Giữ bản sắc trong hợp tác văn hóa

LÊ QUÂN 04/09/2017 10:57

Nhiều cơ hội hợp tác quốc tế mở ra, không chỉ ở phạm vi phát triển kinh tế. Ngay ở câu chuyện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, lưu giữ di sản… đều cần sự chung tay từ cộng đồng quốc tế…

Người Nhật hào hứng khi tham gia chương trình Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản hằng năm. Ảnh: LÊ QUÂN
Người Nhật hào hứng khi tham gia chương trình Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản hằng năm. Ảnh: LÊ QUÂN

Lễ hội “toàn cầu”…

Gần như các tháng trong năm, Hội An đều có lễ hội. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An - cho rằng, cùng với không gian phố cổ, lễ hội cũng sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách của thành phố này. Hàng loạt hội lễ vào mỗi tháng, từ lễ hội truyền thống đến lễ hội mới, lúc nào cũng khiến Hội An luôn có sự kiện để giới thiệu với du khách. “Phải nói rằng vùng đất và văn hóa Hội An là đất mở, ngay trong quá khứ, bản sắc của vùng đất này cũng là sự tụ hội của nhiều giá trị văn hóa, từ Chăm, Hoa, Nhật cho đến Việt. Bây giờ, tiếp nối câu chuyện ấy, chúng tôi vẫn luôn muốn mở ra để đón nhận những tinh hoa mới, từ các thành phố kết nghĩa trên khắp thế giới” - ông Sơn nói. Rất nhiều thành phố ở các quốc gia khác, từ châu Á với Hàn Quốc, Nhật Bản hay thậm chí từ nước Đức xa xôi, Hội An đều có thể tổ chức những ngày hội văn hóa ngay trên lãnh thổ họ hay ở chính vùng đất của mình.

Những người bạn Ý tham gia công tác phục dựng bảo tồn các cụm tháp Chăm tại Mỹ Sơn.
Những người bạn Ý tham gia công tác phục dựng bảo tồn các cụm tháp Chăm tại Mỹ Sơn.

Hợp tác quốc tế đã không xa lạ với vùng đất đã có những sự giao thương đầu tiên từ hơn 4 thế kỷ trước. Ông Sơn kể thêm, Hội An vốn dĩ muốn phát triển là một chốn lễ hội liên quan đến sản phẩm truyền thống của vùng đất trước tiên, rồi sau đó sẽ kích thích các lễ hội văn hóa liên quan đến những quốc gia có gắn bó với phố cổ này. “Ba sản phẩm có từ trong quá khứ của Hội An là ẩm thực, lụa và gốm đang bắt đầu chuyên nghiệp hơn trong việc tổ chức nên các ngày hội mang tính chất rộng hơn, vượt qua giới hạn của một ngày giỗ nghề như gốm, hoặc ngày hội văn hóa sản phẩm như lụa hay ngành hàng ẩm thực. Liên tiếp các năm trở lại đây, lễ hội ẩm thực quốc tế quy tụ các đầu bếp nổi tiếng của các quốc gia hay lễ hội văn hóa tơ lụa với sự tham gia của hơn 30 quốc gia có dòng sản phẩm này, đã thấy thành công của câu chuyện liên kết, hợp tác quốc tế” - ông Sơn chia sẻ.

Những ngày tháng 8 hằng năm, đã 15 năm liên tục đều diễn ra sự kiện giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản. Và tự thân nó đã chuyển thành một lễ hội thường niên của Hội An, thu hút hàng ngàn du khách khắp nơi tìm về, đặc biệt là những người bạn Nhật. Ông Takeshi Hirohata - Chủ nhiệm Tổ chức Tokyo Shirubarkai Nhật Bản - nói rằng, lần lễ hội năm 2017 này, Nhật Bản có hơn 200 người từ xứ hoa anh đào tìm đến Hội An. Điều đó cho thấy mối quan hệ giữa hai xứ sở đã gắn bó thân thiết đến mức nào. “Cách đây hơn 3 năm, những người cao tuổi Nhật Bản đã tìm đến với Hội An và hình thành nên những lớp dạy tiếng Nhật cho thiếu nhi Hội An. Từ hoạt động này, chúng tôi muốn tìm đến với các bạn trong nhiều hoạt động hơn nữa” - ông Takeshi nói. Và hơn 20 hoạt động trong suốt những ngày diễn ra sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản đã minh chứng cho câu chuyện giữ mối quan hệ quốc tế của Hội An.

