"Triển lãm" trên bầu trời

THÀNH CÔNG - LÊ QUÂN 09/06/2017 08:26

Như một cuộc triển lãm trên nền trời, Festival diều quốc tế đã bắt đầu chiêu đãi du khách và người dân xứ Quảng một bữa tiệc hoành tráng của sắc màu, của nghệ thuật trình diễn diều…

Màn trình diễn của sắc màu    

Với người dân miệt biển Tam Thanh, sự háo hức đã hiện diện ngay từ khi biết nơi này sẽ là một trong 2 địa điểm trình diễn của Festival diều quốc tế. Cộng hưởng thêm với dòng du khách đang bắt đầu đổ về làng biển trong những ngày này, Tam Thanh bắt đầu nhộn nhịp những bước chân. Giữa cái nóng ngày hè, dòng người vẫn hướng ra phía biển ngay từ khi đoàn nghệ nhân diều đầu tiên đến Tam Thanh. Từ thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước), bạn trẻ Ngô Lê Việt Hà cùng nhóm bạn đồng hương đến Tam Thanh từ sớm, sau khi đọc được thông tin quảng bá về festival diều trên mạng xã hội. “Những con diều quá đẹp, quá độc đáo. Màn trình diễn của các nghệ nhân qua việc điều khiển diều khiến mình rất thích thú” - Hà chia sẻ.

Những con diều sặc sỡ sắc màu bắt đầu xuất hiện ở bãi biển Tam Thanh từ sáng qua, ngày 8.6. Ảnh: MINH HẢI
Những con diều sặc sỡ sắc màu bắt đầu xuất hiện ở bãi biển Tam Thanh từ sáng qua, ngày 8.6. Ảnh: MINH HẢI

Khâu vận hành những con diều của các đội đã gặp chút khó khăn, khi sáng qua gió biển Tam Thanh khá lặng. Phải mất nhiều thời gian, các nghệ nhân mới có thể điều khiển những con diều đầu tiên bay lên đón gió. Nắng đẹp, tạo một tầm nhìn không thể tuyệt vời hơn cho du khách và người dân, khi màu sắc sặc sỡ của những con diều nổi bật trên nền trời. Ấn tượng nhất, là con diều hình rắn hổ mang, có độ dài đến 35 mét của đoàn nghệ nhân Sài Gòn. “Khủng” hơn nữa, là con diều hình tôm có độ dài tương đương, rộng 14 mét, dày 4 mét. Ngoài ra, còn vô vàn những cánh diều hình cá mập, hình mặt nạ tuồng, hình bạch tuộc khổng lồ... Không chỉ chìm đắm trong thế giới của những sắc màu trên nền trời xanh, đông đảo người dân và du khách còn được nhiều phen trầm trồ trước tài điều khiển diều của các nghệ nhân trong đoàn. Chứng kiến nghệ nhân dùng toàn bộ cơ thể để điều khiển bộ diều chim én xếp thành đội hình rồi tách rời, bay lượn, những tràng vỗ tay, tiếng xuýt xoa vang lên không ngớt. Nghệ nhân Cao Quốc Hơn - Chủ nhiệm CLB diều Sài Gòn chia sẻ, tham dự festival lần này, có 15 thành viên trong đoàn với hàng chục con diều các loại, trong đó phần lớn là những loại có kích thước khủng. “Đã từng tham dự giao lưu, trình diễn diều ở hàng chục cuộc thi lớn nhỏ trong nước, giao lưu với đoàn nước ngoài, trong kỳ festival lần này, chúng tôi mong muốn một lần nữa mang đến những nét độc đáo của nghệ thuật chơi diều. Đây cũng là cơ hội để quảng bá thú chơi độc đáo này, truyền cảm hứng từ niềm đam mê của anh em chơi diều đến với người xem” - ông Hơn chia sẻ.

Thả diều khi… không gió

Hơn 300 con diều truyền thống và hiện đại tham dự festival
Festival diều quốc tế diễn ra từ ngày 8 đến 10.6, tại 2 địa điểm gồm phường Cẩm Nam (TP.Hội An) và xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) với gần 90 nghệ nhân thuộc các CLB diều trong nước và 21 nghệ nhân đến từ 9 quốc gia và vũng lãnh thổ: Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia; Malaysia, New Zealand. Có 85 nghệ nhân Việt đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam với khoảng 300 con diều truyền thống và hiện đại. Những sắc màu qua những cánh diều đặc trưng cho từng quốc gia mang thông điệp gắn kết, cũng là cơ hội để các nước giao lưu văn hóa tại Festival diều quốc tế Quảng Nam 2017 cũng như trong thời gian đến.

Trở ngại của thời tiết ngay trong sáng khai mạc không làm cho những cánh diều dừng lại. Theo đó, trên sông, hai con tàu cỡ lớn được trang bị để các nghệ nhân “múa diều”. Đây là “giải pháp” do nghệ nhân Lâm Hoắc - đạo diễn của Festival diều, cũng là một nghệ nhân gạo cội của đoàn Canada đề xuất. Nghệ nhân của mỗi đội sẽ chia làm hai tốp. Một tốp chuẩn bị các khâu để tung diều. Một tốp điều khiển dây diều trên tàu trong điều kiện tàu sẽ chạy xoay vòng để tạo ra sức gió. “Đối với những đội quốc tế, thả diều khi trời không có gió vốn là một trong những kỹ năng khá độc đáo. Lần này, các con tàu sẽ kéo tạo gió để nghệ nhân có thể trình diễn ngay khi đang đứng trên tàu” - nghệ nhân Lâm Hoắc nói. Màn trình diễn theo cách thức khá độc đáo này của đội Đài Loan và Nhật Bản đã tạo một bất ngờ thú vị cho du khách. Chính cách biểu diễn này là một nét mới lạ trong Festival diều lần này.

Tất cả những đường bay của diều đều có ý đồ. Nếu các đội quốc tế mang những thông điệp về môi trường, thiên nhiên thì nghệ nhân của CLB diều của Việt Nam tìm cách đưa hình ảnh thân thiện, gần gũi với đời sống lên bầu trời. Ông Lâm Hoắc chia sẻ, diều không chỉ là một niềm đam mê, mà trên thế giới, đã phát triển thành một môn nghệ thuật đòi hỏi người chơi phải trang bị kiến thức, kỹ năng. “Để điều khiển một con diều múa lượn theo đúng ý đồ trên bầu trời, nghệ nhân phải tập cả tháng mới có thể thuần thục. Đó là chưa kể, việc “khởi động” những con diều khổng lồ còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết và kỹ thuật của nghệ nhân” - ông nói. Festival diều lần này được nhìn nhận sẽ là cơ hội để các nghệ nhân trải nghiệm việc thả diều ở nhiều điều kiện địa lý cũng như thời tiết khác nhau. Bãi biển Tam Thanh với một không gian thoáng rộng cũng như sức gió mạnh, các nghệ nhân sẽ thỏa sức để diều bay lượn. Tại Hội An, với bãi bồi cát giữa sông, việc tận dụng sức gió và mặt nước, sẽ tạo nên những cuộc trình diễn đòi hỏi kỹ thuật cao hơn.

Những màn trình diễn vẫn đang tiếp tục tại Cẩm Nam (TP.Hội An) và Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) trong hai ngày tới.

THÀNH CÔNG - LÊ QUÂN

THÀNH CÔNG - LÊ QUÂN