Sơn Thu - "Tác giả thơ cống hiến"
Ở ngưỡng tuổi bát tuần, nhà thơ Sơn Thu vẫn miệt mài sáng tác để cống hiến cho bạn đọc. Ông vừa xuất bản tập tuyển “Sơn Thu - thơ và tản văn” như sự tụ hội cái tình chắt chiu về quê hương cố xứ sau quá nửa phần đời lưu lạc, làm thơ - làm lính. Tập sách dày 780 trang, bìa cứng, trình bày công phu mỹ thuật, do NXB Hội Nhà văn ấn hành (tháng 1.2017).
Ông tên thật là Lương Thanh Liêm, sinh năm 1942 tại làng Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Cuộc đời nhiều phiêu bạt ngay từ tấm bé, nhưng Sơn Thu tự nhận mình là người hạnh phúc. Hạnh phúc bởi trải qua hết cuộc chiến tranh khốc liệt, ông trở về vẫn còn nguyên vẹn và dào dạt hồn thơ. Hạnh phúc hơn nữa là bởi trong ông vẫn còn khắc tạc đủ đầy hình ảnh quê nhà Quảng Nam, cho dù cách xa từ thuở nhỏ. Trong 20 tập thơ, văn in riêng của Sơn Thu, dấu ấn đậm đặc nhất vẫn là tình yêu và nỗi đau đáu về vùng đất Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, Tam Kỳ, Củ Chi… trong và sau chiến tranh.
Phong cảnh làng quê Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Với Sơn Thu, sáng tác là sự mách bảo của con tim với quê hương, gia đình, đồng đội. Ông không mưu cầu trở thành nhà thơ hay nhà văn, cho dù quá nửa cuộc đời đi và viết. Có lẽ vì thế, năm 2016, Viện Khoa học phát triển nhân lực kinh tế và văn hóa đã trao tặng Sơn Thu danh hiệu “Tác giả thơ cống hiến”… Riêng tập tuyển thơ và tản văn mới này, có thể gọi là những dòng hồi ức cuộc đời, ký thác văn chương của một người con xứ Quảng. Tập sách khá dày, chia làm 3 phần: Phần I: Sóng Đời; phần II: Nẻo Tình (gồm các thể dạng thơ). Phần III: Hồi ức thời áo lính (Tản văn). Ngay phần mở đầu, người đọc có thể nghe được khúc vọng âm trong chuyến “Tàu đêm quê”: “Tiếng lòng hay tiếng đường rây/Vọng âm hồi ức những ngày ấu thơ…”. Tiếng vọng ấy lúc dạt dào, lúc nhói đau và có sức lan tỏa từ thơ cho đến tản văn của Sơn Thu. Mỗi bài thơ dẫu ngắn hay dài đều hiển lộ rõ địa danh, con người của xứ sở “chưa mưa đà thấm”. Thơ Sơn Thu không cầu kỳ, tỉa tót mà đầy chất thô mộc, chân thành trong lời ăn tiếng nói của quê xứ: “Đá quê hương khắc thơ mình/ Dựng ngay trên đất Duy Trinh tơ tằm…” (Duyên thơ), hay “Giáp ranh Hòn Kẽm - Đá Dừng/Không gian rộng lớn ngập ngừng chơi vơi…” (Giáp ranh). Sơn Thu tuy chỉ “ký gửi” ở Tam Kỳ một đoạn đời học cấp II, nhưng có lẽ ông là người sớm phát hiện dòng sông biểu trưng của xứ đất này: “Rập rờn sóng gợn Trường Giang/Trăng non se lạnh ruột gan Núi Thành/Dang tay bắt nhịp duyên lành/Hai đầu sông nối ngọn ngành Biển Đông” (Trường Giang nối biển).
Bìa tuyển tập “Sơn Thu - thơ và tản văn”. |
Như có lần tác giả đã tâm sự: “Cả phần đời tuổi trẻ, mình chỉ biết làm thầy, làm lính, làm thơ...”. Và như duyên nghiệp, cuộc đời dù lưu lạc mười phương, hồn thơ Sơn Thu vẫn gắn với quê xưa, lối cũ. Có thể người thơ Sơn Thu ở quê nhà Quảng Nam còn ít người biết, nhưng chắc chắn từ rất lâu bạn đọc Quảng Nam đã nghe quen thuộc với câu thơ của Sơn Thu: “Tôi về vịn nửa câu thơ/ Vượt qua biển lớn hẹn giờ hợp long” (Vịn và nối).
Sơn Thu không chỉ làm thơ khá sung mãn mà còn viết nhiều thể văn khác. Trên diễn đàn văn chương, từ lâu mọi người cũng đã được đọc nhiều ký sự, truyện ngắn, tản văn của tác giả Sơn Thu. Còn ở phần “Hồi ức thời áo lính”, chúng ta nhận ra nhiều sự việc, con người hiện hữu, trong thời gian của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tác giả vừa là đối tượng vừa là chủ thể hữu hình qua từng trang văn, để gặp lại hoặc nhớ lại với đồng đội, đồng bào và cả người bên kia chiến tuyến. Đặc biệt trong phần này, tác giả dắt theo trong ba lô hành quân cái hồn tung tẩy của tuổi thơ nơi đất mẹ. Những trang viết: “Mẹ của tôi”, “Nỗi niềm xa xứ nhớ quê”, “Đồng hương - Đồng đội”, “Tết chiến khu”... là những trang trải lòng thấm thía của người con - người lính về mảnh đất sinh thành Quảng Nam.
NGÔ PHÚ THIỆN