Nỗi lo từ di sản

QUỐC HẢI 25/02/2017 10:30

Cùng với những thành tựu đạt được, Đô thị cổ Hội An đang đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó, sự thay đổi chức năng của các ngôi nhà cổ đã và đang làm “biến dạng” những giá trị vô giá trong quần thể di tích được cho là “bảo tàng sống” này.

Mặt tiền nhà cổ biến thành nơi trưng bày hàng hóa.Ảnh: Q.HẢI
Mặt tiền nhà cổ biến thành nơi trưng bày hàng hóa.Ảnh: Q.HẢI

Thay đổi mục đích sử dụng

Nhà thờ tộc Tăng ở số 16 đường Nguyễn Thị Minh Khai, một di tích đặc biệt trong khu phố cổ Hội An từng được UNESCO trao giải thưởng danh dự dành cho công tác bảo tồn kiến trúc năm 2009. Nhà thờ hình ống đặc trưng, nằm cách Chùa Cầu chỉ 50m, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 19. UNESCO đánh giá đây “là một trong những địa điểm quan trọng ở Hội An, nhà thờ tộc Tăng mới được trùng tu giờ đây nổi lên như là một điểm đến sinh động trong đô thị cổ, không chỉ phục vụ các thành viên trong họ tộc, người dân địa phương mà cả khách tham quan”. Tuy nhiên, qua giám sát quá trình trùng tu di tích, ông Võ Hồng Việt - Cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa (QLBTDSVH) Hội An cho biết: “Trước khi tu bổ thì ngôi nhà này chủ yếu để ở và thờ tự nhưng sau tu bổ thì ngoài việc thờ tự ngôi nhà này còn để kinh doanh hàng hóa”.

Áp lực lớn của Hội An là vừa phát triển vừa phải bảo tồn, chỉ cần sai sót nhỏ, để xảy ra biến dạng di tích thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, không thể khôi phục được. Mặt khác, danh hiệu di sản cũng có nguy cơ bị “tụt hạng” nếu không qua được kỳ kiểm tra 5 năm 1 lần của UNESCO. (Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND thành phố Hội An)

Tình trạng này không chỉ có ở nhà thời tộc Tăng. Khảo sát 45 di tích về tình trạng sử dụng sau tu bổ do Trung tâm QLBTDSVH Hội An thực hiện mới đây cho thấy, 24 di tích chưa đạt yêu cầu về mục đích sử dụng. Việc sử dụng không gian bên trong của các di tích, ngôi nhà cổ đã thay đổi hẳn. Hầu hết đều được tận dụng để kinh doanh, buôn bán, không còn là nơi để thờ tự, ở hoặc sinh hoạt gia đình như trước.

Chỉ sau 10 năm Đô thị cổ Hội An được công nhận di sản văn hóa thế giới, có đến 83 ngôi nhà cổ đã chuyển nhượng, đổi chủ sở hữu, 181 ngôi nhà khác trong khu phố cổ đã cho thuê là những con số đáng lo ngại. Điều đó đồng nghĩa với việc đã có 264 chủ nhà - chủ di tích, tương đương với 3.000 cư dân phố cổ đã phải rời khỏi nhà của mình vì đã bán hoặc cho người khác thuê để kinh doanh. Và trong 7 năm tiếp sau đó, hàng chục ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm tuổi cũng đang ở trong tình cảnh tương tự.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng khẳng định: “Việc mua bán, chuyển nhượng di tích trong một số trường hợp đã biến các ngôi nhà cổ gắn với những giá trị văn hóa gia đình truyền thống nhiều thế hệ ở Hội An trở thành những cơ sở kinh doanh thuần túy”.

Biến dạng

Là người dân phố cổ, sinh sống tại số nhà 101 đường Trần Phú, ông Vương Long Dõng bày tỏ lo ngại sẽ mất đi tình làng nghĩa xóm khi những ngôi nhà xung quanh đều đã cho thuê hoặc bán đi. “Tôi lo cho cuộc sống không còn sự đoàn kết như hồi xưa nữa, không có sự giúp đỡ như hồi xưa nữa mà lại đưa đến sự tan rã. Tôi lo âu là mọi thứ đang dần trở nên xa lạ, nếu cứ diễn biến như vậy thì đến một ngày có lẽ Hội An cũng sẽ không còn như xưa nữa” - ông Dõng trăn trở. Có thể nói, nỗi lo của cụ ông gần 80 tuổi này đang ngấm ngầm hàng ngày trong lòng cư dân phố cổ. Ai cũng biết, phát triển du lịch đã góp phần tạo công ăn việc làm, thế nhưng, không lo sao được khi một ngày nào đó, đi cả tuyến phố chẳng thấy bóng một người hàng xóm thân quen. Còn nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân, người đang lưu giữ bộ ảnh “Hội An xưa”, bày tỏ: “Tôi thấy cũng mất mát đi rất nhiều phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của Hội An, cả tình người bây giờ cũng phai màu ít nhiều. Tôi mong là con cháu dù làm ăn khá thì cũng phải chừng mực, biết giữ gìn nếp xưa của cha ông chứ đừng làm ồ ạt là mất hết!”.

