Di sản giếng làng

NGUYỄN DỊ CỔ 12/04/2017 08:41

Việc một địa phương phá hủy một giếng cổ mà người dân sử dụng hằng ngày trong mấy trăm năm qua là một điều đáng tiếc. Giếng không chỉ có công năng cung cấp nước sinh hoạt thường nhật mà còn lắng đọng biết bao giá trị văn hóa làng xã.

Mạch ngầm văn hóa giếng

Giếng nước là một trong bộ ba cây đa, giếng nước/ bến nước, sân đình, biểu trưng cho tính cộng đồng của làng xã. Đình làng ở vị trí trung điểm tượng trưng nhân gian; cây đa vươn lên trời tượng trưng cho tính dương, giếng nước lõm sâu vào đất tượng trưng cho tính âm, có nơi cây đa còn soi bóng xuống giếng nước hay bến nước, tạo nên sự hài hòa âm dương của vũ trụ và tính thẩm mỹ của phong cảnh làng quê. Giếng nước đi vào nghệ thuật ngôn từ và hình tượng. Hình ảnh Tấm nuôi cá bống, Mị Châu hóa ngọc đều gắn liền giếng nước; hình ảnh thiếu nữ tắm bên giếng trong tranh vẽ dân gian. Từ câu đố “bằng cái nong, cả lòng đong không hết” cho đến thành ngữ, tục ngữ, ca dao “ếch ngồi đáy giếng”, “đàn ông nông nổi giếng khơi”, “em tưởng giếng nước sâu, em nối sợi gầu dài”… đều liên quan chặt chẽ với giếng nước.

Thành một giếng cổ Chăm hơn 1.000 tuổi vừa đượcTrung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh phát hiện ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Ảnh: T.CÔNG
Thành một giếng cổ Chăm hơn 1.000 tuổi vừa đượcTrung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh phát hiện ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Ảnh: T.CÔNG

Giếng nước là một trong những phương thức để người dân khai thác và sử dụng nước hàng ngày. Cùng với lửa, nước cũng hết sức quan trọng. Chính vì vậy mà “táo” (bếp) và “tỉnh” (giếng) được xếp hàng đầu trong ngũ tự gia đường (tập hợp năm đối tượng thờ tự của mỗi gia đình, gồm Táo, Tỉnh, Môn: cổng/ngõ, Hộ: cửa, và Trung lưu: máng xối/giữa nhà). Đặc biệt, giếng nước được ghi chép lại trong rất nhiều tư liệu Hán Nôm, có ít nhất đến 60 văn bản như vậy, nó chiếu tụ đời sống của làng xã trước đây.

Đào giếng là công việc hệ trọng, tốn nhiều công của, nên hầu như là công việc chung của cả làng. Do vậy, nếu một người nào đó trong làng xuất bỏ tiền của riêng cho dân làng làm giếng là một trong 8 điều phúc lớn. Họ sẽ được dân làng nhớ ơn và đưa vào thờ cúng hàng năm. Một số văn bia giếng kể tên vợ chồng Nguyễn Liệu (năm 1509), cặp vợ chồng Nguyễn Hoằng Tài và Hoằng Nghĩa Phúc (năm 1621)…, thậm chí “ông Lê Khắc Hy chức Thị lang đứng ra đào 3 cái giếng cho dân sử dụng; sau lại cúng 2 cây thủy tùng lấy từ núi Yên Tử về trồng bên giếng nước. Dân làng ghi ơn, dựng bia ghi lại sự kiện” (năm 1930).

Quảng Nam cũng có một văn bia nói đến quá trình làm giếng trên đất riêng của gia tộc ở xứ đất Non Lộc (nay là Non Trược, Trà Kiệu), được tạo dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Giếng cổ này do những “chức sắc” tại địa phương như đội trưởng, ông trùm tổ chức người dân thực hiện.

