Nữ họa sĩ đầu tiên đất Đà thành

TRẦN TRUNG SÁNG 10/06/2017 10:03

Nếu nhắc đến một trong những người phụ nữ đầu tiên hoạt động mỹ thuật trên đất Đà thành, chắc hẳn mọi người sẽ không thể quên được nữ họa sĩ Maria Mộng Hoa. Từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Maria Mộng Hoa từng có một studio tranh nghệ thuật tại đường Độc Lập, cạnh hãng Hàng không Việt Nam (Air Vietnam), TP.Đà Nẵng. Bà từng được báo chí từ Nam chí Bắc như Annam nouveau, Trung Bắc Tân Văn, Phụ Nữ... một thời ca ngợi.

Chân dung họa sĩ Maria Mộng Hoa.
Chân dung họa sĩ Maria Mộng Hoa.

Họa sĩ Maria Mộng Hoa tên thật là Nguyễn Thị Phi Phụng, sinh ngày 15.8.1913 tại Quảng Trị, mất ngày 10.7.1986. Cha bà là Nguyễn Khắc Nhân, một họa sĩ hoàng gia triều Thành Thái, và ba người anh: Nguyễn Phi Hổ, Nguyễn Phi Long và Nguyễn Phi Hùng đều là họa sĩ nổi tiếng ở Huế. Họa sĩ Maria Mộng Hoa từng dự cuộc triển lãm mỹ thuật đại hội toàn quốc tại Huế (năm 1931, được thưởng huy chương vàng và nhất hạng kim bội). Năm 1933-1934, bà mở phòng triển lãm hội họa thường xuyên cùng với ba anh Phi Hổ, Phi Long, Phi Hùng tại Huế. Năm 1935, bà dự triển lãm hội họa do chính phủ Nam triều và Pháp quốc tổ chức tại tòa Khâm sứ Huế…

Trước khi chính thức chuyển gia đình vào sinh sống tại Đà Nẵng, họa sĩ Maria Mộng Hoa đã là chủ nhân của một phòng vẽ và nhiếp ảnh ở gần cửa Thượng Tứ tại cố đô Huế, bên cạnh các phòng vẽ vang bóng một thời của các họa sĩ Thư Lang, Duy Hinh, Lê Vinh, Tuấn Cathy, Ngọc Duy, Quang Hy, Bá Thiệu…

Trong một bài trả lời phỏng vấn Nguyễn Ngu Í in trên tạp chí Bách Khoa vào năm 1962, họa sĩ  Maria Mộng Hoa cho biết: “Ngay thuở ấu thơ, trên tay tôi bao giờ cũng cầm sẵn một cục than để mà nguệch ngoạc vẽ lên tường. Và khi thực thụ đứng trước giá vẽ, tôi vừa thấy khó khăn, lại vừa ham thích… Tôi trau dồi nghề vẽ đoạn đầu từ năm 14 đến năm 18 tuổi. Vừa học vẽ, vừa đọc sách về lịch sử mỹ thuật, về các môn phái hội họa của những thế kỷ trước. Lúc đầu, tôi ở nhà vẽ và nhờ con ở (người giúp việc) làm mẫu, nhưng bị các anh tôi chỉ rõ những chỗ hỏng và khuyên tôi chớ nên ngồi nhà vẽ, mà phải đi ra ngoài trước đã, chừng ấy tôi mới nay xách giá vẽ lên lăng, mai trở về đồng nội… Và thiên nhiên càng làm tôi ham mê hội họa”.

Tranh của họa sĩ Maria Mộng Hoa.
Tranh của họa sĩ Maria Mộng Hoa.

Hồi đó, studio của họa sĩ Maria Mộng Hoa được xem là một xưởng vẽ sang trọng bậc nhất Đà Nẵng. Nơi đó, vừa dành cho việc trưng bày thường xuyên tác phẩm của nữ họa sĩ, và cũng là nơi bà dạy vẽ. Tranh của bà phần lớn là tranh phong cảnh, chân dung truyền thần màu phấn tiên (pastel), đôi khi cũng có tranh lụa hoặc chất liệu khác. Theo lời kể của họa sĩ Phan Trần, người có thời gian phụ việc cho họa sĩ Maria Mộng Hoa: “Trước 1975, hầu hết phòng vẽ tại Đà Nẵng đều là nơi vẽ tranh chân dung hoặc phong cảnh sao chép theo ảnh. Chỉ riêng xưởng vẽ của bà Maria Mộng Hoa trưng bày tranh mang tính sáng tạo nghệ thuật (tương tự các Art Gallery ngày nay). Ngoài những tranh thực hiện theo yêu cầu của khách hàng, thỉnh thoảng bà dành thời gian vẽ tranh như một thú tiêu khiển. Trong đó, có nhiều tranh về phong cảnh Đà Nẵng, Hội An, chùa Cầu… được nhiều khách vãng lai ưa thích. Bà Maria còn là một người yêu thơ, yêu nhạc, có lẽ nhờ vậy mà tranh của bà luôn có cái gì đó rất mềm mại, lãng đãng”.

