Đồng dao trên đồng làng

TƯỜNG LINH 03/09/2017 08:38

Hồi nhỏ, những chiều nghỉ học, tôi thường ra cánh đồng gần nhà để chơi với các anh mục đồng. Trâu của họ được thả ăn cỏ quanh mấy sườn đồi, mặt trời gần lặn họ mới cởi trâu về các chuồng của mỗi nhà. Thường họ tụm lại thành vòng tròn trên góc ruộng gặt xong và nắng đã dịu. Lắm người trong số họ thuộc lòng nhiều bài đồng dao tôi rất thích nghe, riết rồi cũng thuộc theo. Khi mọi người đã ngồi kề nhau thành vòng tròn, lần nào họ cũng mở đầu bằng bài “Trời mưa lâm râm”: “Trời mưa lâm râm/ cây trâm có trái/ con gái có duyên/ đồng tiền có lỗ/ bánh tổ thì ngon/ bánh rò thì béo/ cái kéo thợ may/ cái cày làm ruộng/ cái xuổng đắp bờ/ cái lờ thả cá/ cái ná bắn chim/ cây kim may áo/ cây dáo đi săn/ cái khăn bịt đầu”…

Những chiều vui như vậy, tôi còn được nghe các anh đọc cho nhau nghe những bài đồng dao ngộ nghĩnh. Chẳng hạn như bài: Con chim se sẻ/Nó đẻ mái tranh/Tôi lấy miểng sành/Tôi lia chết giãy/Làm thịt, tôi quảy/Cả thảy bảy mâm/Tôi kỉnh ông một mâm/Ông hỏi thịt chi?/Tôi nói thịt se sẻ/ Nó đẻ mái tranh/Tôi lấy miểng sành/Tôi lia chết giãy/Làm thịt, tôi quảy… Bài đồng dao này thú vị ở chỗ nói khuếch đại buồn cười về số lượng thịt của một con chim sẻ, đến cuối bài thì vòng lại từ đầu, đọc hoài không dứt. Còn bài đồng dao sau đây bắt người nghe phải… động não: Kỳ nhông là ông kỳ đà/Kỳ đà là cha cắc ké/Cắc ké là mẹ kỳ nhông/Kỳ nhông là…

Cứ quay đi quay lại mãi như thế. Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể biết quan hệ gia tộc của loại bò sát quen thuộc này theo như cách sắp xếp tôn ti của mấy câu trên. Bài sau đây cũng nói về con kỳ nhông, ngôn từ bình dị nhưng thể đồng dao lại khá cao: Hôm qua tôi bắt được con kỳ nhông/Đem về cho ông /Ông cho trái thị/ Đem về cho chị/ Chị cho bánh khô/ Đem về cho cô/ Cô cho bánh ú/ Đem về cho chú/ Chú cho buồng cau/ Cả nhà giành lộn với nhau/ Tôi trả buồng cau cho chú/ Trả bánh ú cho cô/ Trả bánh khô cho chị/ Trả trái thị cho ông/ Trả con kỳ nhông cho tôi.

Bài “Con kỳ nhông” quả là một tác phẩm xuất sắc của thể đồng dao. Nếu vận dụng kiểu ấy cho thơ e rằng cũng không phải dễ. Hay nhất của bài này là nghệ thuật hoán cú (đổi câu), từ hoán cú thành hoán vị (đổi vị trí cả chủ thể và khách thể). Lúc đầu bốn thành viên trong gia đình đưa ra mấy món tương xứng gạ đổi con kỳ nhông thì theo thứ tự ông, chị, cô, chú. Sau thấy “cả nhà giành lộn với nhau”, chủ sở hữu con kỳ nhông bèn lui lại hết mấy món. Người đến sau được trả trước: chú, cô, chị, ông. Con kỳ nhông vẫn là của chính người đã bắt được nó.

TƯỜNG LINH

TƯỜNG LINH