đã tham vọng hơn vậy nữa, rằng một bữa nào đó, biết đâu anh sẽ đưa cả 54 dân tộc Việt xuống phố, tụ trong một đêm hội. Rằng cái đêm hội ấy, chắc hẳn, theo ý anh chàng này, sẽ vô cùng thú vị khi người ta được chứng kiến những tinh túy bản sắc của đồng bào từ vùng núi cao phía Bắc đến tận chân trời An Giang. Ở Hội An, mỗi tháng một lần, đồng bào Cơ Tu từ Tây Giang lại hẹn nhau xuống phố cổ, dưới ánh đèn vàng hay lồng đèn đỏ đặc trưng của phố Hội. Vui thì rất vui vì không cần phải băng đèo vượt dốc, đợi chờ đến kỳ hội mới xem được điệu múa cồng chiêng. Nhưng hẳn, như một nỗi lo ngấm ngẳng của một người làm văn hóa miền núi lâu năm, thứ gì càng ào ạt, càng dễ dãi, càng nhanh phai lạt. Nhưng biết làm sao được, khi ai cũng muốn đi xa mấy bận…
Rồi tôi cũng tự nhủ mỗi tối nên bước ra khỏi nhà, xa cái căn phòng máy lạnh phà phà và thiết bị thông minh “tạm” để quên trong tủ, mà đi “bát phố”. Có một người viết thế này, mà bây giờ nghĩ, sao đúng quá! “Trong căn phòng lạnh lẽo khô héo với nhiều loại thiết bị hiện đại đó, trái tim người ta bắt đầu héo khô dần đi. Tự kỷ, trầm cảm và nhiều thứ bệnh thời hiện đại theo đó mà xuất hiện. Hãy ngừng nói chuyện với cái điện thoại thông minh, mà hãy bắt đầu cuộc trò chuyện nhiều năng lượng hạnh phúc hơn…”.
THƯ QUÂN