Sự đồng điệu của hai nhà thơ
“Thu Bồn - Nhà thơ trữ tình Đất Quảng” (*) là tập chuyên luận của nhà thơ Nguyễn Kim Huy, với hơn 250 trang sách được cấu trúc thành ba chương, được viết công phu, thể hiện sự đồng điệu của tác giả về mảng thơ tình yêu của Thu Bồn.
Có lẽ nhiều người đinh ninh, thơ Thu Bồn trước năm 1975 chỉ tập trung vào đề tài chiến tranh, độc lập dân tộc với giọng điệu hào sảng cùng âm hưởng anh hùng ca. Nhà thơ Nguyễn Kim Huy nhận ra: “Nhưng, ngay ở những vần thơ cuộn xiết, vạm vỡ mang tinh thần đại chúng trong cơn lốc chiến tranh đó, ta cũng tìm thấy một tâm hồn thi sĩ thoáng nét thầm lặng, nao nao của sự cô đơn riêng mình, ẩn chứa một tâm trạng sâu lắng khác lạ”.
Chiến tranh lùi xa. Văn học, trong đó có thơ ca, chuyển hướng. Từ khuynh hướng sử thi lãng mạn, cảm thức thơ hướng vào thế sự - đời tư với xu thế suy tư, chiêm nghiệm, vì thế đề tài tình yêu nhân bản luôn chiếm ưu thế. Thu Bồn nhanh chóng trở thành “nhà thơ của tình yêu say đắm và nỗi cô đơn mênh mang”. Theo Nguyễn Kim Huy: “Có lẽ cũng chỉ duy nhất ông là người đã xuất bản riêng một tập thơ với tên gọi hoàn toàn dành cho tình yêu, dành cho người mình yêu: “Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên” (Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1992)”. Anh lý giải: “Ngay nhan đề tập thơ, cũng đã thể hiện một phong cách độc đáo chỉ riêng có ở Thu Bồn, thể hiện ý nguyện được chia sẻ, bộc lộ rõ ràng ở tên gọi tập thơ khi nhà thơ nhờ đối tượng trữ tình trực tiếp ghé vai gánh vác một phần việc tối quan trọng là đặt tên cho những bài thơ, với một số lượng vừa rất lớn, vừa cụ thể: một trăm bài!”.
Thì đây, thơ tình của Thu Bồn chất chứa “mọi giấc mơ phóng khoáng, tự do và say đắm nhất của tình yêu, mọi sắc thái cuồng nhiệt, hoang dã và bạo liệt tột cùng của tình yêu… Sự hàn gắn nối kết vững bền và cũng mong manh hư ảo đến cực điểm của tình yêu đã được Thu Bồn tuôn trào bày tỏ như một dòng thác ào ạt, cuống quýt, nồng nàn”.
Nguyễn Kim Huy “đọc được” cõi lòng Thu Bồn ký thác qua thơ tình: thái độ biết ơn và tôn thờ tình yêu (Tôi già hơn em một cuộc chiến tranh/trong buổi trưa nắng khát này/tôi nhận từ tay em bát nước quá đầy/bàn tay tôi run rẩy/làm sao khỏi sánh ra ngoài những giọt nước trong - bài 1); sức mạnh tình yêu làm cho con người ta giàu có trong tâm hồn, thành “triệu phú” của niềm vui và cả nỗi đau (có em anh trở thành triệu phú/có triệu niềm vui và có triệu niềm đau - bài 2); có tình ngu ngơ (bài 7), có tình si mê (bài 39), có tình chỉ biết cho đi, chỉ biết dâng hiến (bài 45), có nỗi đau cô đơn tình phụ rẫy (bài 6)…
Trong thơ tình, Thu Bồn có triết lý đấy nhưng cái chính vẫn là cảm xúc. Và như một quy luật tất yếu, buồn đau, thất vọng dễ làm nên thơ hay vì đó là những cảm xúc thật. Những bài thơ tình hay nhất của ông luôn đi sâu, gặm nhấm nỗi đau đớn đến tuyệt vọng… Tiếng nói tri âm đã mang sức sống và sự tỏa lan cảm xúc đến cho phần viết về thơ trữ tình Thu Bồn, tạo nên một điểm nhấn nóng bỏng trên một diện vững vàng của tập chuyên luận, như chính Nguyễn Kim Huy đã nhận định: “Ngọn lửa Thu Bồn, ngọn lửa tình yêu trong Thu Bồn chắc chắn sẽ còn bùng cháy lâu dài với cuộc đời, sưởi ấm và đốt sáng lên mọi nẻo hư vô hư ảo của cõi đời rộng lớn này, sẽ còn ở lại lâu dài với người đời khi người đời còn sống còn yêu”.
CHẾ DIỄM TRÂM
(*) Đọc “thu bồn - nhà thơ trữ tình đất quảng” - Nguyễn Kim Huy, NXB Đà Nẵng 2017.