Văn hóa biển xưa & nay

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 23/06/2017 10:43

Việt Nam là một quốc gia biển, có nền kinh tế gắn bó với biển và nền văn hóa biển lâu đời. Trong đó, vùng duyên hải miền Trung là nơi tạo dựng, truyền thừa và bảo lưu những trầm tích văn hóa biển của người Việt; cũng là nơi người dân đang ngày đêm thực thi chủ quyền biển đảo; bảo tồn và phát huy những giá trị của nền văn hóa biển Việt Nam.

Lễ cúng trước khi ra khơi của ngư dân miền Trung. Ảnh: THÁI A
Lễ cúng trước khi ra khơi của ngư dân miền Trung. Ảnh: THÁI A

Sống chung, khai thác và chinh phục biển

Biển cả không chỉ mang lại nguồn sống, mà còn ảnh hưởng đến diễn trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, đến đời sống văn hóa, tâm linh và tín ngưỡng của người Việt. Dấu ấn của biển hiện diện trong đời sống của tổ tiên người Việt từ tiền sử. Những di chỉ “đống vỏ sò” hay “cồn sò điệp” trong các nền văn hóa khảo cổ ở ven biển là những dấu tích chứng minh rằng biển cả là nơi cung cấp nguồn sống chủ yếu cho các cộng đồng người tiền sử cư trú ở ven biển Việt Nam từ hàng ngàn năm trước. Những hoa văn “dấu vỏ sò” trên đồ gốm chính là dấu vết của biển trong đời sống kinh tế - xã hội của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam. Những tàn tích thức ăn và công cụ lao động được thu nhặt, chế tác từ sản vật của biển đã cho thấy từ hàng ngàn năm trước, tổ tiên của người Việt đã xác định được vai trò “kinh tế biển” đối với đời sống của họ.

Người Việt đã biết dùng nước biển để làm muối từ hàng ngàn năm trước và kỹ thuật làm muối của người Việt cũng vô cùng độc đáo: nấu nước biển để lấy muối. Chính vì thế, mà trong khi người Hoa gọi dân làm muối là diêm dân, thì người Việt lại gọi người làm muối là táo hộ hay táo công. Cách thức làm muối độc đáo ấy không chỉ được phản ánh trong sách Đại Việt sử ký toàn thư mà còn được chứng thực bởi nghề làm muối ở làng Nại Hiên (thành phố Đà Nẵng) với những dấu vết còn lưu giữ trên thực địa và cả trong ký ức dân gian.

Không chỉ khai thác biển, người Việt còn biết chế biến những sản vật của biển thành những “đặc sản” để phục vụ cho nhu cầu ẩm thực của mình, mà nước mắm là “thành tựu vĩ đại” nhất mà người Việt đã phát minh trong quá trình sống chung với biển.

Người Việt còn chinh phục biển bằng cách “quai đê, lấn biển”, “thau chua, rửa mặn” để biến những đầm lầy hoang vắng hoặc những vùng đất khô cằn ven biển thành những làng quê trù phú. Sự hình thành hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) vào thời Nguyễn (1802 - 1945) gắn liền với tên tuổi của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) là một minh chứng điển hình.

Biển đã đi vào đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt với những lễ hội cầu ngư, với tục thờ cúng cá ông, với những vị thần có gốc gác từ biển khơi hiện diện trong hệ thống thần linh của những cộng đồng cư dân ven biển. Biển cũng in đậm dấu vết trong kiến trúc nhà ở, trong việc chọn hướng nhà và cả trong việc gọi tên một số chi tiết kiến trúc nhà ở của người Việt.

Xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo

Song hành với việc sống chung, khai thác và chinh phục biển, là quá trình xác lập, thực thi và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của người Việt.

Từ đầu thế kỷ 17, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã thành lập các đội Hoàng Sa và Bắc Hải, dong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở ngoài khơi Đàng Trong để khai thác hải sản, thu nhặt hải vật từ các tàu đắm, đo đạc hải trình, xác lập chủ quyền của Tổ quốc trên những vùng biển đảo xa xôi. Cư dân từ các làng quê ven biển miền Trung đã không quản ngại gian khó, vượt biển tìm đến những hòn đảo giữa biển khơi, vừa để khẩn hoang, lập làng làm nơi cư trú và mưu sinh muôn đời, vừa tạo nên những phên giậu vững chắc để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Những chuyến vượt biển ấy chính là tiền đề cho một ngành đóng thuyền phát triển mạnh mẽ vào thời chúa Nguyễn (1558 - 1786), thời Tây Sơn (1771 - 1802) và thời Nguyễn. Các chúa Nguyễn đã xây dựng một đội thuyền hùng hậu, phục vụ các nhu cầu quốc phòng, giao thông và thương mãi. Theo Thomas Bowyear, một nhà buôn người Anh đến Đàng Trong trong những năm 1695 - 1696, thì lực lượng thủy quân ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu có đến 200 chiến hạm, mỗi chiếc có từ 16 đến 22 khẩu đại bác, 500 chiến thuyền nhỏ từ 40 đến 44 tay chèo; 100 chiếc thuyền lớn từ 50 đến 75 tay chèo… và những chiến thuyền này đều do xưởng thuyền của phủ chúa đóng. Nhờ vào lực lượng thủy quân hùng mạnh này mà quân đội của chúa Nguyễn Phúc Lan đã đánh bại một đội tàu của Hà Lan ở cửa Eo (cửa Thuận An, ở gần Huế) vào năm 1644.

