Điện Bàn: Nhạt nhòa nghệ thuật tuồng
(QNO) - Từng có một thời vang bóng và là một trong những địa phương nổi tiếng nhất trong tỉnh về hát tuồng, thế nhưng giờ đây tại Điện Bàn nguy cơ mai một loại hình nghệ thuật đặc sắc này đang hiển hiện bởi xu thế của thời cuộc.
Vọng thuở hoàng kim
Hát bội hay còn được gọi là tuồng, người được xem ông tổ của nghệ thuật tuồng xứ Quảng chính là Nguyễn Hiển Dĩnh (1853-1926) quê ở làng An Quán, nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn. Dù là quan đại thần dưới thời Nguyễn nhưng ông lại rất ngông và đam mê hát bội, nổi tiếng qua câu nói: “Tiến vi quan, thoái vi bầu gánh”, nghĩa là gặp thời thì làm quan, không thì lui về tạo dựng, quản lý gánh hát bội chứ không ham hố công danh, danh vọng với đời.
Một cảnh tuồng trong vở Đào Phi Phụng được lưu lại tại Bảo tàng Điện Bàn. Ảnh: H.S |
Sau khi từ quan, vào năm 1913, cụ Nguyễn Hiển Dĩnh đã dựng một rạp hát quy mô giữa làng An Quán quê ông, tuyển diễn viên ở các huyện, có trang phục, đạo cụ hẳn hoi cộng với việc tổ chức bán vé cho dân làng mua vào xem. Các quan tỉnh và phủ huyện rất hay ghé để xem, đêm nào đêm nấy dân làng cổ vũ chật ních rất náo nhiệt. Từ đó, dần dà tuồng đã len lỏi và trở thành một trong những loại hình nghệ thuật phổ biến và rất được yêu thích ở xứ Quảng.
Tiếp nối di sản và tâm huyết mà cụ Nguyễn Hiển Dĩnh để lại, những người con của quê hương Điện Bàn như các nghệ nhân: Tống Phước Phổ (1902-1991), Nguyễn Lai tức Sáu Lai (1902-1982), Nguyễn Phẩm tức Chánh Phẩm (1900-1990) hay Nguyễn Nho Túy tức Đội Tảo (1897-1977) đã đưa nghệ thuật tuồng đi xuyên suốt qua những biến cố của đất nước trong thế kỷ XX. Họ đều được phong là nghệ sĩ nhân dân. Đáng ngưỡng mộ hơn, cụ Tống Phước Phổ còn được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật bởi những đóng góp lớn lao trong việc soạn tuồng.
Sau ngày đất nước thống nhất, mặc cho bộn bề khó khăn của cuộc sống, những nghệ nhân tâm huyết với tuồng vẫn cố gắng bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Ông Nguyễn Tấn Khuê, còn gọi là Hai Khuê năm nay 80 tuổi (thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương) cho biết: “Từ khi còn nhỏ tôi đã được xem, tiếp xúc nhiều với tuồng và đến với nó như cái duyên, tôi đã bắt đầu đi diễn từ trước ngày giải phóng. Tôi diễn đến khoảng năm 1996, 1997 thì nghỉ bởi sức khỏe không cho phép và nghề cũng không đủ nuôi nổi cuộc sống còn đang lam lũ, thiếu thốn đủ bề”.
Nhạc cụ tuồng được lưu giữ tại Bảo tàng Điện Bàn. Ảnh: H.S |
Ông Khuê bồi hồi nhớ lại, ngày đó trong xã Điện Phương chỉ tính riêng những người hát chính đã lên tới 16, 17 người. Đoàn tuồng trong xã được mời đi diễn ở nhiều nơi trong tỉnh như Điện Nam, Cẩm Hà, Quế Sơn… Có khi đi diễn liên tục 5-7 đêm vẫn còn được mời ở lại để diễn tiếp bởi nhu cầu người xem rất lớn. Lúc đó, tiền thù lao một đêm diễn cho kép chính như ông chỉ chừng 1.700 - 1.800 đồng nhưng ông và các bạn diễn vẫn rất gắn bó với nghề và xem nó như cái duyên, cái nghiệp.
Phai phôi hiện tại
Đi tìm dấu tích còn sót lại của loại hình nghệ thuật từng hoạt động rất sôi nổi tại Điện Bàn, ông Trần Tâm - cán bộ phụ trách VH-TT xã Điện Phương cho biết: “Qua thời gian, hiện những người hát tuồng ở địa phương đã dần bỏ nghề hết, họ chuyển sang đủ việc để mưu sinh cuộc sống như bán kem, hớt tóc… Người duy nhất còn theo hoạt động này là bà Nguyễn Thị Hồng (hậu duệ của cụ Nguyễn Hiển Dĩnh) đã chuyển vào Duy Xuyên ở hẳn để theo nghề”.
Tại xã Điện Minh (thị xã Điện Bàn) một thời cũng có đội hát bán chuyên nghiệp với 6-7 kép chính nhưng cũng đã tan rã. Ông Nguyễn Ngọc Sơn (thôn Trung Phú 1, xã Điện Minh) trầm ngâm bộc bạch: “Hai chục năm nay họ nghỉ hết rồi, thu nhập từ nghề không đủ sống, nghệ thuật tuồng thì khó cảm thụ nên người xem lưa thưa, âu cũng là do thời cuộc cả. Bây giờ những người đó đã chết hoặc sống cũng trên 80 tuổi, thế hệ kế cận thì không có ai, những người trẻ hơn thì chuyển sang hát cải lương hoặc dân ca phong trào hết”.
Ông Khuê đã bỏ tuồng từ lâu để mưu sinh cuộc sống, còn các học trò của ông cũng chỉ biết làm ông tổng hát trong các đám ma chay. Ảnh: H.S |
Ông Sơn cho biết thêm, tại thôn Đồng Hạnh (xã Điện Minh) vài năm trước cứ ra Tết Nguyên đán, một số người cựu chiến binh già do quá ham tuồng nên cất công bỏ ra 10-15 triệu đồng thuê những đội tuồng ở Đà Nẵng vào diễn để thưởng thức, thỏa đam mê món nghệ thuật này.
Theo ông Hai Khuê, cách đây khoảng 5 năm, cán bộ ở huyện về thuyết phục ông ra hướng dẫn những học viên kỹ năng cơ bản của nghệ thuật tuồng nhằm bảo tồn và khôi phục nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Rất tiếc, dạo đó ông đang bị ốm và không còn đủ sức để hướng dẫn nên đành từ chối, mặc dù tâm huyết trong ông là rất lớn. Sau khi ông Khuê bất lực thoái lui, cũng từ dạo đó hầu như không còn ai ở địa phương nhắc đến tuồng nữa. Cũng theo lời ông Khuê, nhiều học trò từng được ông hướng dẫn năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng chỉ biết làm ông tổng hát trong các đám ma chay dù rất tâm huyết với tuồng.
Bà Lương Thị Mỹ Linh - Phó Trưởng phòng VH-TT thị xã Điện Bàn cho biết, trên địa bàn thị xã những người theo nghệ thuật tuồng chỉ còn hoạt động manh mún, tự phát và đã mai một đi rất nhiều. Vài năm qua đơn vị đang tập trung bảo tồn nghệ thuật hát bả trạo, còn tuồng vẫn chưa duyệt đề án cũng như chưa vận động được nguồn kinh phí để khôi phục và phát huy loại hình nghệ thuật này.
HÀ SẤU