Hồn quê trong thơ Bùi Xuân
Cái hồn quê trong Bùi Xuân làm cho người ta dễ nhận ra - anh mang nó đi lang thang trên đường phố rất chân quê không cố làm cho ra dáng vẻ thị thành. Có lẽ ai đã gặp Bùi Xuân khi đọc thơ anh càng thấy cái hồn quê ấy trải ra trên trang viết giản dị chân chất như những hàng chum đứng đợi mưa như người “mẹ đem hong đôi thúng/ buổi mai nắng vàng au/ con ngồi chơi rải sỏi/ bông bí rụng trên đầu”…
Thơ Bùi Xuân như một lời tâm tình có khi tưởng như không bày tỏ cùng ai nhưng đó là lúc nhà thơ đang sống lại với tuổi thơ mình bên dòng Vu Gia quê hương yêu dấu: “Đi một quãng đường lại gặp kênh gặp sông/ Nhìn nhà ai lại thấy mương thấy giồng/.../ Quê hương anh nhìn lên thấy núi/ Anh muốn gánh núi vào để em nghe tiếng suối…” (Anh về hái lá trầu nguồn). Cả lúc Bùi Xuân đang vui chơi bên con anh vẫn hoài niệm về một vùng tuổi thơ yên ả bên sông: “Con lộn vòng lộn vòng trên bãi sông Vu Gia/ để tuổi thơ rào rào trong ba/ cát trắng”. Rồi anh chợt nhận ra những tham vọng hoang tưởng những trống vắng khắc khoải giữa đời thường như mây khói: “Chỉ còn lại còn lại/ Hòn Chồng/ Dội Đá/ Con/ Ba/ Và dòng sông quê nội”.
Thế là hướng vọng về nguồn bởi nguồn là nơi anh sinh ra. Khi tàn cuộc lắm người mới nhận ra cái gốc rạ đầu làng để họ quay về tạ lỗi với dòng sông. Còn anh bây giờ đang ngồi ở phố mà “nhớ làng xưa chừ cỏ mọc/ ở đậu nơi quê người”. Và anh nhớ mẹ: “Trơ trọi một mình/ Biết lấy ai làm giàn bầu giàn bí/ Mẹ nhặt nhạnh quanh vườn nhánh gai lẻ củi/ Làm một giàn khổ qua/ Khổ qua ra hoa kết trái tuy da sần vị đắng mà bát canh nhà mẹ ngọt lành”. Nếu từng ấy thì vẫn chưa có gì mới cho đến mấy dòng cuối tứ bài thơ lắng đọng đẩy cảm xúc của nhà thơ về nỗi nhớ quê thương mẹ đến nao lòng: “Đời mẹ/ Một đời quả đắng/ Ngọt lành lấy ai sẻ chia” (Giàn khổ qua của mẹ).
Thơ Bùi Xuân hồn hậu chân chất không màu mè tô điểm. Đọc Bùi Xuân tôi lan man nhớ về hồn quê trong thơ Nguyễn Bính. Ngày trước cô gái quê xa làng lên tỉnh một hai hôm nhà thơ đã lo canh cánh sợ “hương đồng gió nội bay đi”. Có phải vì thế mà ngày nay Bùi Xuân ra phố cứ lớ ngớ lơ ngơ dường như ngần ngại cái hồn quê của mình bay mất. Mà đâu chỉ những người làm thơ ai chẳng mang trong lòng một cái làng bé nhỏ bên sông như thế. Mang theo để mỗi bận trở về ngẩn ngơ nhớ thương da diết: “Tôi trở về với con đường tôi xưa/ Có hàng tre treo những tổ chim dồng dộc/ Viên cuội trắng tình cờ nhặt được/ Tuổi thơ tôi hạnh phúc một đôi lần (Trở về cùng mùa xuân).
NGUYỄN NGỌC HẠNH