Cột thiêng giữa hội

PHƯƠNG GIANG -  ĐĂNG NGUYÊN 11/06/2017 09:24

Chúng tôi ngồi trong gươl lớn ở làng văn hóa Cơ Tu huyện Tây Giang. Trước mặt, già làng Bh’riu Pố (thôn Arớh, xã Lăng, Tây Giang) chỉ lên bản phác thảo của cây nêu, giải thích từng họa tiết. Từng lời nói có một sức hút lạ kỳ. Có cảm giác, ông đang là người thầy chăm chú với bài giảng, ngay bên bếp lửa vẫn cháy bập bùng. Những ngày bận rộn. Là khi, ông được các già làng còn lại đề cử làm người duy nhất thiết kế và chỉ huy đội nghệ nhân cùng phục dựng cây nêu truyền thống của đồng bào Cơ Tu cho dịp festival lần đầu tiên được tổ chức ở vùng cao Tây Giang này. Từng chi tiết được ông nghiên cứu kỹ nhất, đảm bảo nguyên bản nhất theo sự “thẩm định” của các già làng. Chúng tôi nghe và thấy cả một đời sống ẩn mình sau từng họa tiết, theo lời thuyết minh rất mạch lạc của vị già làng. Từng ý, thoát đi không từ bất kỳ sách vở nào, như lấy từ gan ruột. Không cần chuẩn bị, không theo khuôn mẫu, mà vẫn đủ đầy, lôi cuốn. Chúng tôi như đi theo lời kể, cảm nhận sống động những hình ảnh lướt qua, có thiếu nữ say điệu da dá, có cánh hoa đh’lôm bung nở giữa rừng, và cả nhịp chày vang trong mùa vàng trên từng cánh rẫy…

Bản phác thảo cây nêu do ông Bh’riu Pố nghiên cứu, chuẩn bị cho lễ hội trình diễn cây nêu sắp tới. Ảnh: GIANG NGUYÊN
Bản phác thảo cây nêu do ông Bh’riu Pố nghiên cứu, chuẩn bị cho lễ hội trình diễn cây nêu sắp tới. Ảnh: GIANG NGUYÊN

Với đồng bào Cơ Tu, làng luôn là một cánh cung bền bỉ chở che cho bao phận người, bao bếp lửa, qua những biến động của thời gian. Linh hồn của sự bền bỉ ấy, hội tụ dưới mái gươl, hiện hữu qua bóng dáng của vị già làng. Ở họ, ẩn giấu kho tàng văn hóa, tựa mạch nguồn chảy lặng lẽ theo nhịp sống hiện đại. Họ sẽ mãi là “cột chính” của gươl, gánh đỡ cho làng trường tồn theo năm tháng.

Ông Pố, là già làng đã nhiều năm. Điều mà cả ngôi làng suy tôn ông, chính là sự hiểu biết rộng lớn về làng Cơ Tu, về văn hóa của đồng bào mình. Trong vẻ ngoài giản dị, là cả một kho tàng về phong tục và kinh nghiệm, kiến thức mà ông tích lũy được qua hơn nửa đời người. Biết ông, từ bao lần ngược xuôi tìm tư liệu cho các bài viết về văn hóa của đồng bào Cơ Tu, nhưng mỗi lần gặp, là một lần thêm nể phục trí nhớ của vị già làng. Ông từng là nhà giáo nên cách trò chuyện, cư xử luôn chừng mực, đầy tri thức. “Già làng, phải biết về phong tục, hiểu về văn hóa, và ứng xử đúng với hiểu biết của mình. Tiếng nói của già làng đại diện cho ý chí của cả một cộng đồng, nên mọi quyết định đều phải là kết quả của sự đồng thuận, thống nhất. Họ như z’râng moọng - cột chính gươl - nâng đỡ cho toàn bộ ngôi nhà” - già Pố nói. Như người thắp lửa, sự uyên thâm của vị già làng là nguồn năng lượng bất tận để truyền cảm hứng, dẫn dắt cả cộng đồng qua muôn vàn biến động trong đời sống…

Đưa chúng tôi đến nơi chế tác cây nêu truyền thống, già Pố nói, cây nêu này sẽ được dựng ngay tại làng văn hóa truyền thống Cơ Tu huyện Tây Giang. Một cây khác, nhỏ hơn, được đưa về giữa những mái gươl đặt tại quần thể rừng pơmu ở A Xan. Không đơn thuần là sản phẩm cho những ngày lễ hội, ông và những cộng sự, đã và đang làm, bằng tất cả trách nhiệm, bằng tâm huyết, và cả niềm tin rằng, đó sẽ là thứ tài sản để lại cho cháu con, cho vùng đất Tây Giang này những ngày sau nữa. Từ đó, sẽ có vô vàn cây nêu khác được dựng lên, từ trong chính suy nghĩ, từ trái tim của lớp trẻ ở miền đất này, đang háo hức chờ ngày khai hội…

PHƯƠNG GIANG -  ĐĂNG NGUYÊN

PHƯƠNG GIANG -  ĐĂNG NGUYÊN