Thơ viết giữa... bùng binh

CHÍ ANH 28/05/2017 10:01

So với hai tập thơ “Thuyền hạnh” (2011) và “Lục bát 60” (2014), tập thơ thứ 3 - “Đứng ở bùng binh” và cũng là tập sách thứ 7 chỉ sau 7 năm “chơi sách” của Nguyễn Bá Hòa, có một số nét khác lạ.

Bên cạnh những bài thơ hiền lành một cách “đoan trang” và “cổ điển”, anh đã có nhiều bài thơ tự do (27/64 bài). Ở không ít bài, câu chữ dường như tung tẩy hơn nhưng không ngẫu hứng bâng quơ may rủi mà có nghề và đắt: “Tôi về làng Vòng đương mùa xanh cốm/chết sững mắt em/đôi mắt vê tròn ngàn năm thu Hà Nội/mở toang đôi mắt ấy những dự cảm/cánh đồng sóng chao ngút mắt ngọn nồm” (Đôi mắt làng Vòng). Nhiều chỗ sự riết róng và thao thức trào hẳn lên trên mặt chữ: “Sờ soạng đêm/cất mình vào tím rịm quê bần/trẻ con buông rơi giấc mơ chớp giật/vách trời trơ trọi le lói chắp vá những chống chèo ngồn ngộn mộng mê” (Tiếng sông đêm). Cùng với đó, còn có những câu thơ tưởng trúc trắc mà suông mượt, tưởng thô tháp xù xì nhưng hóa ra sáng đẹp: “Chiếc cầu/khuyết mòn từng nấc xanh” (Qua cầu); “trăng cắm vào thơ cuốn phứt miền đau cọ rửa xót xa ghìm cơn quạnh quẽ/ Ôi vầng trăng lãng du” (Trăng về)... Mấy đoạn thơ được trích dẫn ở đây có thể chưa phải là tiêu biểu trong số những bài có dấu hiệu bứt phá trên hành trình thơ tự do mà Nguyễn Bá Hòa có trong tập này, nhưng so với “tạng” thơ hiền lành, “tròn trịa” của anh xưa nay thì có thể xem đó là nét mới, rất mới.

Tập thơ “Đứng ở bùng binh” - NXB Hội Nhà văn - 2017.
Tập thơ “Đứng ở bùng binh” - NXB Hội Nhà văn - 2017.

Lấy tựa tập thơ là “Đứng ở bùng binh”, có vẻ như lần này Nguyễn Bá Hòa muốn nói với bạn bè rằng anh đang thoát ra khỏi không gian suy nghiệm mang màu sắc hiền triết và đạo hạnh quen thuộc của chính anh một cách có chủ ý. Và thật sự, anh và thơ anh đã hòa mình nhiều hơn, quyết liệt hơn vào cuộc sống ồn ào chung quanh, trực tiếp nghe thấy “Mùi khói thuốc/giọng khê hen/ỡm ờ toan tính đỏ đen lọc lừa/hợp đồng bên nắng bên mưa/mượn vay nóng nguội cò cưa mời chào” (Quán cà phê đầu phố). Thơ anh xộc hẳn vào “chợ đời” bon chen loạn nhịp ngã ba ngã bảy, để xót xa, tiếc nuối về những cái đẹp đang bị mất đi; để giật mình thảng thốt và cay đắng khi đối diện với những “mặt nạ người”... Chọn góc nhìn ngay giữa bùng binh, anh nhận ra rằng “dễ gì nhận ra người quen kẻ lạ/xuôi ngược đi về/để lại đằng sau khói bụi áo cơm/những âm thanh khàn đặc lo toan/(ô nhiễm - chút hương riêng cuộc sống)” (Đứng ở bùng binh). Đó không phải là một cái bùng binh cụ thể ở một góc đường nào cả mà là cái “bùng binh cuộc đời”.

Và, như một lẽ đương nhiên, với một người làm thơ lục bát lâu năm và “thuận tay” như Nguyễn Bá Hòa, ở tập thơ này không thể thiếu lục bát. Phần lớn vẫn là những bài lục bát đẹp, tròn trịa, chuẩn mực, vững vàng “khuôn thước”. Ví như: “Hương hoa đóng gói treo tường/lọ xưa nét mới vẽ đường thủy chung/canh khuya tĩnh vật vẫy vùng/hồn rơi ngỡ tiếng thạch sùng kêu đêm” (Tĩnh vật)... Đẹp, mềm mại, tinh tế, gần gũi và thuần nhiên như chính “cõi thơ” thiêng liêng mà người thơ Nguyễn Bá Hòa đeo đuổi: “Bay lên con chữ nhập hồn/đêm nguyệt tận chếch đầu non bóng mình/bay lên con chữ hiển linh/vị tha/minh triết/nghĩa tình.../bay lên” (Cõi thiêng).

CHÍ ANH

CHÍ ANH