Đồng cảm Việt - Hàn
Ngày mai 11.3, “Những ngày văn hóa Hàn Quốc” bắt đầu khai mạc tại Hội An. Đây là một trong những hoạt động nhằm tiến tới kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức Việt Nam - Hàn Quốc (22.12.1992 - 22.12.2017), do Quảng Nam phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức.
Ngày càng có nhiều người Hàn Quốc đến Việt Nam hoạt động văn hóa, thiện nguyện, kết nối và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Hàn - Việt, gây dựng tình đoàn kết, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
1. Năm 1999, tôi nhận được học bổng của Korea Foundation, sang Hàn Quốc tu nghiệp 6 tháng trong lĩnh vực Bảo tàng học và Mỹ thuật châu Á tại Bảo tàng Cố cung ở Seoul và Trường Đại học Inha ở thành phố Incheon. Trong những ngày ở Hàn Quốc, thỉnh thoảng tôi có gặp gỡ và trò chuyện với những cựu binh Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam trong những thập niên 1960 - 1970. Nhiều người trong số họ bây giờ là doanh nhân, chủ xưởng sản xuất khá thành đạt. Nhưng nhiều nhất vẫn là những người hành nghề lái xe taxi. Có lần tôi bắt taxi đi từ trung tâm Seoul đến khu Itaewon nằm ở phía nam. Lái xe là một người trung niên, biết nói tiếng Anh.
Làng bích họa Tam Thanh (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) là một trong những dự án cộng đồng tạo dấu ấn của Hàn Quốc tại Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Ông kể ông từng là lính của lữ đoàn Thanh Long, đóng quân ở Quảng Ngãi và Quảng Nam trong hai năm 1967 - 1968. Ông nói đó là khoảng thời gian ác liệt nhất của cuộc chiến tranh và lính Đại Hàn đã gây nhiều tội ác đối với thường dân ở những nơi này. Sau khi trở về Hàn Quốc, ông bị ám ảnh vì những việc mà binh lính Đại Hàn đã gây ra ở Việt Nam. Ông nói: “Tôi làm nghề lái xe taxi, không giàu có như những người kinh doanh, nhưng tôi luôn đóng góp tiền bạc và vật chất cho các quỹ từ thiện do những cựu chiến binh Hàn Quốc thành lập, để giúp đỡ những người dân Việt Nam đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Tôi không dám nói đó là sự chuộc lỗi, mà chỉ làm để thấy lòng mình được nhẹ nhàng hơn”. Tôi hỏi: “Ông đã trở lại Việt Nam lần nào chưa?”. Ông nói: “Tôi mãi mưu sinh, chưa có dịp trở lại Việt Nam. Nhưng nhất định tôi sẽ dành dụm tiền để trở lại vùng quê ở ngoại ô Đà Nẵng, nơi tôi từng đóng quân. Tôi muốn trực tiếp nói lời xin lỗi với người dân nơi đây về những gì đã xảy ra mấy chục năm trước và mong muốn được tha thứ, được hàn gắn những nỗi đau mà cuộc chiến tranh để lại”. Ông nói với ánh mắt đượm buồn. Và tôi tin đó là những lời nói từ trái tim của một cựu binh.
2. Một ngày, tôi được Ủy ban Quốc gia UNESCO Hàn Quốc mời đi nói chuyện về lịch sử và văn hóa Việt Nam với một nhóm sinh viên Hàn Quốc chuẩn bị sang Việt Nam làm công tác thiện nguyện trong mùa hè năm 1999. Nơi nói chuyện là trụ sở của một tổ chức thiện nguyện nằm ở ngoại ô Seoul. Có khoảng 60 sinh viên Hàn Quốc tham dự cuộc gặp. Họ là những người được tổ chức này tuyển chọn và sẽ tham gia hoạt động thiện nguyện và công tác xã hội ở Hà Tây và Quảng Nam, dưới sự bảo trợ của Quỹ từ thiện mang tên bà Lee Hee-ho, vợ của Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Kim Dae-jung.
