Bảo tồn văn hóa dân gian

THANH VÂN 14/05/2017 10:13

Quảng Nam đã có nhiều chủ trương đầu tư cho văn hóa nhằm nâng mức hưởng thụ văn hóa tinh thần trong nhân dân, đồng thời phát huy các loại hình văn hóa dân gian (VHDG) để phát triển du lịch. Tuy vậy, trước làn sóng hiện đại hóa, công tác bảo tồn, phát huy giá trị VHDG đang đối mặt với nhiều thách thức.

Kết quả khả quan

Hai mươi năm qua, với sự nỗ lực của ngành văn hóa và các ngành có liên quan, nhiều công trình sách về VHDG của Quảng nam đã được xuất bản. Nhiều đề tài khoa học thuộc chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ VH-TT&DL về bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể cũng được thực hiện như: Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu, Tổng quan văn hóa phi vật thể tỉnh Quảng Nam, Âm nhạc của đồng bào bốn dân tộc; Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ-triêng, Co, Không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số, Điều tra, sưu tầm, nghiên cứu các làng nghề truyền thống…

Trò chơi dân gian Hô hát bài chòi. Ảnh: T.VÂN
Trò chơi dân gian Hô hát bài chòi. Ảnh: T.VÂN

Nhiều hoạt động điều tra, sưu tầm văn hóa phi vật thể, khôi phục các lễ hội và các làng nghề truyền thống, nghệ thuật dân ca, dân vũ, hoàn thành hệ thống chữ viết của các dân tộc Cơ Tu, Ca Dong, Xê Đăng và bộ chữ viết của người Co đang được hoàn thiện. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác điều tra, sưu tầm, biên soạn sách và các công trình về bảo tồn vốn VHDG xứ Quảng như: Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành, Thăng Bình, Đại Lộc… Riêng TP.Hội An phát huy tốt các giá trị di sản như phố cổ, các nghề - làng nghề truyền thống, các lễ hội nghề nghiệp, tôn giáo, các hoạt động trình diễn dân gian (hô hát bài chòi, hò khoan đối đáp, hát bả trạo, hát bội, múa rồng - lân, sư tử…), tiếng nói, ngữ văn dân gian, tri thức dân gian... Thông qua các hoạt động du lịch, các giá trị VHDG đã được giới thiệu rộng rãi với du khách trong và ngoài nước. Ông Tống Quốc Hưng - Phó Trưởng phòng VH-TT Hội An - cho biết: “Để bảo tồn và phát huy các loại hình VHDG, thời gian qua các ngành chức năng quan tâm việc nghiên cứu, tuyên truyền các giá trị VHDG trong đời sống cộng đồng. Và thực tế cho thấy, Hội An đã phát huy khá tốt vốn VHDG của cộng đồng cư dân phố cổ để phát triển du lịch”.

Còn đối với Duy Xuyên, bà Lưu Thị Hiền Phương, Trưởng phòng VH-TT huyện cho hay, phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy các lễ hội dân gian truyền thống, chú trọng công tác sưu tầm những làn điệu dân ca, hò vè, ca dao, tục ngữ còn lưu truyền trong dân gian để xuất bản sách. Đồng thời phối hợp với Phòng GD&ĐT và các địa phương đưa chương trình dạy hát dân ca, nghệ thuật tuồng vào trường học; Khôi phục được các đội hát sắc bùa, hô hát bài chòi… Tại các huyện, thành phố khác, nhiều lễ hội, nghệ thuật truyền thống cũng được bảo tồn, khôi phục, qua đó các giá trị VHDG trong cộng đồng được phát huy hiệu quả.

Ở 54 xã xây dựng nông thôn mới, đã có 54 CLB Đàn và hát dân ca được thành lập, hoạt động thường xuyên. Điều này minh chứng cho sức sống của VHDG trong đời sống người dân ở các địa phương, bởi đó chính là hơi thở, là loại hình nghệ thuật không thể thiếu phục vụ đời sống tinh thần. Việc đãi ngộ các nghệ nhân có nhiều đóng góp xuất sắc cũng đã được chú trọng. Nhiều nghệ nhân làng nghề đã được phong tặng danh hiệu cao quý, có 2 người được phong Nghệ nhân nhân dân.

Và những trăn trở

Trong quá trình phát triển, bên cạnh thành tựu thì Quảng Nam cũng đối mặt với những thách thức đối với sự phá vỡ kiến trúc, không gian văn hóa làng truyền thống, trong đó có VHDG. Sự thay đổi mô hình làng, bản ở nông thôn, miền biển và miền núi đã làm cho không gian sinh tồn của VHDG bị mất dần trong đời sống.

Ở miền núi, cộng đồng các dân tộc thiểu số đang đối mặt với không ít thách thức khi văn hóa truyền thống có nguy cơ phai nhạt và sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai. Trong cộng đồng người Cơ Tu hiện nay nhiều lễ hội cũng bị biến dạng, phong tục tập quán đang mất dần, trang phục, kiến trúc, âm nhạc truyền thống mai một; lớp trẻ không còn thích đánh cồng chiêng, không thích nói lý, hát lý… Ông Briu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang nhìn nhận: “Để bảo tồn vốn VHDG phải bảo tồn văn hóa làng - đây là chiếc nôi văn hóa cần được gìn giữ. Đảng và Nhà nước cần có chủ trương để bảo tồn không gian văn hóa làng, bản của các tộc người thiểu số bằng những việc làm cụ thể. Ở mỗi thôn, bản cần phát triển 2 - 3 đội văn nghệ. Chính lực lượng này mới khơi dậy vốn VHDG một cách mạnh mẽ và hiệu quả nhất. Mặt khác, cần có chính sách đãi ngộ đội ngũ già làng, trưởng bản, và nghệ nhân, họ là lực lượng truyền lửa hữu hiệu ở các làng, bản hiện nay”.

Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, VHDG gắn với lịch sử lâu đời của dân tộc, là nguồn sản sinh và nuôi dưỡng văn hóa dân tộc. Từ xa xưa, Quảng Nam đã là vùng đất mở, trong quá trình giao lưu, hội nhập, bên cạnh việc gìn giữ, lưu truyền các giá trị VHDG, cha ông ta đã biết chọn lọc và tiếp thu những giá trị văn hóa của nhiều dân tộc trong và ngoài nước, từ đó đã hình thành nên bản sắc văn hóa Quảng Nam. Ngày nay, trước xu hướng toàn cầu hóa, UNESCO đã cảnh báo: Toàn cầu hóa có thể gây phương hại tới tính sáng tạo và đa văn hóa của thế giới, tạo ra sự đồng nhất nghèo nàn về văn hóa. Trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị VHDG, nếu chỉ khư khư giữ lấy cái vốn cổ truyền mà không biết tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại thì nền văn hóa đó sẽ không phát triển.  “Thế nên, trên cơ sở lấy bản sắc văn hóa của mình làm gốc, chúng ta phải biết tiếp thu các giá trị văn hóa tốt đẹp khác để làm phong phú VHDG xứ Quảng, làm cho văn hóa Quảng Nam ngày càng phát triển” - ông Hồ Xuân Tịnh nói.

Cùng với văn hóa hiện đại, VHDG có sức lan tỏa rất lớn, nó tồn tại và phát triển thông qua sự làm mới của những nhà làm nghệ thuật để tương thích với dòng chảy cuộc sống đương đại. Nên chăng, cần một kế hoạch tổng điều tra, nghiên cứu, thống kê, đánh giá và đề xuất giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy đúng mức vốn VHDG nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

THANH VÂN

THANH VÂN