Con đường mỹ thuật xứ Quảng
Tin nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Văn Huy hợp tác cùng nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều để làm nên những sản phẩm nghệ thuật từ đồng, phần nào đó dậy lên niềm tin về một sự phát triển mới cho mỹ thuật Quảng Nam. Và hẳn, khi chạm vào con đường mỹ thuật của xứ Quảng, sẽ còn nghe nhiều hơn những điều tốt đẹp…
Người trẻ làm nên chuyện
Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy rất tin tưởng ở dự án dài hơi lần này của anh. Cùng với Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiển, Nguyễn Văn Huy mày mò tìm cách để đưa tác phẩm nghệ thuật từ đồng do nghệ nhân làng đúc Phước Kiều thực hiện, đến với số đông. Không chỉ là những sản phẩm truyền thống như thanh la, chiêng hay chuông, mà là tượng nghệ thuật, tượng danh nhân hay những sản phẩm nghệ thuật dành cho thể loại quà lưu niệm bỏ túi. Huy nói, hiện tại anh làm phần việc của một nhà “thiết kế”. Từ những mẫu mã do Huy phác thảo, có thể bằng đất sét hay nhựa composit, phường thợ đúc Phước Kiều sẽ chuyển tải lại bằng chất liệu đồng.
Họa sĩ tham gia trại sáng tác tại Tiên Phước. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Và đã có những tin vui từ sự hợp tác này. “Sắp tới chúng tôi sẽ sử dụng nhà truyền thống của làng đúc để làm điểm dừng chân, trong đó những tác phẩm của sự kết hợp sẽ là điểm nhấn chính trong trưng bày và kinh doanh. Cùng với đó, tại sân bay Đà Nẵng, Khu Di sản di tích Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cũng đã ưu ái dành cho chúng tôi một không gian để trưng bày và kinh doanh. Tôi tin rằng trong thời gian tới, nếu mọi thứ suôn sẻ thì sẽ tạo ra rất nhiều việc làm cho người làng đúc đồng Phước Kiều” - Nguyễn Văn Huy nói. Khi Huy bày tỏ niềm tin rất chắc chắn về dự án đã bắt đầu được hơn 1 năm của mình, thì chúng tôi cũng kịp nhìn ra một mỹ thuật Quảng Nam đang có những bước đi rất vững vàng, từ những người tuổi đời còn rất trẻ, như Nguyễn Văn Huy, Lê Đình Chinh, Lê Nguyên Chính, Trần Đức, hay Trầm Thị Trạch Oanh…
Hội An qua tranh của Nguyễn Hữu Đức - đang tạo nên nhiều cảm xúc với số đông người xem. |
Một lớp nghệ sĩ trẻ người Quảng Nam đang tạo nên bức tranh mỹ thuật Quảng Nam tươi tắn với những gam màu khá lạ. Nếu Lê Đình Chinh chọn cho mình con đường đi riêng biệt với hội họa bằng chất liệu sơn mài và những giá trị văn hóa truyền thống của Quảng Nam, Lê Nguyên Chính vẫn bền bỉ như những ngày đầu dạm chân vào hội họa bằng việc diễn tả lại những không gian sinh hoạt cổ truyền… thì Trầm Thị Trạch Oanh vẫn kiên định với con đường nghệ thuật đồ họa sắp đặt đầy tính sáng tạo. Họ đã mang về cho mỹ thuật Quảng Nam rất nhiều giải thưởng ở cấp quốc gia hay khu vực. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói, với lớp người trẻ, nguồn sáng tạo của họ rất dồi dào. “Mình muốn nói trẻ ở đây là trẻ về tuổi đời vào nghề này. Với những người tuổi trẻ, đam mê của họ rất quyết liệt và họ sẽ đi đến cùng với đam mê đó” - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói.
Tác phẩm điêu khắc trưng bày trong không gian vườn tượng tại Quảng trường 24.3 Tam Kỳ.Ảnh: LÊ QUÂN |
Cũng như vậy, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm chia sẻ, chỉ vài năm nữa, mỹ thuật Quảng Nam sẽ làm nên những tên tuổi lớn. “Mỹ thuật Quảng Nam - có lẽ mang cái mã nguồn quyết liệt từ quá khứ, nên có điều gì đó rất riêng. Cái riêng ấy, không rời xa thực thể cuộc sống, nhưng lại tạo được bản sắc. Khoảng hai năm trở lại đây, tôi tiếp xúc nhiều với anh em nghệ sĩ trẻ của Quảng Nam. Họ đầy niềm hy vọng!” - ông Vi Kiến Thành nói. Mới đây, anh chàng họa sĩ 9X Nguyễn Hữu Đức với bộ tranh về một Hội An yên bình đã gây nhiều cảm xúc tích cực với số đông. Tranh vẽ của Đức từng góp mặt trong khá nhiều triển lãm lớn nhỏ, từ triển lãm Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc năm 2014 tại Hà Nội, triển lãm khu vực miền Trung Tây Nguyên năm 2015, đến triển lãm văn hóa Hàn Quốc dưới con mắt họa sĩ Việt Nam năm 2015… Rõ ràng, những người trẻ - cả về tuổi đời lẫn tuổi hoạt động nghệ thuật, đã bắt đầu góp thêm những mảng màu mới cho một bức tranh nghệ thuật Quảng Nam đa sắc.
