Con đường qua những dấu xưa

PHÚ BÌNH 30/07/2017 08:17

Thành phố Tam Kỳ đang mở thêm một tuyến đường quan trọng băng qua trung tâm theo hướng đông bắc - tây nam, điểm đầu nằm ở phường Trường Xuân, điểm cuối giáp biển ở các thôn Tỉnh Thủy (xã Tam Thăng) và Thượng Thanh (xã Tam Thanh).

Mộ ông Lê Tấn Trung - tiền hiền tộc Lê làng Trường Xuân (người trong ảnh là nhà giáo hưu trí Lê Tấn Tường - hậu duệ).Ảnh: PHÚ BÌNH
Mộ ông Lê Tấn Trung - tiền hiền tộc Lê làng Trường Xuân (người trong ảnh là nhà giáo hưu trí Lê Tấn Tường - hậu duệ).Ảnh: PHÚ BÌNH

Cùng với hai trục đường Nguyễn Văn Trỗi và Duy Tân nối dài xuống biển Tam Thanh, đường Điện Biên Phủ đang thi công góp phần nối liền hai vùng đông và tây của nơi từng là lỵ sở huyện Hà Đông xưa. Điều đặc biệt là con đường này đi qua nhiều dấu tích văn hóa lịch sử đặc trưng của “vùng đất ba sông” này.

Điểm khởi đầu

Trục đường Điện Biên Phủ có điểm khởi đầu từ phường Trường Xuân - phía tây nam thành phố. Gần đấy có mộ ông Lê Tấn Trung, quê ở xã Lỗ Hiền, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, thừa tuyên Nghệ An. Ông là người thuộc hoàng tộc Lê, đã tháp tùng vua Lê Thánh Tông nam chinh vào nửa cuối thế kỷ 15, có công quy dân lập ấp ở vùng Tam Kỳ và được phong tặng danh vị Tiền hiền làng Trường Xuân. Mộ ông tiền hiền này càng tăng thêm sự bề thế do gần đấy có mộ ông Lê Văn Long - một võ tướng thời Tây Sơn - mà tư liệu gia tộc Lê của làng Trường Xuân còn lưu là “ngài Đô đốc Long” từng chỉ huy một cánh quân trong đoàn quân của vua Quang Trung đánh thắng quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789). Hai ngôi mộ này là những di tích văn hóa lịch sử quan trọng của địa phương, góp phần chứng minh công sức xây dựng và bảo vệ đất nước của người vùng Tam Kỳ xưa.

Đến vùng tiếp giáp hai phường Trường Xuân và An Mỹ, con đường này băng qua đường sắt Bắc - Nam, rất gần với cột cây số chính giữa tuyến đường sắt dài 1.729km nối hai ga xe lửa Hà Nội và Sài Gòn. Với người Tam Kỳ, đây là địa điểm rất có ý nghĩa, là khởi phát cho một trong những cách giải thích về địa danh Tam Kỳ, nghĩa là “vùng trung độ của cả nước” hoặc “vùng chính giữa của ba miền”.

Vùng lỵ sở Phủ Tam Kỳ xưa

Năm 1916, phủ Tam Kỳ được thành lập, lỵ sở đặt ở xã Tam Kỳ, địa điểm ấy nay là trụ sở phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ. Khu phủ lỵ qua nhiều biến đổi đã thành tên Phủ cũ và khu vực sinh hoạt của người làm việc (nha lại) trong phủ xưa đã thành tên Gò Nha. Con đường Điện Biên Phủ đang mở băng qua giữa hai vị trí Phủ cũ và Gò Nha này. Gần hai bên đường hãy còn dấu tích cây đa cổ thụ, dấu tích Phủ đường Tam Kỳ và cả dấu tích những ngôi mộ của cư dân buôn bán vùng Tứ Bàn xưa.

 Những bài thơ trên tường ở nhà thờ tộc Nguyễn.
Những bài thơ trên tường ở nhà thờ tộc Nguyễn.

Tứ Bàn (còn gọi là Chợ Vạn - Tam Kỳ) là tên gộp lại của Tứ chánh Bàn Thạch thôn, một đơn vị hành chính tách ra từ xã Tam Kỳ và xã Dưỡng An xưa. Sự chia tách này xuất phát từ việc dân cư Tứ Bàn đa số là người buôn bán, tập hợp từ tứ xứ, họ muốn có một thiết chế làng độc lập để thờ tự, sinh hoạt, đóng thuế… không phụ thuộc vào các làng khác. Tộc Nguyễn là một trong 7 tộc tiền hiền có công quy tập dân cư và xây dựng “man” Tứ Bàn (man: tên gọi xưa, sau đổi thành thôn). Một số mộ những vị hào mục trong làng này được táng ở xứ đất gần ngã ba Hen, phường An Mỹ. Cách ngã ba này khoảng 200 mét về phía tây nam có ngôi mộ xưa với tấm bia cổ “Việt cố” ghi danh tính như sau: “Hiển bá xử sĩ Nguyễn đại lang chi mộ” (Mộ ông Bác ruột, con trưởng, họ Nguyễn - người thi đỗ mà không làm quan). Gần đấy có ngôi mộ bề thế với dòng văn chính văn bia ghi “Hiển khảo Bàn Thạch man Nguyễn Tuân Mỹ chi mộ”, trước mộ có đôi câu đối rất ý nghĩa: “Canh tường vạn cổ hoàn như kiến/ Hương hỏa thiên thu vĩnh bất khiên”, tạm dịch là “Hình bóng nghìn năm như còn thấy/ Thờ tự muôn đời chẳng dám sai”. Ngôi mộ bề thế này đã được con cháu di dời vào năm 2016.

