Nghĩ về không gian công cộng
Không gian công cộng là không gian phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người. Hiện nay, không gian công cộng được hiểu là không gian vật thể như quảng trường, công viên, vườn hoa công cộng, đường phố, khuôn viên nhà văn hóa, sân vườn các di tích kiến trúc văn hóa - tín ngưỡng... Những không gian vật thể này còn được hiểu ngầm đó là những “công trình, khu vực được chính phủ thay mặt người dân sở hữu, bao gồm rất nhiều không gian như đường phố công cộng, vỉa hè, công viên và thư viện công cộng, đây là nơi mở cửa cho tất cả người dân sử dụng” (Michael Di Gregorio). Trong thời internet, không gian công cộng còn được hiểu là không gian “phi vật thể” như các diễn đàn trên internet, các trang blog, các trang mạng xã hội hay các cuộc đối thoại, tranh luận trực tuyến…
![]() |
Trẻ em vui chơi ở Quảng trường 24.3 TP. Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Như vậy, sự hình thành, phát triển và thay đổi của không gian công cộng phụ thuộc vào sự phát triển và đặc điểm của đời sống công cộng, vốn không giống nhau giữa các nền văn hóa khác nhau và ở các thời điểm khác nhau
Trong lịch sử các cộng đồng làng xã ở nước ta, đình làng - trước khi thờ “Thành hoàng bổn thổ” (hay “bổn xứ”), thờ các bậc tiền hiền có công tích lập làng - thì có vai trò là “đình trạm” - chỗ dừng nghỉ, hàn huyên, gặp gỡ, tiễn đưa của khách và người làng, như câu thơ “tiễn đưa chén rượu trường đình” (đình có hai loại: trường đình và đoản đình, căn cứ quy mô chiều ngang của kiến trúc mà xếp loại). Ca dao xưa nhắc đến “không gian công cộng” quen thuộc của người làng trong nỗi niềm hoài nhớ cố lý, cố hương: “Anh đi anh nhớ quê mình/ Dòng sông, bến nước, mái đình, cây đa”. Khi có đô thị thì nhu cầu về không gian công cộng càng được cộng đồng chú trọng. Với thị dân thì “bản chất của đô thị là nơi tập trung các cơ hội giao tiếp”. Một đô thị không thể không có các quảng trường rộng lớn để công chúng tụ tập nhân các sự kiện xã hội, văn hóa, chính trị quan trọng. Trong hoạt động trao đổi hàng hóa, khác với những phiên chợ quê ở làng vốn quy mô nhỏ, không thường xuyên, ở đô thị cần có những khu chợ lớn, có bến thuyền, khu để xe, khu để hàng, kho bãi… và các hoạt động diễn ra thường xuyên liên tục. Thị dân vốn “nêm chặt” cuộc sống trong các nhà hộp, văn phòng, chung cư… vì vậy cần có các công viên, hoa viên, hồ nước, vỉa hè thoáng rộng, sân vận động, nhà thể thao… để trước hết thị dân “thở” với không gian xanh, sống với thiên nhiên và để cơ thể vận động. Một nhà đô thị học từng cho rằng: “Điều gì làm nên một thành phố năng động và là một địa điểm thú vị. Đó là sự đa dạng (nhiều loại) và mật độ (số lượng nhiều trong một không gian nhỏ) của sự trao đổi (giao tiếp) - sự trải nghiệm con người” (Engwicht, 1999). Những đô thị văn minh còn được vinh danh là những thành phố đọc sách với các thư viện công cộng đặt trên hè phố, trong các công viên, các vườn hoa thậm chí trong các nhà vệ sinh công cộng.
Nhìn lại các đô thị ở tỉnh ta, dường như bất cứ một khu phố nào, thành phố nào cũng đều có những không gian công cộng thiết yếu như quảng trường (Hội An có quảng trường Sông Hoài, Tam Kỳ có quảng trường 24/3, khu quảng trường trước tượng Mẹ Việt Nam anh hùng), công viên, các khu vui chơi, giải trí, các hoa viên nhỏ bên các đường phố, chưa kể đến các nhà văn hóa phường, khối phố, sân các di tích kiến trúc văn hóa - tín ngưỡng... Thế nhưng tình trạng kiến tạo không gian công cộng trong thực tế thường là được kế thừa các không gian công cộng truyền thống chứ phần lớn chưa được chính quyền đô thị đưa vào quy hoạch căn bản, lâu dài. Việc kiến tạo các không gian công cộng vẫn chủ yếu do tự phát - nhất là ở các khu đang đô thị hóa. Một số khu vực sau khi chỉnh trang đô thị đã tạo những không gian công cộng khá đẹp, đúng nghĩa xanh - sạch - đẹp, như khu phố chợ Điện Ngọc với khuôn viên tượng đài “Dũng sĩ Điện Ngọc” (Điện Bàn); các khuôn viên, bồn cảnh cây xanh ở khu phố chợ Nam Phước (Duy Xuyên); các khuôn viên bồn cảnh ở khu vực An Bàng (Cẩm An - Hội An); khu quy hoạch công viên biển Cửa Đại (Hội An)… Thị xã Điện Bàn vẫn chưa có một quảng trường đúng chuẩn so với các thành phố trong tỉnh và việc tạo những không gian công cộng phù hợp với mật độ dân số vẫn còn bỏ ngỏ, nhất là những khu vực nông thôn lên phố ở các phường phía đông. Mặt khác, do nhu cầu thương mại, xã hội, nhiều không gian công cộng cũng đang bị chiếm dụng như vỉa hè, các khuôn viên, các góc đường… hoặc cộng đồng không tạo cơ hội để phục hồi các hoạt động văn hóa - xã hội ở không gian công cộng như khuôn viên các di tích, các tượng đài…
Sự thiếu hụt không gian công cộng ở các đô thị hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong có có một thực tế là quỹ đất dành cho đô thị ngày càng hạn hẹp, nhưng không thể không xuất phát từ việc quản lý đô thị. Trong quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện nay, không gian công cộng chưa được chính thức định nghĩa hay gọi tên; các khu công viên, vườn hoa đô thị chỉ được định danh là các “khu chức năng” thiên về không gian sinh cảnh hơn là không gian công cộng mang tính chất xã hội. Theo kiến trúc sư - PGS-TS. Phạm Thúy Loan: “Xem xét trên góc độ quản lý nhà nước, không gian công cộng chưa được chính thức định nghĩa, đề cập hay quy định cụ thể gì trong hiến pháp, pháp luật nói chung và các quy chuẩn, quy phạm kỹ thuật về quy hoạch kiến trúc nói riêng”. Không gian công cộng cũng không chỉ bó hẹp trong nghĩa “không gian dạo chơi thư giãn” mà đúng nghĩa là không gian giao tiếp giữa người với người trong những hành vi giao tiếp, từ những không gian nhỏ như quán cà phê, quán trà, vỉa hè hay chỗ nghỉ chân có bóng mát… cho đến những quảng trường đông đúc, những sân vận động lớn…
Thế giới đã có bước chuyển từ tư duy thiết kế những không gian đô thị vật chất cố định với các chức năng cụ thể, được thiết kế có chủ đích sang tư duy kiến tạo nơi chốn (place-making) để huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa trong cộng đồng. Cuộc sống sẽ tốt hơn khi con người được sống trong những nơi chốn yêu thích…
PHÙNG TẤN ĐÔNG