Đi tìm "nàng Út" cùng Nguyễn Chí Trung

TRẦN ĐĂNG 25/06/2017 10:51

Trước đây, ông luôn luôn bí ẩn với tôi; đến nhân vật “nàng Út” trong cuốn tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út” - tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008 - cũng bí ẩn nốt. Ông là nhà văn Nguyễn Chí Trung, tác giả “Bức thư làng Mực” nổi tiếng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Giờ thì tôi đã biết “nàng Út” của ông là ai rồi...

Nhà văn Nguyễn Chí Trung tặng sách “Tiếng khóc của nàng Út” cho người dân Tây Trà.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung tặng sách “Tiếng khóc của nàng Út” cho người dân Tây Trà.

Nhà văn

Tôi thích gọi ông là “nhà văn” hơn là “thiếu tướng” hay “trợ lý Tổng Bí thư”, dù hai cái chức kể sau, nghe có vẻ “oách” hơn. Là bởi, cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 86 (12.6.2016), điều còn lại của một đời người Nguyễn Chí Trung là những cuốn sách được ông đánh đổi bằng máu của mình trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ chứ không phải là những chức tước phù du kia. Tôi có may mắn được “kết bạn” với Nguyễn Chí Trung khi ông trở lại Quảng Ngãi đầu những năm 2000. Không phải thấy người sang bắt quàng làm họ, đúng ra là tôi được ông nhờ làm “tài xế” một đôi lần để chở ông về những nơi từng hằn dấu dép cao su của ông hơn 40 năm trước đó. Vừa là để gặp “người xưa” thời kháng chiến, nhưng cũng là dịp ông đi tìm “nàng Út” của mình. Tôi thì vô tư chở ông đi chứ đâu biết ông đang thực hiện những dự định cuối cùng của một đời cầm bút. Mãi đến khi ông lấy cuốn tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út” trong chiếc túi sờn mòn của ông ra rồi viết đề tặng cha con tôi bằng những lời “có cánh”, tôi mới vỡ ra rằng, những chuyến tìm về của hai bác cháu trong nhiều tháng liền, quả là không phí công. “Nàng Út” vừa là nhân vật cụ thể trong cuốn sách nhưng “nàng” cũng chính là nhân dân - người đã cưu mang Nguyễn Chí Trung suốt trong những năm kháng chiến gian lao.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung gặp lại “nhân vật” từng cưu mang mình trong kháng chiến tại xã Tịnh Minh huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.  Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Nhà văn Nguyễn Chí Trung gặp lại “nhân vật” từng cưu mang mình trong kháng chiến tại xã Tịnh Minh huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Đứa con gái 10 tuổi của tôi lúc ấy, đã quần với “nàng Út” suốt một tuần liền sau khi nhận sách với lời đề tặng rất trân trọng của nhà văn. Rồi cháu trả lời câu hỏi của nhà văn bằng một câu không chút giữ gìn: “Cháu đọc hết rồi mà chả thấy nàng Út khóc tiếng nào ông ơi”. Nhà văn phản ứng nhanh: “Vậy thì ông khóc nhé?”. Cả hai ông cháu cùng cười vang.

Giai thoại

Có lẽ ít nhà văn được phủ một lớp giai thoại dày như Nguyễn Chí Trung. Chở ông đi khắp sông dài núi thẳm nhưng để “moi” ở ông một chút ký ức, quả là khó khăn. Ông Trung rất ít tâm sự về đời mình. Để biết về ông, chỉ còn một cách là “bịa” chuyện rồi “vu” cho ông. Nghe “vu” như thế, ông sẽ cãi ngay, đúng chất Quảng Nam. Mỗi lần như thế, tôi lại được thêm “một chuyện”, cũng là để làm rõ hơn những giai thoại về ông.

Hôm đó tôi đưa ông về Tịnh Minh, một ngôi làng nằm ven sông Trà Khúc ở phía thượng nguồn. “Nghe người ta đồn, trận lụt năm Thìn (1964), bác chạy lên núi Tròn để tránh lụt nên dân làng gọi bác là “Trung lụt” đúng không?”. Thay vì cãi ngay, ông nói: “Anh đi theo tôi”. Sau khi thắp những nén nhang lên mộ đồng đội từng tham gia trận đánh Ba Gia lịch sử năm 1965 đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã, ông Trung đi vào làng. Vừa thoáng thấy ông, nhiều người trong làng đã réo vang: “Ông Trung lụt bà con ơi!”. Hóa ra giai thoại “Trung lụt” không phải vì ông trốn lên núi Tròn tránh lũ mà là ông cùng bà con phá kho thóc của một phú nông trong làng để cứu đói cho dân Tịnh Minh. “Không có ông Trung năm đó, dân Tịnh Minh chắc là chết đói nửa làng” - ông Bốn Đường nhớ lại. Chính vì vậy nên thấy “Trung lụt” về làng, người dân đã đón ông như đón một ân nhân. “Tôi đã phải rút khẩu K59 ra để “dọa” cái ông giữ kho thóc đó đấy” - ông Trung thú nhận. Nguyễn Chí Trung là thế, luôn kiệm lời nhưng rất quyết liệt khi cần thiết.

