Bộ tranh về người Việt 100 năm trước

TRẦN TRUNG SÁNG 21/05/2017 09:42

Nhà sưu tập Gérard Chapuis đang sinh sống tại Marseille (Pháp) cho hay, anh vừa tìm được một album tranh gồm 46 tác phẩm ký họa màu nước miêu tả về đời sống Đông Dương (chủ yếu miền Bắc Việt Nam) vào đầu thế kỷ 20.

Gérard Chapuis là một bác sĩ người Pháp gốc Việt, ông thường được mệnh danh là “Người gác đền Bùi Xuân Phái tại Marseille”, ngoài ra, gia đình ông còn đang lưu giữ được nhiều tranh gốc của danh họa Việt Nam. Ông cho biết, ông có được album trên từ một người buôn đồ cổ. Trong đó, toàn bộ các bức ký họa được vẽ bởi tác giả khuyết danh, không ghi chú thời gian nhưng có lời dẫn giải, đựng trong một tập album kích thước 21cm x 26cm, bìa cứng, có chỗ để cài bút chì, bao gồm các trang màu trắng, ngà, xanh dương và xanh.

Bộ tranh ký họa nói trên làm gợi nhớ đến công trình nghiên cứu của tác giả  Henri Joseph oger và tập sách tranh “Kỹ thuật của người An Nam”, gồm 4.577 mộc bản, được thực hiện với 30 cộng tác viên vào những năm 1908-1909, được Viện Viễn Ðông bác cổ Pháp tại Hà Nội, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, NXB Thế Giới, Công ty Nhã Nam tái bản theo cấu trúc bản gốc cách đây không lâu.

Bên cạnh đó, nó cũng nhắc nhớ đến những bức vẽ màu nước của nhiều họa sĩ thời kỳ đầu thế kỷ 20 vẽ cho tập san “Những người bạn Cố đô Huế”, được thành lập năm 1914 bởi cha Léopold Michel Cadière và các cộng tác viên Tôn Thất Sa, Trần Văn Phềnh, Nguyễn Thứ, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Tùng, M.E.Gras… Đặc biệt, trong đó tạp chí văn nghệ Hương Xa đã phát hiện mấy chục tấm tranh ký họa của E. Gras và qua nhà văn Georges Chauvet, đã tổ chức trưng bày giới thiệu tại Paris tháng 6.2003. Tranh ký họa của E. Gras có sắc thái riêng về màu sắc, thể hiện tính sống động về những người “An-nam-mít văn minh” và “Mọi bán khai” hồi đầu thế kỷ 20 được gửi về Nice (Pháp) rồi không hiểu sao lại bị bỏ quên trong một cái rương du lịch và gần đây mới tìm thấy. 

Các bức ký họa màu nước miêu tả về đời sống người Việt vào đầu thế kỷ 20.
Các bức ký họa màu nước miêu tả về đời sống người Việt vào đầu thế kỷ 20.

Theo Gérard Chapuis, cần nhấn mạnh rằng, tại Việt Nam trước khi trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời (1924), thì phần lớn các tác phẩm nghệ thuật của những năm 1900 khởi xướng từ những cá nhân hay từ các tổ chức đều là tranh màu nước. Chính vì vậy, sau khi khảo cứu, thẩm định album ký họa vừa tìm thấy, Gérard Chapuis đặt nghi vấn: tác giả bộ tranh có thể là họa sĩ người Pháp? Là du khách hoặc là nhà khảo cứu đầu thế kỷ 20?

Cụ thể, Gérard Chapuis đưa ra mấy chứng cứ như sau:

1. Thể loại album chất lượng gần như hoàn hảo này chưa có mặt trên thị trường Đông Dương thời đó. Thể loại sơn màu nước cần những dụng cụ như giấy hạt có hồ đặc biệt còn gọi là giấy cho màu nước, thường là màu trắng hoặc ngà, nhất thiết phải là giấy dày, và khi giấy được đóng thành album, trở thành sản phẩm dành cho người chơi nghệ thuật chuyên nghiệp, điều đó chứng tỏ họ không phải là người nghiệp dư.

2. Kỹ thuật dùng sắc tố màu nghiền nát trong nước có hồ trở thành sơn màu nước để dùng trên giấy khô hoặc thấm ướt chưa thông dụng trên đất Đông Dương mà du nhập từ Pháp sau khi có phát minh ống sơn mềm giữa thế kỷ 19. Sự gọn gàng của các thiết bị và vật phẩm cũng như khả năng làm việc kỹ thuật nhanh chóng ngoài trời chưa vào thói quen và nền nếp của người Việt thời đó.

3. Những tranh màu nước vẽ trong album trên giấy khô thể hiện sự làm việc phù hợp ở hiện trường để thu thập tài liệu sống như một cách bù đắp vật liệu nhiếp ảnh hiếm hoi trong những năm 1900.

4. Một vài lời dẫn giải được ghi chú bằng song ngữ Việt - Pháp: Bán hương (encens), Bán bánh tráng (Crêpe), Thầy bói (Devin)… Những lời dẫn giải thường không có dấu và chắc chắn đến từ người không thông thuộc văn hóa địa phương.

5. Một vài nghề bán dạo đã không còn nữa vào thập kỷ 1930-1940, cho phép chúng ta đánh giá tranh màu nước này được hình thành vào những năm đầu thế kỷ 20. Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy người bán dạo vàng? Phải chăng đây là sự hiểu sai lệch của tác giả, mà chỉ là một người bán “vàng mã” dạo. Một vài nghề bán dạo khác được ghi chú với những từ ngữ lỗi thời: “Thợ phán”, thay vì “Thợ đan lát”...

6. Một vài tranh màu nước được ghi chú bằng chữ quốc ngữ sai văn phạm người địa phương như: “Buôn bán cái chiếu” thay vì bán chiếu,  “Việc cấy lúa” thay vì cấy lúa, “Bán con trâu” thay vì bán trâu hay có lỗi chính tả...

Tham khảo nhận định ban đầu của một số họa sĩ chuyên môn trong nước, sau khi xem tranh, nhiều người cho rằng bộ tranh này gần gũi với bộ tranh mộc bản của Henri Oger. Về màu sắc và tạo hình chưa hẳn là chuyên nghiệp. Tuy nhiên, về chất giấy, loại giấy… thì đúng là loại thường dùng cho tranh vẽ để dùng màu nước vào thời kỳ đó. Và nếu thực sự những nhận định nêu trên thật sự đúng với album ký họa này, thì đây là một bộ sưu tập mỹ thuật có ý nghĩa quan trọng bị thất lạc và lãng quên vừa được tìm thấy. Bởi nó không chỉ bổ sung cho lịch sử ra đời nghệ thuật tranh màu nước tại Việt Nam, mà còn giúp chúng ta tìm hiểu thêm những nghề nghiệp gần như đã mai một của người An Nam thời đầu thế kỷ 20. Chúng tôi đưa thông tin này nhằm hy vọng có thêm những góp ý bổ sung từ bạn đọc và các nhà chuyên môn.

TRẦN TRUNG SÁNG

TRẦN TRUNG SÁNG