Hương sắc vùng cao

ĐĂNG NGUYÊN 10/06/2017 09:21

Những hoạt động trong chuỗi sự kiện phục vụ lễ hội “Hương sắc vùng cao Quảng Nam” đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, người dân địa phương rộn ràng vào cuộc, du khách cũng đã tìm về để thưởng lãm giá trị văn hóa đặc sắc.

Đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang cùng vui múa vũ điệu truyền thống trong nghi lễ phục dựng cây nêu mới đây. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang cùng vui múa vũ điệu truyền thống trong nghi lễ phục dựng cây nêu mới đây. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Chuẩn bị chu đáo

Lần đầu tiên được góp mặt trong chuỗi sự kiện của Festival Di sản Quảng Nam, công tác chuẩn bị cho ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa - thể thao - du lịch các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam đã được huyện Tây Giang chuẩn bị chu đáo từ nhiều tháng qua. Theo ông Bh’ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, với chủ đề “Hương sắc vùng cao Quảng Nam”, ngày hội hứa hẹn sẽ là không gian văn hóa vùng đậm bản sắc truyền thống với nhiều chương trình, hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, trình diễn thời trang và triển lãm, trưng bày những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của cộng đồng các DTTS trong và ngoài tỉnh. Trong đó, điểm nhấn là không gian lễ hội trình diễn nghi lễ dựng cây nêu của DTTS Việt Nam.

Ý tưởng đưa lễ hội đến với người dân, thông qua nhiều hoạt động kết nối theo chuỗi sự kiện khám phá du lịch sinh thái, giao lưu văn hóa cộng đồng và trưng bày các sản vật vùng cao đã tạo niềm hứng khởi cho đồng bào các địa phương miền núi. Bí thư Huyện ủy Tây Giang - ông Bh’riu Liếc cho hay, không chỉ người dân tại địa phương, nhiều du khách, học sinh, sinh viên ở các vùng lân cận cũng háo hức chờ hội. Ngoài ra, nhiều đoàn famtrip cũng đã đăng ký tham gia các chương trình lữ hành, cùng khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp về vùng đất, con người phía tây Quảng Nam. “Người Cơ Tu vốn có truyền thống hiếu khách với nhiều tập tục đẹp còn lưu giữ trong đời sống cộng đồng, vì thế chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là lợi thế góp vào thành công của lễ hội lần này. Ngoài ra, cảnh quan tự nhiên phong phú, đa dạng, cùng nhiều điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn, đặc biệt là quần thể cây pơmu di sản, sẽ tạo nên những đặc sản riêng của địa phương, giúp du khách hài lòng khi đến với Tây Giang” - ông Liếc nói.

Không chỉ người dân Tây Giang, từ các huyện miền núi Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My… cũng đang hướng về ngày hội. Trong khi đó, những đoàn khách được mời tham dự trong chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật tại Tây Giang cũng đã sẵn sàng cho các tiết mục trình diễn, hứa hẹn sẽ mang đến “bữa tiệc” nghệ thuật đậm đặc bản sắc vùng miền, theo hành trình “Hương sắc vùng cao”.

Sức sống mới

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, cùng với công tác tuyên truyền cho các sự kiện diễn ra tại ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa - thể thao - du lịch các dân tộc thiểu số Việt Nam, địa phương đã hoàn tất mọi khâu chuẩn bị, từ bố trí chỗ ăn ở cho đại biểu và du khách, đến việc chỉnh trang một số khu vực diễn ra lễ hội, cũng như chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cả thời điểm trước, trong và sau diễn ra lễ hội. Những đợt tập luyện của nghệ nhân, diễn viên cho chương trình giao lưu nghệ thuật cũng diễn ra sôi nổi. Trong khi đó, tại không gian làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang, nhiều ngày qua đã đón bước chân của du khách từ rất sớm, với mong muốn không bỏ sót sự kiện nào của lễ hội truyền thống. Đặc biệt, nhiều bản làng đồng bào Cơ Tu ở xã A Tiêng dọn dẹp nhà cửa, làm sạch đường sá ngõ làng, cùng địa phương chuẩn bị đón khách. Chính sự cộng hưởng đồng bộ từ phía người dân sẽ tạo sức sống cho lễ hội. “Bên cạnh chuẩn bị sẵn nơi trưng bày tượng nghệ thuật điêu khắc của nghệ nhân Cơ Tu tại địa phương, chúng tôi cũng đã có đầy đủ sơ đồ bố trí cây nêu của các đoàn tham gia, cũng như không gian trưng bày các sản phẩm của đồng bào vùng cao và các địa phương liên kết du lịch lân cận trên trục đường Hồ Chí Minh” - ông Blúi cho biết thêm.

Cũng như Tây Giang, những ngày qua huyện Nam Trà My đã bắt đầu đón chân du khách, với các chương trình trong lễ hội sâm Ngọc Linh lần đầu tiên được tổ chức. Nhiều gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh, cùng sản phẩm nông - lâm - sản đặc trưng miền núi cũng được hoàn thiện tại khu diễn ra sự kiện, ngay trung tâm Tăk Pỏ. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Hồ Quang Bửu chia sẻ, với chủ đề “Huyền thoại Ngọc Linh”, ngoài tạo cơ hội quảng bá cho đặc sản của địa phương là sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My còn chú trọng đến các nội dung giới thiệu về nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Xê Đăng, Ca Dong và tái hiện các nghi thức trong lễ cúng thần núi, thần sâm, lễ cưới hỏi, cùng nghệ thuật văn hóa cồng chiêng… Từ đây, thương hiệu và giá trị của cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam sẽ tiếp tục được khẳng định, như một dịp để đồng bào Xê Đăng quý hơn vườn “thuốc giấu” của mình, phát triển và nhân rộng, cùng vươn lên thoát nghèo bền vững.

ĐĂNG NGUYÊN

ĐĂNG NGUYÊN