Khẳng định vị thế
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nhìn nhận rằng “Quảng Nam có một vùng văn hóa phong phú” và đây chính là điều kiện, cũng như cơ hội cho các bộ môn nghệ thuật, đặc biệt với mỹ thuật. “Chúng ta có Hội An đã từng là thương cảng, bây giờ lại là nơi gặp gỡ giao lưu của rất nhiều vùng, nhiều nền văn hóa. Từ đây, nghệ sĩ ở Hội An tiếp cận được rất nhiều nguồn, phong trào nghệ thuật đến giao lưu; việc kết nối với các trào lưu, xu hướng mới từ thế giới cũng rất dễ dàng. Chưa kể việc Hội An có một thị trường tranh cực kỳ sôi động, họa sĩ từ các nước, rồi tác phẩm của họa sĩ các vùng trong nước cũng gửi về đây để trưng bày hay kinh doanh...” - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói. Tuy nhiên, họa sĩ Trương Bách Tường - một họa sĩ đang sống và làm việc tại Hội An cũng như họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đều cho rằng, ngoài may mắn vì là một địa phương phát triển du lịch mạnh thì thị trường tranh tại Hội An hiện nay đang rất khó đoán định cũng như không có một dòng tranh nào nổi bật để làm điểm nhấn. Hiện tại rất khó để tìm kiếm những họa sĩ bứt phá, vượt ra giới hạn của chính mình để sáng tạo và có khả năng tạo nên xu hướng hay trào lưu.
Trong khi đó, khá nhiều họa sĩ gốc Quảng Nam lại thành danh ở nơi khác, chứ không phải ngay trên đất quê mình, như họa sĩ Lê Kinh Tài - người đang có giá bán tranh cao nhất ở thị trường nội địa, hay Bùi Công Khánh - một nghệ sĩ sắp đặt khá nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Theo lời họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, có thời điểm một bức tranh của Lê Kinh Tài được bán với giá hơn 200 nghìn USD. “Lê Kinh Tài là một họa sĩ gốc Quảng Nam thành công tại TP.Hồ Chí Minh. Cũng như vậy, tôi nhìn thấy rất nhiều anh em người Quảng Nam làm nghệ thuật tại nhiều nơi và đã có những bước đi rất chắc chắn. Vừa rồi, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng có mua lại tôi một bức tranh với giá 40 triệu đồng. Hay cũng đã có nhiều anh em họa sĩ, điêu khắc sống được với nghệ thuật từ những cuộc như vậy. Đây cũng là một tín hiệu vui. Đà Nẵng, Quảng Nam chắc chắn sẽ phát triển nghệ thuật khi có thị trường nghệ thuật” - ông Hỷ nói thêm.
Cùng với trăn trở về một thị trường nghệ thuật, chuyện tạo một không gian sáng tạo cũng là điều cần nhìn nhận trong cả quãng đường 20 năm của một bộ môn nghệ thuật độc lập. Ông Nguyễn Văn Hàm - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, thuộc Hội VHNT tỉnh cho rằng, mỹ thuật Quảng Nam trong một chừng mực nào đó đã làm nên dòng chảy lớn - được ghi nhận bằng những cuộc triển lãm lớn của cá nhân, của nhóm hay sự hình thành các vườn tượng điêu khắc ở Hội An, Tam Kỳ… và nhất là sự góp mặt đều đặn các tác phẩm ở triển lãm mỹ thuật toàn quốc. “Mỹ thuật đã được ứng dụng nhiều vào đời sống, từ tượng đài, đài tưởng niệm, nhiều công trình kiến trúc có quy mô lớn bằng các chất liệu khác nhau, nhiều triển lãm thu hút sự tham dự của các nghệ sĩ và người dân, làm đẹp cho xã hội…” - ông Hàm nói. Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thì cho rằng, mỹ thuật của Quảng Nam đang có những bước phát triển rất mạnh, từ hội họa, điêu khắc đến nghệ thuật sắp đặt, trình diễn… Nhiều không gian được dựng lên ưu ái để nghệ sĩ sáng tác, như Công viên Đất nung Thanh Hà hay phát triển nghệ thuật cộng đồng, đặc biệt là mỹ thuật, như ở làng bích họa Tam Thanh… cũng khiến cho diện mạo mỹ thuật xứ Quảng từng bước khẳng định vị thế của mình trong bức tranh mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
LÊ QUÂN