Đến nay, hầu như  tranh của Maria Mộng Hoa ít còn người lưu giữ. Gần đây, tình cờ, linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng có sưu tập được một bức tranh của bà, với lời ghi chú sau bức tranh “85% là Mộng Hòa, con gái tác giả” và “tranh vẽ vào thập niên 1950”. Tuy nhiên về sau, khi liên lạc được chị Phan Mộng Hoàn, con gái nữ họa sĩ Mộng Hoa, thì được biết, bức tranh trên thực hiện vào năm 1964. Người mẫu không phải là Mộng Hòa, vì chị ấy không bao giờ xõa tóc thề (như người trong tranh).

“Nếu bảo rằng hội họa phải có dân tộc tính hay quốc tế  hóa, thì tôi không nghiêng về lập luận nào. Đã là nghệ sĩ, thì khi đứng trước một cảnh sắc thiên nhiên, một nhân vật lịch sử, một cảnh sống, một bóng dáng trong mơ…, mà nghệ sĩ thấy tâm hồn mình rung động, thì đường nét, sắc màu tha hồ mà “sống” trên giấy, vải… Người vẽ chỉ cố sao ghi lại cho trung thực những gì mình thấy, mình nghĩ, mình cảm, mình mơ…, chớ nào có băn khoăn về: “Ta phải vẽ thế nào cho có dân tộc tính đây?” hay “Mình phải làm sao cho có tánh cách quốc tế chừ?”. Và người thưởng ngoạn tranh sẽ thấy họa sĩ đã thành công hay thất bại, là tánh cách gì trong tác phẩm – tôi muốn nói dân tộc hoặc quốc tế – là để người xem tranh phát biểu”.
Họa sĩ Maria Mộng Hoa (Trả lời phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Ngu Í trên tạp chí Bách Khoa năm 1962)

Theo chị Phan Mộng Hoàn, “thời kỳ tại Đà Nẵng, gia đình có cả chục anh chị em. Thế mà lần lữa, tất cả chúng tôi đều được nuôi dưỡng chu đáo, được cho ăn học đến nơi đến chốn, rồi trưởng thành vào đời có nghề nghiệp hẳn hoi với xã hội. Dạo ấy, tụi nhóc còn được cái may mắn có bà ngoại là họa sĩ, nên tha hồ cho chúng tập tành vẽ vời, pha màu thích chí mỗi ngày ở họa thất của ngoại, sát nách Trung tâm Văn hóa Pháp, là nơi chúng phải có mặt thường xuyên mỗi chiều sau lúc tan học lớp ngày ở Nguyễn Hiền”.

Sau tháng 4.1975 cả gia đình họa sĩ Maria Mộng Hoa định cư ở San Jose, Mỹ. Về sau, trong số cháu con, có một người cháu ngoại của họa sĩ (con gái của Phan Thị Mộng Hoàn) là là Mina Hồ Mộng Nhã Uyển (sinh năm 1971) nối tiếp sự nghiệp mỹ thuật, được nhiều người biết tiếng. Năm 18 tuổi, Nhã Uyển đã có cuộc triển lãm tranh lụa rất thành công ở Sài Gòn (1989). Năm 1990, theo gia đình sang Mỹ định cư, Nhã Uyển đã tham dự một kỳ thi tuyển do công ty Hoạt Hình Walt Disney (Disney’s Animation) tổ chức trên toàn Canada và Hoa Kỳ với hơn 300 thí sinh. Cô được lọt vào vòng 38 người trúng tuyển. Sau một năm được công ty này đào tạo, cô thi mãn khóa huấn luyện, đỗ đầu trong số bốn người được công ty tuyển dụng.

TRẦN TRUNG SÁNG

TRẦN TRUNG SÁNG