Vị thế của văn hóa

“Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Chính phủ ban hành từ tháng 2.2015 đã xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp để nâng tầm hoạt động giao lưu văn hóa trước đòi hỏi cấp thiết của thời kỳ mới. Trong đó, đáng chú ý là xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn từ nay đến 2020 là sẽ xây dựng và vận hành cơ chế điều phối quốc gia về văn hóa đối ngoại, xây dựng biểu tượng quốc gia và một số thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia, tiến hành xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam ra nước ngoài… Có thể nói, nếu những giải pháp này được thực hiện hiệu quả và triệt để, sẽ tạo nên lực đẩy mạnh mẽ mang lại những thay đổi đáng kể cho hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam. Vậy nhưng, những người quan tâm có lý do để lo ngại, bởi rất nhiều yếu tố liên quan mật thiết với ý nghĩa tạo bệ đỡ cho hoạt động giao lưu văn hóa như sự hình thành và phát triển của công nghiệp sáng tạo, hay việc xác định biểu tượng quốc gia… dù đã được xới lên nhiều lần, song vẫn chưa thật sự được… khởi động” - GS-TS. Trương Quốc Bình - thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Hội nhập và chọn lọc luôn là hai thành tố được đặt lên bàn cân của những nhà quản lý địa phương lẫn người làm công tác văn hóa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho biết, ngay trong Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017 tổ chức hồi tháng 6 vừa qua, Quảng Nam đã đón hơn 30 quốc gia đến tham dự. “Họ tham gia rất nhiều hoạt động như Liên hoan hợp xướng quốc tế, đua thuyền buồm, Festival diều, Festival tơ lụa… Bên cạnh đó, đại sứ quán của một số nước cũng tham dự. Cùng với đó là 20 đại sứ, trưởng phái đoàn của UNESCO tại Paris dự Hội thảo về bảo tồn phát triển di sản tại Hội An. Việc ghi nhận những đóng góp trí tuệ, khả năng của các nhà khoa học trên lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cũng như đối với Quảng Nam, cho họ thấy sự quan tâm của chúng ta dành cho văn hóa” - ông Thanh nói.

Chính những hoạt động với sự kết nối từ các quốc gia trên thế giới tại Quảng Nam đã tạo ra chiếc cầu nối hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực.  PGS-TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, hợp tác quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, tổ chức nước ngoài nghiên cứu và tham gia bảo tồn di sản của Việt Nam. “Riêng với Quảng Nam, may mắn sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới, và cũng rất may mắn khi nhận được sự quan tâm hợp tác của nhiều tổ chức nước ngoài, đây là điều mà những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc cần thúc đẩy hơn nữa. Chính các hoạt động hợp tác quốc tế sẽ thu hút sự giúp đỡ về nhân lực, kinh nghiệm chuyên môn và tài chính cho việc bảo tồn di sản của chúng ta” - ông Bài cho biết thêm. Cũng theo ông, hợp tác quốc tế là “cơ hội vàng” để cải thiện trình độ tay nghề lẫn những tri thức trùng tu mà các nhà bảo tồn chuyên nghiệp cần phải có. Cơ hội hợp tác quốc tế càng rộng mở khi văn hóa ngày càng minh chứng tầm quan trọng của mình trong hành trình phát triển.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sơn nói, hội nhập có chọn lọc mới là sự hội nhập văn minh. Theo ông, dù Hội An có hàng loạt lễ hội, ngày hội văn hóa các quốc gia, nhưng cũng từ trong các lễ hội này, tạo dấu ấn sâu đậm về văn hóa Hội An hơn. “Lễ hội để kích thích du lịch, nhưng đồng thời lễ hội cũng là để tạo điểm nhấn cho vùng đất. Ngay trong các lễ hội có sự tham gia của nước bạn, Hội An vẫn luôn tìm cách để đưa các giá trị văn hóa đặc sắc của mình vào trong các chuỗi hoạt động đó. Có như vậy, vị thế văn hóa của mình mới khẳng định được” - ông Sơn nói thêm. Chiến lược ngoại giao văn hóa Việt Nam với các nước đã bắt đầu có những hiệu quả từ các câu chuyện hợp tác để bảo tồn di sản, đưa những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam quảng bá rộng rãi, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế tìm đến Việt Nam. Quảng Nam, sau 20 năm tái lập tỉnh, theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL, điều khá thành công chính là đã giới thiệu, quảng bá và tranh thủ các cơ hội để xúc tiến, hợp tác quốc tế ngay trên lĩnh vực văn hóa, bắt đầu từ câu chuyện xác lập hồ sơ di sản văn hóa thế giới cho Hội An và Mỹ Sơn. Từ đó đến nay, hàng loạt tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ chọn Quảng Nam để đầu tư phát triển văn hóa, bảo tồn kiến trúc di sản, kích hoạt xây dựng du lịch cộng đồng… Và câu chuyện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, sẽ còn tiếp tục được duy trì với hàng loạt dự án văn hóa mới đang bắt đầu khởi động tại Quảng Nam thời gian tới.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN