Người đi tìm những hoa văn xưa
(QNO) - Anh nói, cách anh đến với hoa văn xưa giống như tự rảo bước tìm về những điều dung dị, chân chất nhất của bản thân. Mà vốn dĩ, những gì thuộc về bản ngã thường rất thiêng liêng và gần gũi.
Anh Tiến sưu tầm những vật dụng có chi tiết hoa văn xưa để trưng bày tại làng nghề Nam Trân mỹ nghệ dân gian của mình. Ảnh: PHAN VINH |
Đam mê
Anh Lê Phước Tiến (46 tuổi, phường Minh An, TP.Hội An) là truyền nhân đời thứ 5 của gia đình theo nghề mộc tại xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn). Khoảng năm 2006, anh bắt đầu chuyển về sống ở Hội An để mở xưởng mộc - điêu khắc.
Đầu tháng 10.2009, do ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Ketsana nên nhiều nhà cổ ở Hội An bị hư hại và xuống cấp trầm trọng. Sau lụt, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các công tác bảo tồn phố cổ, và anh Tiến cũng tham gia vào việc này. Vốn xuất thân từ nghề mộc và có nhiều năm kinh nghiệm trong phục dựng kiến trúc nhà cổ, anh Tiến nhanh chóng tiếp cận với công việc. Đây là công việc không dễ dàng bởi kiến trúc nhà cổ ở Hội An có những nét riêng biệt, nhất là trong các chi tiết hoa văn xưa. Tiếp xúc và làm việc với những hoa văn, anh nhận thấy những tri thức chứa đựng trong đó là vô tận. Hoa văn không chỉ mang lại vẻ đẹp hình thức bên ngoài mà còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.
Anh Tiến đã tham gia phục dựng và bảo tồn gần 100 căn nhà cổ ở Hội An. Ảnh: PHAN VINH |
Anh Tiến tâm sự: “Các chi tiết trong mỗi hoa văn là sáng tác của từng đời cha ông, nó được chỉn chu và hoàn thiện qua từng thế hệ. Ông bà mình ngày xưa sáng tạo ra rất nhiều mẫu, nhưng khi áp dụng để phục dựng lại thì phải nghiên cứu cho thật kỹ, nếu bừa bãi hoặc thiếu sót thì sẽ làm hỏng đi không gian vốn có. Ví dụ, phố cổ Hội An xưa là một thương cảng mang đậm bản sắc giao thoa văn hóa. Hoa văn của kiến trúc mỗi nền văn hóa đều khác nhau, phong cách Á Đông khác với phong cách châu Âu. Chính vì vậy, tôi bỏ thời gian ra nghiên cứu, học hỏi và trân quý những đường nét ấy lúc nào không hay”.
Dù không được học hành căn bản nhưng với kinh nghiệm từng trải, khi nghiên cứu với các tài liệu, sách vở, anh nhanh chóng nắm được vấn đề. May mắn hơn nữa, khi tham gia vào các dự án bảo tồn phố cổ, anh được tiếp xúc với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nên cũng có được một nguồn tri thức về hoa văn cần thiết. Không bó buộc trong không gian phố cổ Hội An, để mở rộng kiến thức, anh Tiến còn tìm về các vùng quê nông thôn trên cả nước để sưu tầm, ghi chép lại các mẫu hoa văn xưa. Đến nay, trong cuốn sổ tay của mình, anh đã chép được hơn 500 mẫu hoa văn với nhiều phong cách khác nhau.
Sáng tạo và lưu giữ
Tính đến nay, trong quần thể kiến trúc nhà cổ ở Hội An, anh Tiến đã tham gia phục dựng, tu sửa và bảo tồn khoảng gần 100 căn nhà. Điều đáng trân quý nhất, các chi tiết hoa văn xưa được anh ghi chép và phục dựng nguyên vẹn giống như kiến trúc cổ. Theo anh Tiến, trong phong cách nhà cổ, hoa văn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định sự hài hòa giữa các đồ vật trưng bày. Thoạt nhìn, tưởng mẫu hoa văn nào cũng giống nhau nhưng khi chép ra, đưa vào so sánh thì không phải vậy. Tùy vào từng không gian mà người phục dựng phải biết được là nên dùng những mẫu hoa văn nào cho phù hợp. Điều này phải được tuân thủ tuyệt đối, không được phép sai. Nếu mang hoa văn phòng khách vào trang trí trong phòng thờ thì đã phạm một sai lầm không thể tha thứ, đối với người làm nghệ thuật kiến trúc.
Nhiều vật dụng kiến trúc được anh ghi chép, sáng tạo dựa trên những mẫu hoa văn xưa. Ảnh: PHAN VINH |
Ngoài việc áp dụng những am hiểu về hoa văn xưa để phục dựng, tu sửa nhà cổ, anh Tiến còn được các khu resort và khách sạn trên cả nước mời đến thiết kế nội thất theo phong cách phối hợp cổ xưa và đương đại. Để đáp ứng được những công việc này, anh phải nỗ lực sáng tạo, phối hợp hài hòa giữa các chi tiết hoa văn xưa và hoa văn hiện đại. Một trong những công trình mà anh tâm đắc nhất là vách tường hoa văn có diện tích hơn 150m2 đặt tại khu resort Pamle Gaden Hội An. Đây là tác phẩm được anh sử dụng những cánh cửa cổ và các mẫu trang trí hoa văn để dựng thành, vách tường dù mang đậm nét cổ xưa nhưng vẫn phù hợp với không gian mang phong cách châu Âu hiện đại.
Đây là một phần của cây đòn tay trong không gian nhà cổ đã bị mục được anh gìn giữ và bảo tồn bởi những hoa văn độc đáo có trên đó. Ảnh: PHAN VINH |
Hiện tại, anh Tiến đã thành lập được một làng nghề có tên Nam Trân mỹ nghệ dân gian, đặt tại số 25, đường Ngô Quyền, TP.Hội An. Tại đây, anh trưng bày nhiều sản phẩm mỹ nghệ, trong đó, các sản phẩm có sử dụng họa tiết hoa văn xưa làm chủ đạo. Điểm thu hút du khách khi đến với làng nghề Nam Trân mà không một nơi nào sở hữu đó là các vật dụng trong kiến trúc nhà cổ có trang trí hoa văn được anh mang về trưng bày. Tại đây, người xem dễ nhìn thấy những khúc đòn tay, đòn đông có chạm khắc hoa văn bị mục hoặc gãy giống như vật bỏ đi.
“Phải mất vài thế kỷ, ông bà ta mới có được những mẫu hoa văn chỉn chu và đẹp đẽ như vậy nên không có lý do gì mà chúng ta vứt bỏ nó. Tôi muốn trong thời gian tới, sẽ sưu tầm thêm thật nhiều mẫu hoa văn nữa để thành lập một không gian bảo tàng hoa văn xưa, cho những ai có nhu cầu nghiên cứu thì tìm đến. Mỗi hoa văn đều đại diện cho một thời kỳ lịch sử. Mà muốn có được sự phồn thịnh, phát triển trong tương lai thì nhất định không được lãng quên lịch sử” - anh Tiến chia sẻ.
PHAN VINH