Tháng Ba, khao lề thế lính Hoàng Sa
Tháng Ba (âm lịch), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tiếp chuỗi những tương giao đất - biển - trời trong màu nắng như bùng cháy. Mùa xôn xao, người chộn rộn, thăm thẳm những ưu tư. Ầu ơ, Hoàng Sa trời nước mênh mông…
Người dân Lý Sơn làm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN THỌ |
1. Chiếc tàu cao tốc cũ cập cảng Lý Sơn sau một tiếng đồng hồ oằn mình với sóng. Bước lên cầu cảng, nắng phả nóng phừng phừng vào mặt. Những mặt người trên đảo vẫn thế, đen sạm đến cháy, thườn thượt âu lo. Cây tỏi, loại nông sản được người ta gắn với huyện đảo này - “vương quốc tỏi”, năm nay không được mùa mấy, bù lại giá đang tương đối được. Nhưng thẳm sâu trong lòng người trồng tỏi là những tiếng thở dài trằn trọc. Họ sợ câu chuyện cũ sẽ được viết lại, là chỉ vài ba tháng nữa, giá tỏi khô sẽ bắt đầu lao dốc như mọi năm. “Vì sao?”. “Vì sợ tỏi giả”. Té ra, khách du lịch bây giờ… khôn hơn nhiều rồi. Đến Lý Sơn, nhưng họ có lý do để cảnh giác rằng tỏi mình mua chưa hẳn là tỏi Lý Sơn, dù nó giống tỏi… Lý Sơn y như đúc. Đó là chuyện chuyển tỏi từ nơi khác về, rồi gắn mác tỏi Lý Sơn để bán. Và, té ra nông dân Lý Sơn đã biết sợ tỏi giả rồi. Nhưng làm sao để dẹp thì họ chịu!
Ngày 12.4 vừa qua (nhằm ngày 16.3 âm lịch), người dân đảo Lý Sơn đã tề tựu về đình làng xã An Vĩnh để long trọng tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ này có truyền thống hàng trăm năm qua, nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã dong thuyền ra biển, bảo vệ và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa; đồng thời cũng là dịp họ mong tiền nhân phù hộ để mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, sức khỏe dồi dào. |
Lý Sơn bé trong lòng bàn tay. Vài năm gần đây đảo có vẻ trở nên chật chội, khi du khách rủ nhau đến nhiều. Đất nông nghiệp ngày càng bị cắt xén. Nên người ta làm cật lực, dường như không cho đất nghỉ. Hết hành đến tỏi. Hết tỏi đến hành. Thi thoảng luân canh để cải tạo đất. Nhưng chẳng nhằm nhò gì, cát trắng đang thiếu nghiêm trọng. Giải pháp, nói cả chục năm rồi, vẫn chưa có động thái gì khả quan. Nông dân Lý Sơn quan niệm, trồng hành là để ăn, còn tỏi là của để dành, vì tỏi phơi khô được. Mùa này những chiều, đôi khi nghĩ Lý Sơn có… tuyết, khi từ trên nóc nhà, người ta sàng, vỏ tỏi bay lã chã. Trữ tỏi đợi giá bán, như một cuộc đánh bạc, dù kiểu đánh bạc này hợp pháp, nhưng không tránh mẫu số chung đầy rủi ro. Và năm nay, trong cái hân hoan đang chớm, đâu đó đã thấy rủi ro đã hiện hữu.
2. Tháng Ba Lý Sơn. Mùa giao nhau, người tất tả mưu sinh. Vậy mà vẫn dành cho mình thời gian, để sửa sang mâm cúng hùng binh Hoàng Sa. “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng Ba có lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. Tiền nhân đi, như để về với Mẹ, không chút chùng lòng. Mẹ là biển, là hai dải cát vàng lóng lánh, là thương yêu kéo gần Hoàng Sa - Trường Sa về với đất liền. Từ bầu sữa Mẹ, những đứa con lọt lòng, thỏa mình trong ý chí kiên trung. Và đi. Để về với Mẹ. Mẹ dang đôi tay ôm trọn những ngôi mộ chiêu hồn. Mẹ sớt trên vai con những nỗi buồn, gọi là thoáng qua, nhưng mênh mông biển rộng...
Nhưng tôi cứ ôm nỗi băn khoăn rằng, là mộ gió, hay mộ chiêu hồn? Tôi tìm gặp ông Phạm Thoại Tuyền - nhà “Lý Sơn học”, ông cười, như xuề xòa cái nhầm lẫn của lớp trẻ. Bên gốc cây cảnh ông đặt cho cái tên lạ lẫm là “Chinh phụ Hoàng Sa”, ông từ tốn: “Mộ gió, là những ngôi mộ trống rỗng, không có gì. Đó là hệ quả của thói quen, cha ông trước đây thường “xí phần” đất để có chỗ cho thân xác về với đất sau hơi thở cuối cùng. Còn mộ chiêu hồn, là những ngôi mộ không có xác, chỉ có hình nhân bằng đất sét. Vậy mà chẳng hiểu sao, nhiều người vẫn nghĩ mộ chiêu hồn là mộ gió…”. Nhưng đó không là tất cả niềm hoang hoải của người làm hình nhân bằng đất sét - anh Võ Văn Nhành. Người đàn ông đương tuổi trung niên này đang đau đáu nỗi niềm mà người cha mất cách đây vài năm của anh từng mang: đi tìm truyền nhân!