Tôi lại đưa ông về núi ông Đọ, một địa danh nằm ở cuối huyện Mộ Đức. Cạnh núi ông Đọ có xóm Mù U, một xóm chỉ 60 nóc nhà nhưng có đến 52 gia đình liệt sĩ, 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhà văn đã về “lót ổ” xóm Mù U từ năm 1966. Đây là lần thứ 2 ông Trung về lại xóm Mù U. Lần đầu vào năm 1999, lúc còn làm trợ lý Tổng Bí thư. Lần đó, ông bất ngờ xuất hiện tại Quảng Ngãi rồi ghé thăm nhà thơ Thanh Thảo ngay ngày mùng một tết. Sau khi hỏi đường về xóm Mù U, ông thuê xe ôm trực chỉ Mộ Đức. Nhà thơ Thanh Thảo, vốn là trại viên của Trại sáng tác Khu 5 do Nguyễn Chí Trung làm trại trưởng đã “méc” với Tỉnh ủy Quảng Ngãi về lịch trình trở lại xóm Mù U của sếp cũ mình. Hay tin trợ lý Tổng Bí thư “vi hành” về Mù U bằng xe ôm, Tỉnh ủy Quảng Ngãi điều hẳn một ô tô đuổi theo, xin được chở ông cho đỡ vất vả. Nhưng ông Trung đã từ chối đặc ân này. Ông đi tìm “nàng Út” của ông mà bằng ô tô thì làm sao gặp được kia chứ! Về lại xóm Mù U lần này, Nguyễn Chí Trung muốn kiểm chứng lại bộ nhớ của mình về đợt mật tập vào khu dồn dưới chân núi ông Đọ năm 1966 cùng anh xã đội phó du kích Đức Minh. Tôi “khiêu khích” ông rằng, ông là nhà văn chứ có phải lính đặc công đâu mà mò vào đồn địch trong đêm? Ông kể lại chuyện vào đồn lần ấy, thay cho câu trả lời: “Tôi tóm anh xã đội phó đi cùng tôi vào đồn theo cách của riêng tôi. Cứ theo mùi phân tươi mà đi thì sẽ không vướng mìn claymore của địch. Vì dân trong khu dồn mới ra “ị” ở đó nên nếu có mìn thì họ đã bị vướng rồi”. Hóa ra giai thoại mà mấy nhà văn ở Trại sáng tác Khu 5 sau giải phóng gắn cho ông Trung “Đạp c. mà đi, mở đường mà tiến” chính là trường hợp này đây.

Nàng Út bước vào trang sách

Đầu những năm 2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rời chính trường thì cũng là lúc Nguyễn Chí Trung thôi làm trợ lý và ông bắt đầu cho những chuyến “tìm về” vùng kháng chiến. Với vị thế của mình, ông Trung có thể chọn chỗ ở tùy thích - một khách sạn xịn nhất ở Quảng Ngãi chẳng hạn; lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ bố trí riêng cho ông một chiếc ô tô để ông đi thăm thú đó đây… nhưng nhà văn đã từ chối tất cả và chọn nhà khách Cẩm Thành để “đóng quân”. Để khỏi “làm phiền người khác” - từ mà ông vẫn dùng mỗi khi ai đó gợi ý để ông được hưởng những đặc ân, ông nhờ tôi đi mua cho ông một chiếc xe máy. Lúc thì cùng tôi, khi thì cùng một  anh đánh máy được ông “mang” từ Hà Nội vào, rong ruổi khắp những nơi mà ông muốn đến.

Ông xuôi Bình Thạnh, một xã nằm cuối con sông Trà Bồng và qua đêm tại nhà ông cựu Bí thư Quảng Ngãi những năm 54-59, rồi bất ngờ ngược núi theo hướng Tây Trà chỉ để nghe tiếng kêu của con chim từ quy gọi bạn, chỉ để được hít hà mùi khỏi bếp tỏa ra từ một nếp nhà sàn nào đó của đồng bào Co… Ông như trôi trong ký ức của riêng mình khi đặt chân lên mảnh đất Trà Bồng, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên ở miền Nam vào mùa thu năm 1959. Lấy giai đoạn từ 1954-1959 làm nền cho cuốn tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út”, Nguyễn Chí Trung muốn dựng lại một giai đoạn lịch sử đau thương nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đó là giai đoạn “súng chỉ nổ từ một phía”, cả miền Nam như cam chịu trước các cuộc khủng bố khắp các thôn cùng xóm vắng. Và Trà Bồng - một huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi đã làm nhiệm vụ “đột phá khẩu”, mở đầu cho thời kỳ dùng vũ lực để chống lại vũ lực.

Tất cả những ngột ngạt sau Hiệp định Genève cũng như “không khí” reo hò dậy đất trong ngày khởi nghĩa giành chính quyền vào mùa thu năm 1959 tại Trà Bồng đã được nhà văn đặc tả trong nhiều trang sách của ông. Để có những trang sách đặc tả ấy, Nguyễn Chí Trung đã bỏ ra nhiều năm lặn lội về các buôn làng, gặp lại và tiếp xúc hàng trăm “nguyên mẫu” - những “nàng Út” thời trai trẻ của ông. Họ đã bước vào trang sách của nhà văn một cách tự nhiên không cần trang điểm. Tôi đã cùng Nguyễn Chí Trung đi tìm “nàng Út” ở ngoài đời để rồi gặp lại họ trên từng trang giấy mỏng của ông.

Đây lại là tiểu thuyết đầu tay và cũng là duy nhất của Nguyễn Chí Trung. Cuốn sách đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008. Nhận xong tiền giải thưởng 20 triệu đồng, ông bảo tôi đưa ông lên huyện vùng cao Tây Trà để phát hết cho trẻ con của đồng bào Co trên ấy!

Khi Nguyễn Chí Trung phát những đồng bạc cuối cùng của giải thưởng cho đám trẻ con, tôi như gặp một “nàng Út” của ông bước ra từ trang sách.

TRẦN ĐĂNG

TRẦN ĐĂNG