Quá trình tìm đất, đào đất, khai mạch đều theo những kinh nghiệm dân gian và tri thức tín ngưỡng riêng có. Cho nên người Việt đào được một cái giếng là chuyện không hề đơn giản, đôi lúc phải dựa vào thế lực siêu nhiên. Một văn bia cho biết, “xã Phú Lương nằm sát bờ biển, đào mãi không tìm được mạch nước ngọt. Hương cống họ Hồ hiệu Úy Đình vào đền cầu đảo, quả nhiên ứng nghiệm có nước ngay, được đặt tên là giếng “Âm trợ” (giếng được thần ngầm phù trợ)”. Đồng thời giếng “làm động long mạch của làng” thì cần lấp đi. Có làng “quy định về việc nghiêm cấm làm tổn hại đến long mạch, nếu người nào đào bới phá hoại các xứ đó thì phải lễ tạ thổ thần 1 con heo, 1 mâm vàng mã và 1 vò rượu”.

Tài sản của cộng đồng

Giếng làng còn là một “vật mốc” để phân định ranh giới, như một tấm bia dựng năm 1699 đã ghi chép. Hay một tấm bia khác (năm 1652) cũng cho biết, các xã địa phận giáp giới nhau, vì vậy hay xảy ra việc tranh chấp đất đai, sản vật, kiện nhau lên huyện, kéo dài nhiều đời vua mới kết thúc. Cuối cùng chính quyền xác định lại địa phận của từng xã từ cái cầu, cái giếng, miếu thờ... xã nào vi phạm sẽ bị trừng trị. Giếng làng là tài sản chung của cả cộng đồng làng, nên làng luôn có những quy định cụ thể và chặt chẽ đối với việc sử dụng giếng nước, không ngoại trừ một ai. Tại Duy Xuyên, Quảng Nam cũng có một tấm bia được lập dưới thời nhà Lê vào năm 1773 khắc ghi những điều cấm “không được tắm giặt và phóng uế ở bờ giếng” của xã An Lễ. Nội dung đó được xem như là hương ước đương thời.

Ngày xưa các cụ quan niệm “tụ thủy là tụ tài”, nên hết sức chú ý về mặt phong thủy khi làm giếng để tạo nên sự phồn thịnh của làng. Trong đêm giao thừa, mọi người thường ra giếng làng gánh quảy một ít nước về coi như là mang lộc vào nhà. Ngày nay, đất Quảng còn lưu giữ nhiều giếng cổ từ mấy trăm năm trước, trong đó có nhiều giếng của người Chăm rất giá trị. Một số giếng cổ tiêu biểu như giếng cổ ở Cù Lao Chàm, giếng cổ Bá Lễ (Hội An), giếng Bốn trụ, giếng Ông Rìu, giếng bà Kiều (Tam Kỳ), giếng cổ Bãi Bấc, Bãi Nồm ở Tam Hải (Núi Thành), giếng cổ Non Trược (Duy Xuyên), giếng cổ Bốn trụ/ Quảng Huế (Đại Lộc)… Những giếng cổ người Chăm ở ngoài đảo hoặc ven biển là nguồn nước cần thiết cho những chuyến vượt biển dài ngày không chỉ cho người bản địa mà cả người ngoại quốc. Câu chuyện món Cao lầu hiện nay vẫn còn tranh cãi, trong đó có vấn đề liên quan đến nguồn nước sử dụng là giếng Bá Lễ. Điều đó cho thấy, giếng nước này đã tạo nên thương hiệu của một đặc sản xứ Quảng.

Trước đây, các giếng làng có giá trị sử dụng sinh hoạt hàng ngày. Nhưng ngày nay, những giếng cổ ấy lại mang thêm một công năng mới giúp ích kinh tế cho người dân địa phương. Một số du khách cũng len lỏi con hẻm Hội An để tìm đến giếng cổ Bá Lễ như tìm về hồn xưa làng Việt.

NGUYỄN DỊ CỔ

NGUYỄN DỊ CỔ