"Số hóa" tư liệu di sản
“Số hóa” di sản đang trở thành “liệu pháp” để cứu vãn những di tích có nguy cơ biến dạng, thậm chí biến mất trong vòng xoáy bộn bề của sự phát triển.
Những hình ảnh, hiện vật tại Bảo tàng Hội An đều được quản lý bằng các phần mềm lưu trữ.Ảnh: LÊ QUÂN |
“số hóa” tư liệu để bảo tồn di tích và bảo quản các di sản văn hóa từ lâu đã được các nhà nghiên cứu, trung tâm quản lý và bảo tồn di tích xem như một công việc “bắt buộc”. Dùng công nghệ xử lý dữ liệu lớn, dữ liệu 3D để có thể số hóa, lưu trữ, tái hiện một cách chân thực hình ảnh các di sản có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo tồn, phục dựng và quảng bá di sản.
Dùng công nghệ để lưu trữ
Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, việc tư liệu hóa các dữ liệu di sản nằm trong vùng bảo vệ được xác định là công việc đầu tiên trong cả một quá trình bảo tồn, trùng tu di tích. “Tất cả đều theo hướng số hóa. Số hóa thật ra là sưu tầm, chụp ảnh, phân loại các dữ liệu rồi dùng những tiện ích công nghệ để lưu trữ” - ông Trung nói. Hệ thống lưu trữ bằng các ứng dụng công nghệ giúp cho việc tìm kiếm và sắp xếp tư liệu trở nên khoa học hơn. Các phần mềm lưu trữ di sản, trên cơ sở theo dõi bằng các tài khoản sẽ dễ dàng giữ lại hình ảnh chính xác của hiện vật. Đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể, theo ông Trung, Hội An kiểm kê và thực hiện tư liệu hóa bằng cách xử lý công nghệ bên cạnh các hình thức kiểm kê truyền thống như ghi âm hay quay hình. “Ngay cả hệ thống di tích, các hiện vật trong bảo tàng đều có lưu trữ bằng các file mềm, bên cạnh việc bảo quản hiện vật trực tiếp” - ông Trung nói thêm.
những cuộc gặp gỡ do Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa tổ chức để tập hợp ghi lại ký ức Hội An, từ đó có những hình thức phục dựng hợp lý. |
Quản lý đối tượng di sản trên hệ thống máy được lựa chọn là phương pháp tối ưu hiện nay ở các trung tâm quản lý di tích. Tự bản thân dự án ứng dụng công nghệ để bảo tồn các giá trị di tích, hay còn gọi là dự án số hóa không gian di tích, với mục đích ứng dụng công nghệ để hiển thị các di sản văn hóa trong không gian ảo, đã được các thành phố lớn áp dụng. Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, đây chính là cách bảo tồn tốt nhất hiện nay, có thể phác họa lại hình vóc di sản cũng như giữ được tính chất nguyên bản của loại hình di sản. Ông Nguyễn Chí Trung thông tin thêm, mới đây, Trung tâm CVS của Đại học Duy Tân Đà Nẵng (DTU) đã phối hợp cùng Công ty VNi thực hiện 3D scanning Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Các điểm di tích chính trong di sản Hội an được số hóa 3D với công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality) và 360 Virtual tour. Tới lúc này, các công trình đã có thể tiếp cận đến người dân ở bất kỳ nơi nào. Thay vì phải tới tận nơi thì các nhà quản lý đã có thể khảo sát từ xa, du khách đã có thể tham quan bất kỳ lúc nào trước khi đặt chân tới thực địa. “Trong thời buổi công nghệ thông tin, biện pháp số hóa di sản, di tích ở thể khối bằng công nghệ 3D giúp các nhà khoa học có cái nhìn tổng quát về di sản để tiến hành các thử nghiệm, can thiệp chính xác trong quá trình phục dựng” - ông Nguyễn Chí Trung cho biết thêm.