Sau khi nghe tôi giới thiệu tổng quát về lịch sử, nền văn hóa con người Việt Nam, nhiều sinh viên tham dự cuộc gặp muốn tôi nói kỹ hơn về những điều mà một người ngoại quốc nên làm và không nên làm khi đến Việt Nam. Tôi đã giảng giải cho họ về những tập quán, phong tục và những điều cấm kỵ của người Việt. Họ nghe một cách say sưa và ghi chép rất cẩn thận. Sau cùng, một nữ sinh viên hỏi tôi: “Tôi muốn biết thái độ của người Việt Nam hiện nay đối với người Hàn Quốc. Họ có thù hận chúng tôi vì những gì mà cha anh chúng tôi đã gây ra ở Việt Nam trước đây không?”. Tôi trả lời: “Bạn đến Việt Nam vì mục đích thiện nguyện, với tấm chân tình và sự thiện tâm thì người Việt sẽ dang tay đón bạn. Hãy mạnh dạn lên đường và thực hành những điều mà tôi vừa trao đổi với bạn”. Cuối tháng 8.1999, sau chuyến hoạt động thiện nguyện ở Việt Nam, nữ sinh viên ấy trở lại Seoul, tìm gặp tôi để cám ơn về những kiến thức hữu ích mà tôi đã cung cấp, đã giúp ích cho bạn ấy rất nhiều trong những ngày tham gia thiện nguyện ở Việt Nam. Cô khoe với tôi bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ: “Em đã mặc được áo dài Việt Nam rồi. Rất đẹp. Em rất thích. Em sẽ quay lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học”.
Tôi chợt nhớ lời của GS. Lee Han-woo, nhà Việt Nam học người Hàn Quốc, nói với tôi cách đây mấy hôm, sau khi ông đi thăm “làng bích họa” Tam Thanh ở Quảng Nam về: “Có thể Chính phủ Hàn Quốc chưa làm đủ những gì cần làm để hàn gắn vết thương của quá khứ, nhưng người dân Hàn Quốc luôn trăn trở về điều này. Chúng tôi sẽ tìm ra những phương thức tốt nhất để vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước”. |
3. Trong 3 năm qua, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, nơi tôi đang công tác, đã đón nhận 2 tình nguyện viên người Hàn Quốc đến làm việc dưới sự bảo trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOIKA).
Người thứ nhất là Shin Dam-ho, 24 tuổi, làm việc trong 2 năm 2015 - 2016. Shin là một trong những thành viên chính của dự án Cộng đồng làm công viên, do KOIKA tài trợ. Đây là dự án thí điểm mô hình cộng đồng sẽ cùng với chính quyền địa phương thiết kế, xây dựng và quản lý công viên tại phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Văn hóa thể thao quận Sơn Trà. Shin ở Đà Nẵng 2 năm, tự học tiếng Việt và phối hợp nhịp nhàng với các nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng để nghiên cứu, triển khai và vận hành dự án. Cuối năm 2016, một công viên xinh xắn cạnh ngã ba đường Hương Hải Thiền Sư và Dương Thanh đã thành hình, với phòng đọc café-sách, khu vui chơi giải trí cho các em nhỏ và nhiều hoạt động, sinh hoạt bổ ích dưới sự hỗ trợ của các tình nguyện viên Việt - Hàn. Shin Dam-ho đã hoàn thành nhiệm vụ “tiếp nối nhịp cầu Hàn - Việt” của mình và trở về Hàn Quốc với một lưng vốn tiếng Việt kha khá và một tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam và Đà Nẵng.
Người thứ hai là Seo Jong-sik, 54 tuổi, làm việc trong 2 năm 2016 - 2017. Seo cũng là tình nguyện viên của KOIKA, trực tiếp điều phối dự án “Nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân loại rác thải sinh hoạt”. Đây là dự án hợp tác giữa tổ chức này với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, quận Thanh Khê và quận Sơn Trà của TP.Đà Nẵng, nhằm giải quyết vấn đề rác thải ở đô thị một cách khoa học, hợp lý và tiết kiệm. Cũng như Shin Dam-hoo, ông Seo Jong-sik là người hoạt động thiện nguyện, là “đại sứ nhân dân” của Hàn Quốc. Họ đã làm rất tốt sứ mệnh được giao phó, với sự hỗ trợ của những người bạn Việt Nam thân thiện và vị tha.
TRẦN ĐỨC ANH SƠN