Qua sông Bàn Thạch đến “ngôi nhà thơ”

Con đường mới mở giáp sông Bàn Thạch ở xóm Thượng rồi đến một bến ghe. Xóm Thượng “chết tên” từ khi gần sát sông có một quán giải khát mở sau năm 1965 với tên là Quán Thượng. Quán trang trí theo phong cách nhà sàn vùng Tây Nguyên nên có tên này. Bến ghe ven sông là nơi dân nông trong thị xã (có ruộng ở cồn Thị giữa sông) đậu/đỗ ghe khi đi làm đồng và vận chuyển nông sản. Xưa, chỗ này cũng là một trong những nơi đậu ghe của hào lý và dân vùng đông Tam Kỳ lên Phủ đường để “hầu việc quan”. Danh xưng “Bến đò lên Phủ” từng nghe thấy một thời ở đây chẳng rõ có phải là nơi này? Đến nay chưa tìm thấy văn bản nào ghi lại.

Đường Điện Biên Phủ đang mở có cây cầu băng qua một cồn đất lớn giữa hai nhánh sông Bàn Thạch và Quảng Phú để đến địa bàn phường An Phú. Ở phía tả mố cầu thuộc địa bàn phường này có một ngôi nhà thờ tộc với kiến trúc nửa Âu nửa Việt được hoàn thành năm 1942. Trong nhà có nhiều câu đối, hoành phi rất giá trị, trong đó có câu đối của ông Nguyễn Quý Hương - một nhân sĩ, nhà báo có tiếng ở vùng Tam Kỳ xưa. Ông này là trí thức tân học, đỗ đạt sớm ở địa phương, từng làm thư ký cho tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng khoảng đầu thập niên 1940. Lúc “phụng cúng” câu đối này cho ngôi nhà thờ mà mình cũng là thành viên trong họ, ông Nguyễn Quý Hương ghi danh vị xã hội của mình lúc đó là “Trung kỳ dân biểu”. Qua đó, có thể biết: ở nam Quảng Nam lúc ấy, ngoài cụ Huỳnh Thúc Kháng còn có ông họ Nguyễn này cũng là nghị viên của Viện Dân biểu Trung kỳ. Điểm đặc biệt của ngôi nhà thờ nói trên là trên vách tường có chép năm bài thơ cổ của các thi nhân nổi tiếng thời Đường, Tống với nét chữ thảo rất phóng khoáng. Nội dung các bài thơ ấy gián tiếp thể hiện phong cách nhàn tản của một kẻ sĩ ở ẩn vùng ven sông. Có thể nói, nếu không nhầm, đây là ngôi nhà thờ tộc duy nhất ở nam Quảng Nam có thơ đề ngay trên vách.

Vùng di tích phía đông

Đầu tiên là di tích về ông Doãn Văn Xuân - người đỗ Hương cống (sau gọi là cử nhân) đầu tiên của vùng nam Quảng Nam. Các đạo sắc mà các vua Minh Mạng và Thiệu Trị phong tặng cho ông Xuân hiện còn lưu tại nơi thờ tự ven con đường mới mở này (khối phố Phú Phong, phường An Phú). Ông Xuân làm quan khắp Bắc đến Nam vào thời vua Minh Mạng, được sử triều Nguyễn nhắc đến nhiều, đặc biệt là câu chuyện “Đền thuyền công” (xin xem Báo Quảng Nam Cuối tuần ngày 8&9.7.2017).

Sau đó con đường qua gần khu mộ (cải táng) các sĩ phu yêu nước tham gia cuộc Khởi nghĩa tháng 4 năm 1916 tại Tam Kỳ. Đó là mộ của chí sĩ Trịnh Uyên hy sinh ngay trong cuộc vây Phủ đường Tam Kỳ và mộ của các chí sĩ Lương Đình Thược, Trần Thu, Nguyễn Thược và Trần Can. Các vị này đã bị Pháp bắt và đày lên nhà tù Lao Bảo, Quảng Trị ngay sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại (tháng 6 năm 1916), rồi hy sinh tại nhà tù này sau đó ít lâu. Tưởng niệm anh linh người có công với nước, chính quyền địa phương Tam Kỳ đã vinh danh và xây dựng khu mộ nói trên. Đi trên con đường mới mở về hướng đông bắc, đến khu vực trường THPT Duy Tân, ngoặt về trái độ 200 mét là đến địa chỉ này.

Qua khỏi Khu di tích Bãi Sậy - Sông Đầm nổi tiếng, cây cầu qua sông Trường Giang sẽ hướng con đường về vùng Tỉnh Thủy - Tam Thanh. Theo nhiều tư liệu còn lưu, nơi đây là điểm dừng chân của cư dân vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương xưa trên bước đường vào vùng ngã ba sông Tam Kỳ để khai cơ dựng nghiệp. Vùng này cũng là nơi cư trú đầu tiên của những di dân ban đầu ấy. Họ đến đây làm nghề chài lưới, sau đó chuyển lên vùng ven các con sông và ngọn đồi ở Tam Kỳ làm nghề nông. Tỉnh Thủy - Tam Thanh là vị trí gần như ở giữa hai cửa biển Đại Chiêm (nay gọi là Cửa Đại) và Đại Áp (nay gọi là cửa An Hòa).

Theo dự kiến, điểm cuối của đường Điện Biên Phủ là một quảng trường sát biển. Mong rằng, TP.Tam Kỳ sẽ đặt tên cho quảng trường này tương xứng với con đường băng qua nhiều vùng di tích đặc trưng kể trên.

PHÚ BÌNH

PHÚ BÌNH