"Trú Vĩnh biên" với Hàn - Triều ở Hội An
Cách đây gần 500 năm, Hội An đã có quan hệ với Hàn Quốc, Triều Tiên. Mối quan hệ hữu hảo này được thể hiện qua tài liệu do một đoàn nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc cung cấp cho Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, đó là “Trú Vĩnh biên”.
Bản sao “Trú Vĩnh biên” đang lưu trữ tại Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An. |
Trong “Trú Vĩnh biên” - cuốn sử của triều đình phong kiến Triều Tiên này có ghi lại câu chuyện cách nay 330 năm. Vào tháng 10 năm Đinh Mão (1687), một số người dân đảo Tế Châu trên đường dùng thuyền đi làm nhiệm vụ đã bị bão đánh dạt đến một địa phương xa lạ, mà sau này họ xác định là Hội An. Nạn nhân được những cư dân địa phương cứu giúp, cho nước uống, lương thực và đưa vào trình diện quan sở tại. Nơi thuyền bè bị dạt vào chính là Cù Lao Chàm - Hội An.
Tài liệu viết: “Lúc đó, gió lớn lại nổi lên, phải khó khăn lắm những người dân địa phương mới đưa họ lên được bờ. Tất cả được dẫn vào làng thuộc phủ Minh Đức, quận Hội An, được đưa đến trước viên quan mặc áo đen, đội mũ làm bằng đuôi lông ngựa”. Sau cuộc tiếp xúc đó, đoàn người Tế Châu gồm 24 người được đưa trở lại hòn đảo mà họ đã đến lúc đầu, tức Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp ngày nay).
Trang đầu của “Trú Vĩnh biên”. |
Cũng theo ghi chép này, sau gần 10 tháng ở lại Hội An, đến tháng 7.1688 những người Triều Tiên bị nạn đã được lên thuyền và sau gần nửa năm lênh đênh trên biển thì về đến nhà. Giai đoạn này, họ nhận được sự giúp đỡ từ một thương nhân; đặc biệt là sự bảo hộ của triều đình chúa Nguyễn khi ban cho 600 lạng bạc và cử Minh Đức hầu làm thư gửi chính quyền phong kiến Triều Tiên thông báo sự việc xảy ra.
Theo Thanh Lê trong bài “Về những người dân Triều Tiên trôi dạt đến Hội An thế kỷ 17” (báo An ninh Thế giới, số 657/2007, tr28 - 29), bức thư trên ghi lại khá rõ sự việc: “…Vâng lệnh của vua nước Đại Việt và căn cứ quy định của nơi quản lý thuyền buôn thuộc phủ Ninh Ba, bản quốc quyết định cho chủ thuyền và thuyền viên đó chở những người bị nạn trở về quê quán… Chỉ vì lo luật lệ cửa khẩu nghiêm ngặt, bản quốc viết thư gửi đến quý quốc. Mong quý quốc điều tra làm sáng tỏ. Bản quốc xin quý quốc trực tiếp trao thư trả lời cho chủ thuyền đã mang thư này trở về bản quốc để giải tỏa lòng mong đợi. Và mong quý quốc sẽ sửa chữa thuyền, thật là may mắn nếu thuyền này quay lại trong thời gian sớm nhất. Ngày 22 tháng 7 năm Chính Hòa 9 (1688)”.
Ông Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết: “Trong số các tác phẩm cùng loại như “Hải Nam tạp trứ” của Trung Quốc, “Dị quốc phiêu đãng ký văn”, “An Nam quốc giang phong tục tả sinh đồ” của Nhật Bản thì “Trú Vĩnh biên” được xem là một tư liệu sớm nhất đề cập sự có mặt của người Triều Tiên ở Hội An, Đàng Trong nói riêng, Việt Nam nói chung. Thực tế là mối quan hệ hữu nghị, sự giao hảo giữa hai dân tộc đã có dịp thắt chặt từ rất sớm thông qua nhiều dấu tích ở Hội An”.
Trong quá khứ, mối quan hệ giao hảo đã được vun đắp bằng những cuộc gặp gỡ, trao đổi thơ văn giữa các sứ đoàn Việt Nam - Triều Tiên tại triều đình Trung Quốc; bằng sự di cư của Lý Long Tường và sự phát triển của hậu duệ nhà Lý ở Triều Tiên; bằng sự có mặt của những người Triều Tiên ở Hội An…
Tại Hội An, bên cạnh các loại tiền đồng Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, khá nhiều tiền đồng Triều Tiên đã được tìm thấy qua khảo cổ học. Đặc biệt, dân gian Hội An cũng có câu: “May mô tí nữa thì lầm, khoai lang khô xắt lát mà tưởng sâm Cao Ly bên Tàu”. Sự chiếm lĩnh thị trường của sâm Cao Ly và xuất hiện tiền đồng Triều Tiên cho thấy mối quan hệ thương mại, buôn bán, trao đổi kinh tế đã diễn ra từ rất lâu đời tại cảng thị cổ Hội An.
Quan hệ giao lưu văn hóa cũng đã diễn ra khá sôi động với sự có mặt của người Hàn Quốc, Triều Tiên ở Việt Nam nói chung, Hội An nói riêng trước đây, kèm theo đó là sự phổ biến của món ăn kim chi, môn võ Taekwondo, các hình thức múa dù, múa quạt kiểu Hàn Quốc…
Ông Trần Văn An khẳng định: “Sự kiện những người Triều Tiên phiêu dạt đến Hội An và những diễn biến chung quanh, ngoài những giá trị về mặt lịch sử còn góp phần khắc họa rõ nét tính cách thuần hậu, nhân ái của cư dân Hội An trong việc sẵn sàng cứu giúp những người phương xa sa cơ lỡ bước. Đồng thời sự kiện có thể xem là một mốc son trong quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Hàn Quốc - Triều Tiên”.
QUỐC HẢI