Mộ cử nhân Nguyễn Hữu Quân được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh
Ngày 1.5, xã Đại An (Đại Lộc) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh mộ cử nhân Nguyễn Hữu Quân. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Chín.
Cụ Nguyễn Hữu Quân (tức Duân), tự là Trúc Hiên (sinh năm Bính Thân - 1836), người thôn Phúc An, thường gọi là Phước Yên, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn (nay là thôn Phước Yên, xã Đại An, Đại Lộc). Cụ xuất thân trong gia đình có truyền thống hiếu học và nền nếp, đỗ cử nhân khoa Đinh Mão tại Trường Thừa Thiên - Huế, năm Tự Đức thứ 20 (1867). Năm 1868, cụ được Bộ Lại đề tấu lên vua Tự Đức phê chuẩn vào ngạch Huấn đạo, làm Giáo thụ phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; về sau làm Giáo thụ phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, đồng thời giữ chức quyền Nhiếp phủ vụ phủ Nam Sách. Đêm 26 tháng Giêng, năm Tự Đức thứ 25 (1872), giặc Tàu Ô dùng hơn 90 chiến thuyền với 1.300 tên cướp phá phủ thành Nam Sách (Hải Dương). Trận này, quân ta chỉ vỏn vẹn có 600 người mà quá nửa là quân mộ dũng chứ không phải là phiên chế cơ đội chính quy. Tuy là quan văn song Giáo thụ kiêm Nhiếp biện công vụ phủ Nam Sách Nguyễn Hữu Quân vẫn đích thân chỉ huy binh lính giữ thành, đánh trả quyết liệt. Khi bị sa vào tay giặc, cụ đã lớn tiếng mắng chửi quân giặc cho tới khi bị chúng giết. Cùng tuẫn nạn với cụ còn có người em ruột của cụ là Nguyễn Văn Bốn.
Trước tấm gương trung nghĩa của cụ, vua Tự Đức đã truy tặng cụ thực thụ chức Giáo thụ và gia tặng là “Phụng thành Đại phu, Hàn lâm viện Thị giảng”, tên Thụy là “Đoan Thận”, được liệt thờ vào Trung Nghĩa Từ tại Kinh đô Huế. Với sự giúp đỡ của Bộ Lễ và quan chức các địa phương, hài cốt cụ được bà Phan Thị Tú (người làng Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa) đưa từ Nam Sách, Hải Dương về yên nghỉ tại quê nhà. Từ năm 1950, phần mộ của hai cụ Nguyễn Hữu Quân và Phan Thị Tú được cải táng tại làng Phú Thuận, xã Đại Thắng, Đại Lộc; ngày 4.5.2003, được quy tập về nghĩa trang thôn Ái Mỹ, xã Đại An.
HOÀNG LIÊN