Nghi lễ Tống thuyền, tiễn thuyền ra bến nước để đi Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN THỌ |
Đừng tưởng rằng, với đôi tay khéo léo, và trí óc sáng tạo, là có thể làm hình nhân. Từ cha, đến mình, anh Nhành không gọi đó là nghề, mà nghiệp. Nghiệp “bắt” cha con anh nối cõi tâm linh với người trần, mà chính xác là người đi biển, để giữ lại niềm tin sau những nỗi bi thương của cuộc đời. Tất cả, nói nôm na, là vận vào người một chữ “duyên”. Từ những nhánh dâu “cô đơn”, sợi chỉ, que tăm, than cây sầu đông…, đến cách làm, thời khắc, không thoát khỏi trục ngũ hành tương giao. Một năm, anh Nhành không muốn mình phải làm hình nhân nào, âu cũng là dễ hiểu. Nhưng vào tháng Ba, anh dành hết thời gian, tâm huyết để làm hình nhân tiền nhân cho ngày trọng đại: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
3. Trong cái âm hưởng tháng tri ân, tôi tìm đến nhà ông Võ Chú, cốt để nghe ông kể về “còi lệnh” mà những dịp lễ khao lề trước tôi quên béng hỏi thăm. Ông vừa đi rẫy về, rặt mùi lá tỏi khô. Dáng người nhỏ thó, đượm vẻ trầm mặc của biển, kiểu của buổi chiều mùa con nước rút để lộ từng mảng san hô. Còi lệnh mà tôi vừa nói, là theo lối văn vẻ, còn người Lý Sơn thì gọi tượng thanh hơn: ốc u. Chợt nhớ bà Đỗ Thị Hảo, người đàn bà hát ru Hoàng Sa: “Con ơi con ngủ cho ngay/ Để mẹ nấu cháo luộc rau cha dùng/ Ốc u đã thổi lên rồi/ Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/ Hoàng Sa là của nước ta…”. Trở về thực tại, ông Chú say mê kể tôi nghe chuyện ốc u, một loài ốc mà bao đời nay, người Lý Sơn dùng thanh âm của nó để truyền tải nội dung thông tin. “Nhưng sao lại là ốc u?”. “À, vì ốc này âm thanh to hơn, vang xa hơn. Mà thật ra, nó là một loại ốc gai, to hơn cả lòng bàn tay người lớn, ruột rỗng và xoắn. Lấy thịt ăn, chọt đít vỏ ốc, là thổi được...”.
Lý Sơn của tầm 5 năm trở về trước, thi thoảng trong đêm, nhất là gần vào vụ thu hoạch, tiếng ốc u trầm bổng khắp đất trời. Đó là tín hiệu cảnh báo đến những kẻ xấu đang có ý định xâm hại tài sản của người khác, rằng những người thực thi pháp luật đang hiện diện đâu đấy. Và nếu những kẻ này cố chấp, thì sau 3 tiếng u u u cùng một hồi dài, đã bị tóm gọn. Đó là tín hiệu báo có trộm. Suốt hàng trăm năm như thế, tiếng ốc u đã giữ cho Lý Sơn yên bình. Nhưng không nhiều người thổi được, một số người biết thổi thì lại thổi không tốt. “Tốt là tốt như thế nào?” - tôi hỏi. Tóm lời ông giải thích, thổi tốt nghĩa là âm đủ mạnh và chắc. Nhưng trên hết, là nghe được tiếng thổi là biết ai là chủ nhân.
Thật ra, tiếng ốc u vang sớm nhất trên biển, như cách ngư dân “nói chuyện” với nhau trong cảnh sóng gió ầm ầm. Đó cũng là “phương tiện” liên lạc của đội Hùng binh Hoàng Sa. Có một quy ước hẳn hoi: 9 tiếng, là gặp địch; 6 tiếng, là họp thuyền... Và đôi khi, tiếng ốc u như khúc ca bi tráng của người lính Hoàng Sa trên biển Mẹ. Còn trong lễ khao lề, đó là âm thanh mà lớp hậu bối thông báo cho tiền nhân, tất nhiên là trong cõi tâm linh, về trùng phùng trong tiết trời tháng Ba. Cái âm thanh này, là thanh âm mà người Lý Sơn ngóng đợi nhiều nhất trong buổi lễ, để rồi vỡ òa trong cảm xúc, niềm tưởng tiếc đến người xưa, người sau...
...Về Lý Sơn tháng Ba, tựa gốc dừa nghe tiếng ốc u trầm mặc; thoảng đâu đấy trong tiếng gió, những lời hát Hoàng Sa; nhìn những người đàn bà bên mép biển, mới biết vì sao biển mặn.
Bút ký của XUÂN THỌ