"Sức bền" của một thế hệ

BẢO ANH 01/04/2017 10:00

Hơn 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn tiếp tục sáng tác, góp phần làm cho cho đời sống văn học đất nước thêm đa dạng, phong phú.

Cho đến lúc này, khi đề cập diện mạo văn học đất nước nói chung và đặc biệt là diện mạo văn học khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng nói riêng, những gương mặt được nhắc đến đầu tiên luôn vẫn là những người trưởng thành trong chiến tranh.

Trong đó, có những người đã hy sinh khi sự nghiệp văn chương còn dang dở, như Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Hồng... Có những người, do tuổi tác và bệnh tật, nay đã qua đời, như Nguyễn Chí Trung, Phan Tứ, Thu Bồn, Lưu Trùng Dương, Nguyễn Khắc Phục, Hoàng Minh Nhân, Vũ Minh... Và hẳn nhiên, không thể thiếu những người còn sống (tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương khác), đang miệt mài sáng tác, như Nguyên Ngọc, Cao Duy Thảo, Nguyễn Trí Huân, Bùi Minh Quốc, Hồ Duy Lệ, Thái Bá Lợi, Nguyễn Bảo, Thanh Quế, Lệ Thu, Đỗ Viết Nghiệm, Ngân Vịnh, Nguyễn Bá Thâm...

Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu văn học, dấu ấn của văn học Quảng Nam, Đà Nẵng (thậm chí là ở phạm vi cả nước) giai đoạn 1975-1995 và nhiều năm sau này chính là dấu ấn của khá nhiều trong số những con người kể trên. Không chỉ họ có được nhiều tác phẩm tạo dựng tên tuổi cho riêng mình, góp phần làm nên diện mạo văn học của từng vùng đất và của cả nước mà họ còn là niềm tự hào, vừa là “điểm tựa” cho các thế hệ cầm bút tiếp theo sau. Dọc dài miền Trung, trong đó có Quảng Nam, là vùng đất giàu dữ liệu cho sáng tạo văn học. Chính trên mảnh đất này, họ đã sống, chiến đấu, sáng tác và trưởng thành.

Nhiều tác phẩm có giá trị, được viết trong chiến tranh hoặc được viết sau ngày đất nước thống nhất bằng hồi quang lộng lẫy của những tháng ngày kháng chiến hào hùng, hiện vẫn “sống” trong lòng công chúng, như “Bên kia biên giới”, “Trước giờ nổ súng”, “Gia đình má Bảy”, “Mẫn và tôi” (Phan Tứ); “Đà Nẵng”, “Hương cau”, “Bức thư làng Mực” (Nguyễn Chí Trung); “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”, “Đất Quảng”, “Rừng xà nu” (Nguyên Ngọc); “Bài ca chim Chơ rao”, “Mặt đất không quên”, “Quê hương mặt trời vàng” (Thu Bồn); “Vùng chân Hòn Tàu”, “Thung lũng thử thách”, “Bán đảo” (Thái Bá Lợi); “Những người đi tới biển”, “Sơn Mỹ” (Thanh Thảo); “Bạn đường”, “Im lặng của đá” (Cao Duy Thảo); “Trên đỉnh núi Thành ta hát”, “Tình nguyện”, “Nỗi nhớ màu xanh” (Lưu Trùng Dương); “Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ”, “Hồi đó ở Sa Kỳ” (Bùi Minh Quốc); “Bóng rừng trong mưa” (Ngân Vịnh); “Tên em, khuôn mặt em”, “Tình yêu nhận từ đất” (Thanh Quế); “Năm 75 họ đã sống như thế” (Nguyễn Trí Huân); “Những người sẽ vào thành phố” (Nguyễn Bảo)...