Người Việt không chỉ đóng thuyền để lưu thông và chinh phục biển khơi mà còn đóng thuyền để xuất khẩu sang các nước láng giềng. Năm 1789, Nguyễn Ánh đã sai người đóng 40 đại chiến thuyền và hơn 100 ghe bầu cung cấp cho Xiêm La để đổi lấy vũ khí và sắt thép. Từ nửa sau thế kỷ 18, thương nhân người Hoa đã đến Đàng Trong thuê người Việt đóng thuyền để chở lúa gạo từ Nam Bộ đưa về Trung Quốc bán cả thuyền lẫn gạo. Thuyền đóng ra không chỉ để bán cho thương nhân người Hoa, mà bán cho cả thương nhân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tàu thuyền do người Việt đóng lúc ấy đã đạt trình độ kỹ thuật cao khiến người phương Tây phải khâm phục. Viên trung úy hải quân người Anh - John White, đến Việt Nam vào năm 1819 đã nhận xét trong cuốn hồi ký A Voyage to Cochinchina (Hành trình đến Nam Kỳ) rằng: “một đất nước có những chuyên gia tài giỏi, có thể đóng những con tàu tốt là thế, thì phải là một dân tộc đi biển rất cừ khôi”.

Bảo tàng về biển, tại sao không?

Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam có chủ trương xây dựng nước ta thành một “quốc gia biển”. Một “quốc gia biển” chỉ thực sự hùng mạnh khi chủ quyền đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc; chiến lược phát triển kinh tế biển phải gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển và bảo tồn nền văn hóa biển.

Những gì được triển khai thực hiện trong thời gian qua, cho thấy Nhà nước đã tập trung ưu tiên đầu tư cho phát triển kinh tế biển, nhưng sự đầu từ này là chưa hiệu quả và thiếu bền vững. Thảm họa môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra ở vùng biển 4 tỉnh Bắc miền Trung; những tiêu cực trong việc triển khai đóng tàu vỏ thép, trang bị ngư lưới cụ mới cho ngư dân đánh bắt xa bờ theo tinh thần của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ở các tỉnh Khánh Hòa và Bình Định; việc ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản trên những ngư trường truyền thống của Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa thường bị tàu Trung Quốc uy hiếp, tấn công nhưng nhiều trường hợp chưa được các lực lượng chức năng hỗ trợ và bảo vệ kịp thời… là những biểu hiện cụ thể cho nhận định trên. Và quan trọng là, Nhà nước vẫn chưa đưa ra những chính sách bảo tồn và phát huy giá trị nền văn hóa biển Việt Nam một cách thiết thực và hiệu quả.

Đã đến lúc Nhà nước cần ban hành những chính sách thiết thực và hành động hiệu quả hơn, nhất là trong việc bảo tồn văn hóa biển Việt Nam.

Không thể chỉ lưu giữ truyền thống văn hóa biển ở trong ký ức của cộng đồng các cư dân duyên hải, mà phải bảo tồn chúng trong các bảo tàng quy mô và hiện đại do nhà nước đầu tư và thông qua các chính sách phát triển văn hóa do nhà nước chủ trương. Theo tôi, Nhà nước cần thông qua các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương, đầu tư xây dựng ít nhất là 3 bảo tàng về văn hóa biển và lịch sử hàng hải Việt Nam. Theo đó, cần có một bảo tàng về ngành hàng hải ở miền Bắc, một bảo tàng về ngành đóng thuyền ở miền Nam và một bảo tàng về văn hóa biển ở miền Trung. Những bảo tàng này không chỉ là nơi lưu dấu về lịch sử khai thác và chinh phục biển của người Việt, mà là môi trường giáo dục niềm tự hào về truyền thống văn hóa biển, về thành tựu khai thác, chinh phục và giữ gìn chủ quyền biển đảo của các thế hệ người Việt.

Nhà nước cần giao trách nhiệm cho Bộ VH-TT&DL và chính quyền các tỉnh tổ chức tổng kiểm kê di sản văn hóa biển của người Việt (cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể) để định hướng bảo tồn và phát huy các di sản này sao cho hiệu quả. Cần phải ưu tiên nguồn vốn cho các công trình trùng tu, tôn tạo những di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến quá trình khai thác, chinh phục, xác lập và giữ gìn chủ quyền biển đảo; xây dựng các chương trình quảng bá di sản văn hóa biển Việt Nam đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.

Niềm tự hào về một truyền thống văn hóa biển, về thành tựu khai thác và chinh phục biển đã được tiền nhân khai mở, vun đắp, cần tiếp tục được nuôi dưỡng, trao truyền cho các thế hệ người Việt kế cận. Khi ấy thì ước vọng về một “vị thế đại dương” cho “quốc gia biển” Việt Nam mới có thể trở thành hiện thực.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN

TRẦN ĐỨC ANH SƠN