Phục dựng di sản bằng công nghệ 3D
Hiện tại, việc phục dựng di sản bằng công nghệ 3D nhằm tái hiện những sự kiện mang tính lịch sử không được lưu giữ hoặc bị mất do các yếu tố khách quan được lựa chọn nhằm quảng bá, giới thiệu và lưu truyền cho các thế hệ sau hiểu nguồn gốc của lịch sử nước nhà. Đây cũng chính là cách thay đổi hướng tiếp cận những di tích, di sản trong thời đại kỹ thuật số. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ này vào các di sản, di tích dưới lòng đất đã thực sự trở nên hữu hiệu. Thành cổ Trà Kiệu ngay sau khi được phát lộ, bằng phương pháp bảo quản 3D đã phác họa lại tòa thành cổ. Hiện tại, ngoài những phương pháp khoanh vùng bảo vệ, một sơ đồ 3D hình thành giúp người xem dễ dàng hình dung về một quang cảnh thành cổ cách đây hàng trăm năm.
Cùng với các di sản trong lòng đất, một loại hình di sản mang tên “Chương trình ký ức thế giới”, hay còn gọi là “Di sản tư liệu thế giới” cũng lựa chọn phương pháp số hóa để bảo quản. Từ “Mộc bản triều Nguyễn” đến văn bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long – 2 di sản tư liệu thế giới của Việt Nam cùng với hàng trăm nghìn tàng thư, các di sản tư liệu Hán – Nôm đã được xử lý bằng hệ thống phần mềm lưu trữ. Tại Quảng Nam, giá trị các loại thư tịch cổ đã được ghi nhận khi UNESCO quyết định công nhận Hội An và Mỹ Sơn là 2 Di sản văn hóa thế giới. Với những đóng góp về mặt dữ liệu lịch sử, các thư tịch cổ tại Hội An cũng như hệ thống văn bia Chăm ở các vùng quanh Mỹ Sơn khiến những khu di sản này tăng thêm các giá trị lịch sử của mình. Sau những đợt kiểm kê của Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, bắt đầu từ năm 2010, đến nay, đã xuất bản tập sách “Sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật di sản Hán - Nôm tại các di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”; thu thập hơn 1.000 trang tư liệu Hán - Nôm làng xã Quảng Nam (Quảng Nam xã chí) trước năm 1945 và 3.000 trang tài liệu về các sắc phong được sao chụp, thác bản, in rập...; chưa kể 128 văn bia, 600 trang thần sắc, thần phả ở 112 làng và 800 hoành phi, câu đối ở các di tích văn hóa khác. Trong số đó, di sản Hán - Nôm tập trung khá nhiều ở Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Tiên Phước, Đại Lộc, Duy Xuyên (với 4.000 trang tư liệu in chụp từ bia ký, hoành phi, câu đối, gia phả, sắc phong).
Trong khi đó, chỉ riêng tại Hội An, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa đã cho ra đời bộ sách “Di sản Hán - Nôm Hội An”. Bộ tổng tập về di sản tư liệu Hán Nôm ở Hội An ngoài các ấn phẩm bằng giấy còn có một hệ thống lưu trữ phần mềm để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Từ những cứ liệu này, việc hình thành bộ địa chí của vùng đất trở nên có sức nặng hơn bao giờ hết. Trong tương lai, Hội An đang nghĩ đến chuyện phục dựng một bến thương cảng của thế kỷ 16 ngay tại khu phố chợ Hội An, hiện tại phần việc này được tính toán kỹ lưỡng từ các dữ liệu lịch sử. Nhưng trước tiên, bộ phần mềm ứng dụng công nghệ 3D sẽ giúp du khách dễ dàng hình dung về một thương cảng cũ. Chưa kể, một trung tâm khảo cổ học dưới nước tại Hội An đang thành hình, cũng với những phương pháp số hóa này, các giá trị văn hóa biển được lưu giữ cùng những nguồn tài nguyên khảo cổ học như là di sản văn hóa dưới nước sẽ sớm được nhận dạng…
LÊ QUÂN