Công tác trùng tu phải đảm bảo tính nguyên gốc.
Công tác trùng tu phải đảm bảo tính nguyên gốc.

Từ xưa đến nay, hình thức cư trú nguyên gốc của cư dân Hội An trong các ngôi nhà cổ là vừa là nơi ở vừa buôn bán. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều ngôi nhà hoạt động kinh doanh nhưng không có người là nơi ở - điều mà trước đây hoàn toàn không xảy ra. “Hàng chục ngôi nhà đã cho người nước ngoài hoặc người khác địa phương thuê để buôn bán. Thêm vào đó, do nhu cầu mở rộng diện tích kinh doanh, tăng không gian cho trưng bày hàng hóa, nhiều ngôi nhà cổ đã bị tháo dỡ vách ngăn, không gian thờ tự, khiến cho bố cục không gian nhà truyền thống bị thay đổi” - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ chia sẻ.

Áp lực

Nghiên cứu độc lập của Trung tâm nghiên cứu văn hóa quốc tế của Đại học Showa và Đại học Chiba - Nhật Bản cho thấy, trên mặt tiền 4 con đường trong khu phố cổ có lưu lượng khách du lịch lớn là Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Lợi, có 453 ngôi nhà cổ thì đã có 409 ngôi đang sử dụng làm cửa hàng, cửa hiệu, tỷ lệ giữa người tự kinh doanh và thuê kinh doanh là 2/1. Trong số những ngôi nhà được cho thuê để làm du lịch, đa số đều kinh doanh hàng lưu niệm, gallery, hiệu vải, may đo và hầu như không thấy cơ sở nào thuê kinh doanh phục vụ người dân sở tại. Bốn tuyến đường có đến 38 ngôi nhà kinh doanh nhưng không có người cư trú, điều mà trước đây rất hiếm.

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra, có rất đông người đi thuê nhà và người làm thuê vốn không xuất thân từ phố cổ, cũng không sinh sống trong khu phố cổ, nói cách khác là không có quan hệ sâu xa với phố cổ, trong đó có không ít người nước ngoài. Điều đáng lo ngại là những người bên ngoài vào phố cổ sẽ coi phố cổ chỉ là một phương tiện để buôn bán, kiếm sống. Một khi họ ưu tiên hoạt động kinh tế hơn sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn về cảnh quan của khu phố cổ.

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An - nói: “Giá trị nổi bật toàn cầu của Hội An là giá trị văn hóa phi vật thể, hay nói cách khác là “bảo tàng sống”, con người vẫn sống cuộc sống đời thường trong lòng phố cổ. Nhưng với sự thay đổi như hiện nay, tất nhiên ảnh hưởng rất lớn. Khi con người thay đổi thì văn hóa phi vật thể bao gồm sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nếp gia phong, tình làng nghĩa xóm cũng bị thay đổi. Chắc chắn, chính quyền và các ngành chuyên môn phải đặt vấn đề này trong tương lai để đô thị cổ phát triển bền vững”.

Cần nhắc lại, Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới một phần là nhờ những giá trị “không trùng lặp” của nó. Trong từng ngôi nhà cổ, những dấu tích của sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa người Việt, người Hoa, người Nhật, người Pháp... vẫn còn được lưu giữ qua mấy trăm năm. Thế nhưng, sự thay đổi không gian, chức năng của các ngôi nhà cổ đã và đang làm “biến dạng” những giá trị di sản vô giá trong quần thể di tích. Vì thế, việc kế thừa truyền thống văn hóa đang đứng trước những khó khăn và phố cổ Hội An có nguy cơ mất đi một phần sức hấp dẫn của mình.

Tổ chức UNESCO mới đây đã công bố báo cáo toàn cầu về văn hóa trong phát triển đô thị bền vững. Việt Nam có hai đại diện được lựa chọn khảo sát là phố cổ Hà Nội và Hội An. Hội An được đánh giá là trường hợp điển hình trong việc tái đầu tư từ nguồn thu kinh tế để hỗ trợ bảo tồn di sản. Tuy nhiên, báo cáo của UNESCO cũng chỉ ra những thách thức mà di sản đô thị Hội An phải đối mặt. Nhiều công trình cổ bị xâm hại, vi phạm trong trùng tu; khai thác chưa hiệu quả,  còn hạn chế trong việc biến các di sản thành một tài nguyên du lịch bền vững… Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa ồ ạt, tình trạng ngập úng, ô nhiễm đang bủa vây các kiến trúc, đô thị...

QUỐC HẢI

QUỐC HẢI