Người đi vong

PHÙNG TẤN ĐÔNG 13/05/2017 10:13

Một nhà sư yêu tiếng Quảng - tất nhiên là người Quảng Nam - thỉnh thoảng lại hồ hởi khi được nghe thêm một “chữ dùng” đã cũ mà như mới vì lâu nay ít ai còn sử dụng. Theo người viết bài này thì ngôn ngữ có quy luật sàng lọc và dung nạp riêng của nó, có những từ (hay chữ) mất đi, phôi phai theo thời gian, có những từ mới được tân tạo hay được du nhập từ nước ngoài vào qua con đường phiên dịch, qua giao lưu ngôn ngữ. Cũng chính vì thế mà cách đôi ba năm cần phải có những cuốn sách bổ cứu thêm những từ mới trong kho từ vựng kể cả từ tiếng lóng. Cách đây chừng chục năm chẳng hạn, chẳng một ai có thể hiểu kiểu nói hàm ngôn như: đứng hình, đụng hàng, dìm hàng, chảnh, sang chảnh hay một số thành ngữ mới kiểu sát thủ đầu mưng mủ, chơi không sợ mưa rơi, buồn như con chuồn chuồn, nhục như con cá nục… như hiện tại.

Nhà sư trên đoan chắc là từ “đi vong” chỉ có trong tiếng Quảng (phương ngữ Quảng Nam) vì chẳng thấy nơi mô nói như rứa. Thôi thì tạm chấp nhận như vậy vì trọng thị. Về nằm nghĩ - “bạn về nằm nghĩ gác tay” như câu ca dao xứ Quảng chứ không “nằm nghỉ” - thì hóa ra lâu nay người Quảng chẳng ai nói “đi vong” nữa rồi...

Cách đây chừng vài mươi năm, làng nào cũng có người đi vong. Mẹ tôi nói “đi vong” nghĩa là đi để quên, người ta đi để trước tiên là mình “tự quên mình” đi, sau mới để cha mẹ, họ hàng, làng trên xóm dưới “họ quên mình” đi, coi như mình  chưa từng có mặt trên đời, coi như “đứa trôi sông lạc chợ” hay “đứa nhỏ đứt tao nôi”... Nhà nào có người đi vong cũng buồn như có đám. Thường thì vì cha mẹ cấm ngăn duyên phận, buồn quá bèn cùng với nhân tình đi tìm đất hứa để mưu cầu hạnh phúc. Rồi có kẻ nông nổi nhất thời hồ đồ chỉ vì một lời la mắng hay trận đòn roi của những bậc sinh thành, giận phận bỏ nhà ra đi - “vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh” (dù chưa đến mức tự hủy hoại tấm thân như nàng Quỳnh Như của Phạm Thái trong bài “Văn tế Trương Quỳnh Như”)… Nhiều người bỏ đi vong do hoàn cảnh đói nghèo hay tình duyên lỡ dở, cũng có người chán chồng, chán vợ mà không dám ra tòa hủy hôn nên đánh bài chuồn bằng nước cờ cao “ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn”…

Người Quảng không gọi người đi trốn nợ, trốn lính là đi vong, họ gọi rõ là đi trốn nợ, là chạy làng, trốn lính… Nói như rứa để thấy người đi vong mà không “vong” tí nào trong lòng người ở lại. Ôi có đi vong mới  thấy ông Nguyễn Bính tài tình “mẹ cha thời nhớ thương mình/mình đi mình nhớ người tình xa xôi”. Có người cha, người mẹ cả đời hao mòn vì thương nhớ đứa con đi vong, có người không trụ được qua năm mười cái tết. Cũng có người đi vong ăn năn sám hối, hồi tâm chuyển ý mà quay về. Vui quá hóa cuồng có người cha người mẹ chết vì vỡ tim do mừng vui quá thể…

Đi vong, lại nhớ thơ Nguyễn Bính: “chị giờ sống cũng bằng không/ coi như chị đã sang sông đắm đò” (Lỡ bước sang ngang). Một thời làng xóm còn nghèo khổ, chiến tranh, tư tưởng con người còn cổ hủ, đàn con nhỏ lớn lên thì “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, biết đâu có đứa đi vong. Mẹ cha cứ dặn, có giận chi cha với mẹ thì nói ra trớt con hỉ, đừng có dại mà bỏ nhà đi vong.

Có người đi vong trở về càng thương cha thương mẹ, làm quần quật để bù đắp những năm tháng đi vong, gọi là báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục

Có người đi vong bao nhiêu năm trở về chỉ để tranh chấp với anh chị em ruột căn nhà thừa tự cha mẹ để lại mà trong căn nhà đó mình đã sớm bỏ đi vong, mình chưa báo đáp công ơn cha mẹ một ngày

Lại có người bao nhiêu năm câm lặng, cha mất rồi mẹ mất, chẳng thắp  được cho cha cho mẹ một nén hương, mà khi còn sống, cha mẹ chưa từng nặng nhẹ với mình một lời nào. Có thể “đi để quên” một hình một bóng mình yêu thương sâu nặng - để rồi mình lại “quên” ơn nghĩa sinh thành, được chăng?

PHÙNG TẤN ĐÔNG

PHÙNG TẤN ĐÔNG