Học văn - làm sao để nó không khó?

HUỲNH THỊ KIM UYÊN (Lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hội An) 08/04/2017 09:32

Đã bao giờ bạn xem môn văn là một môn học nhàm chán và “buồn ngủ” chưa? Đã bao giờ bạn cảm thấy mình không thể làm bạn với văn  bởi nó thật sự rất khó học, khó nuốt trôi? Và bạn biết không, từ lúc bắt đầu học văn, tôi cũng có cảm giác như thế, cũng chán ngấy, nhưng qua thời gian càng ngày tình yêu của tôi với văn học lớn dần lên và hình thành trong tôi một ngọn lửa đam mê mãnh liệt với văn học.
Vậy, làm thế nào để ngữ văn trở thành một bộ môn thú vị, hấp dẫn?

Trước hết, bao giờ cũng thế, khi bắt đầu một việc gì thì cũng cần có đam mê thực sự. Văn học là con đường ngắn nhất để chạm đến cảm xúc con người. Một khi đam mê với văn học, đam mê với những con chữ “có linh hồn”, bạn sẽ thấy một nguồn sáng kỳ diệu mà văn học mang lại. Hãy thử tưởng tượng cảm giác thoải mái, tự hào khi tự mình hoàn thành xong một bài văn dài mà không cần dùng tài liệu tham khảo. Tôi thấy nó cũng giống như bạn cố ngồi lì hai, ba tiếng đồng hồ để giải một bài toán và khi nhận được kết quả đúng chúng ta vui và hạnh phúc đến nhường nào.

Học văn cần lắm một sự cần cù, chăm chỉ, ham khám phá, học hỏi và đặc biệt phải mở lòng để cảm nhận thế giới xung quanh thì văn chương mới thật sự đi vào con người chúng ta được. Dù cho xã hội hiện nay, internet bao phủ khắp nơi, song nếu muốn học văn tốt thì phải trải nghiệm. Không có tài sản nào quý giá hơn sự trải nghiệm của chính bản thân mình. Học văn mà không ra ngoài cảm nhận cuộc sống thì văn chương chỉ là những thứ lý thuyết suông, những con chữ thô ráp trên mặt giấy. Người học văn tất nhiên phải là người nhạy cảm, nhạy cảm với chính mình và nhạy cảm với vạn vật xung quanh. Nếu bạn biết trải nghiệm với cuộc sống thì bạn sẽ dễ dàng tiếp cận với văn học hơn bởi văn học cũng là dòng chảy đi ra từ cuộc sống và đổ về cuộc sống muôn hình vạn trạng. Vậy tại sao ta không thử gấp máy tính lại, đặt điện thoại xuống, đi ra ngoài, hít thở bầu không khí trong lành ngoài kia, lắng nghe một tiếng chim hót hay những âm thanh trong trẻo, tha thiết của cuộc đời?

Điều quan trọng nữa, chính là đọc sách. Đọc sách không chỉ giúp bạn thư giãn đầu óc mà còn giúp chúng ta tìm thấy tri thức, nguồn động lực để sống vui, sống đẹp hơn. Ta thường bỏ hàng giờ để lướt facebook, để vào instagram để like ảnh nhưng lại thường keo kiệt đến mức không cầm lấy một cuốn sách để đọc. Ta quên đi rằng đọc sách là kỹ năng rất hữu ích cho chúng ta khi học văn nói riêng và cuộc sống nói chung. Sách chứa kho tàng kiến thức khổng lồ mà chúng ta cần khám phá. Sách rèn cho mỗi người sự kiên trì, nhẫn nại và khi nào chúng ta luyến tiếc những trang sách cuối cùng thì khi đó niềm say mê văn học mới có cơ hội trỗi dậy trong mỗi người.

Không những thế, học văn không chỉ là những tác phẩm, áng văn, thơ đã được in trong sách giáo khoa; học văn không chỉ học hết những cuốn giáo trình, bài mẫu để làm bài kiểm tra, để chờ cô giáo dò bài lấy điểm. Học văn còn là học làm người. Tất nhiên, con người trưởng thành đều có một quá trình để rèn giũa, để tôi luyện và văn chương là một cách để con người thực hiện điều đó. Bạn có tin không khi một ngày nào đó vô tình bắt gặp một tác phẩm, bạn sẽ rất ngỡ ngàng và đặt ra câu hỏi tại sao mình thấy bóng dáng của mình trong đó? Con người chúng ta có rất nhiều khía cạnh mà ngay bản thân mỗi người vẫn không thể tự lý giải hết. Văn học sẽ giúp bạn hiểu hơn điều đó. Văn học cho bạn biết những quan niệm sống, những lý tưởng sống, những ý nghĩa sống. Bởi “Văn học là nhân học” (M. Gorky).

Thực chất, văn học không đến mức quá khó như bạn tưởng, nhưng nó cũng không quá dễ dàng.  Điều quan trọng của người học văn là tìm ra một phương pháp học tập hiệu quả để mỗi trang văn đều là những hành trang cho bạn vững chãi khi bạn va chạm với cuộc sống này.

Đó là cảm nhận của tôi. Còn bạn thì sao?

HUỲNH THỊ KIM UYÊN
(Lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hội An)

HUỲNH THỊ KIM UYÊN (Lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hội An)