Sau “một thời vang bóng” ấy, khi đời sống văn học đất nước chuyển mình theo chủ trương Đổi mới, các nhà văn, nhà thơ bước ra từ chiến tranh lại tiếp tục sáng tác. Nhiều người vẫn theo đuổi đề tài chiến tranh cách mạng, viết để “trả nợ” cho một thời quá khứ hào hùng; “trả nợ” cho đất và người quê hương bất khuất, kiên trung, lẫm liệt và bi tráng. Như nhà văn Phan Tứ, ngoài một số tác phẩm lẻ ông còn có bộ tiểu thuyết 3 tập “Người cùng quê”. Nhà văn Nguyễn Chí Trung trước khi về với đất mẹ cách đây vài năm đã vượt qua rào cản của tuổi tác và bệnh tật, hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út”. Nhà văn Nguyễn Bảo có hẳn 2 tập tiểu thuyết đình đám về chiến tranh cách mạng trên đất Quảng Nam: “Thượng Đức” và “Đỉnh máu”. Nhà văn Hồ Duy Lệ thì bình quân 2 năm có một tập bút ký hoặc ký sự, trong đó có những tập được đánh giá cao như “Mười Chấp và một thời”, “Mạ tôi”, “Những người sót lại”, “Trong lớp bụi thời gian”... Nguyễn Bá Thâm, một người viết chậm và ít cũng có một tập bút ký đầy đặn “Đất của máu và lửa”. Sự “tiếp nối” mạch nguồn sáng tác này xem ra cũng rất hợp lẽ. Như có lần nhà văn Nguyễn Bảo bộc bạch: “Những vùng đất tôi đã đi qua, đặc biệt là Quảng Nam, luôn nhắc nhớ với tôi rằng, chiến tranh vẫn là đề tài lớn và gần như bất tận của văn học hôm nay. Bởi ở đó, không chỉ có súng đạn mà còn có những giá trị sống cao quý cần được tiếp tục nhận diện và chia sẻ”...

Cạnh đó, nhiều người vừa tiếp tục viết về đề tài chiến tranh, vừa tự làm mới mình bằng những tác phẩm “hòa nhịp thời đại” cả trong nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Cách đây chưa lâu, nhà văn Cao Duy Thảo bộc bạch: “Cuộc sống đang từng ngày trở nên “giàu có” hơn, sinh động hơn, có nhiều thứ cho nhà văn viết hơn. Chúng tôi lại phải nhập cuộc và tất nhiên là không hề khép lại những trang viết về những cái lớn lao, như Tổ quốc, sự hy sinh...”.  Và trên thực tế, tên tuổi của nhiều người trong số này lại được khẳng định bằng những tác phẩm có chất lượng, làm nên một mạch lớn trên dòng chảy văn chương cuồn cuộn và sôi động của đất nước, quê hương. Ví như nhà văn Nguyễn Khắc Phục với các tiểu thuyết “Khát vọng”, “Điệp khúc hy vọng”, “Giọt nước mắt cuối cùng”... Nhà văn Cao Duy Thảo với “Chim bay về núi”, “Thời gian”, “Xứ bình yên”. Nhà văn Thái Bá Lợi có “Còn lại với thời gian”, “Đội hành quyết”, “Trùng tu”, “Khê ma ma”, “Minh sư”... Nhà thơ Thanh Thảo với “Những ngọn sóng mặt trời”, “Mê-trô”, “Từ một đến một trăm”... Nhà thơ Thanh Quế có “Trong mỗi ngày đời tôi”, “Những tháng năm vay mượn”...

Với số lượng tác phẩm và phạm vi đề tài vừa lớn vừa rộng, việc “kiểm đếm” một cách chính xác thành quả sáng tạo của thế hệ các cây bút đi ra từ chiến tranh là không đơn giản. Chỉ biết, bằng tác phẩm và thông qua tác phẩm, họ vừa tiếp tục tạo thêm dấu ấn cho riêng mình, vừa khẳng định sức bền và độ chín trong sáng tác, góp phần làm cho cho đời sống văn học đất nước đa dạng, phong phú hơn...

BẢO ANH

BẢO ANH