Đầu năm đi lễ khai sơn

THIÊN THU 14/02/2017 08:38

Hằng năm, vào ngày mùng Bảy tháng Giêng âm lịch, người dân xã Quế Lộc (Nông Sơn) lại nô nức kéo nhau vào rừng mở hội khai sơn, tri ân chốn rừng thiêng.

Tong những ngày tết ngày xuân, mặc dù bận rộn nhiều công việc nhưng ai nấy  đều sắp xếp thời gian cùng nhau sắm lễ vật chu đáo để cúng Thần rừng. Chị Đặng Thị Hương ở xóm 3, thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc, cho biết: “Trước ngày diễn ra lễ hội khai sơn, chị em phụ nữ tất bật đi chợ mua sắm mâm lễ cho chu toàn, không thừa cũng không thiếu. Chi phí mua sắm là sự đóng góp tuỳ vào sự hảo tâm của mọi người, trong đó có cả những người con xa xứ luôn hướng về nguồn cội tổ tiên với tấm lòng thành kính nhất”. Cũng theo chị Hương, lễ vật được các người có kinh nghiệm lựa chọn một cách kỹ lưỡng, mọi thứ phải tinh tươm, sạch sẽ. Đặc biệt, khi mua gà cúng nhất thiết phải chọn những chú gà trống tơ nhanh nhẹn, khỏe mạnh, chân vàng, mồng tách nhú cao cân đối đỏ tươi, bộ lông óng mượt.

Người dân tham dự lễ hội và tổ chức ăn uống giữa rừng. Ảnh: T.T
Người dân tham dự lễ hội và tổ chức ăn uống giữa rừng. Ảnh: T.T

Hành lễ được đặt tại Tưởng Niệm Đường trên một khu đất trống. Lễ cúng gồm gà luộc, thịt heo phay, cháo muối, xôi chè, hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu trắng và gạo nếp. Ban nghi lễ gồm tám người gồm chánh bái, văn tự, tả hữu, chiết rượu, đánh trống chiêng. Sau khi lễ vật đã được bày biện xong, vị chủ lễ trong trang phục áo dài khăn đóng tiến đến gian chính diện trang nghiêm cúi đầu làm thủ tục khoáng tẩy (rửa tay) rồi khấn vái mời các vị Thần rừng, suối sông và 12 con giáp về chứng giám. Ẩn trong làn sương mỏng lan tỏa khắp ngọn đồi, cỏ cây là lời thầm thì khấn nguyện hòa cùng tiếng trống chiêng nhịp nhàng, tiếng suối chảy róc rách âm vang khắp núi rừng. Cụ ông Uông Huệ, năm nay 80 tuổi, người làng Lộc Đông là vị chủ lễ suốt 30 năm nay, cho biết: “Bài văn khấn thì cơ bản năm nào cũng vậy nên mọi người trong ban nghi lễ đều thông thuộc, nhưng không đặt nặng về bài khấn quá, mà quan trọng là cái tâm trong sáng và tấm lòng thành kính gửi đến thế giới siêu nhiên siêu hình. Sau lễ khai sơn, mọi người mới được phép vào rừng để tiếp tục công việc mưu sinh”.

Khi các nghi thức hành lễ cúng bái đã xong, lễ vật được dọn xuống bày biện tại chỗ, mọi người quây quần ăn uống vui vẻ coi như là dịp gặp mặt đầu năm cùng chúc nhau sức khỏe, công việc làm ăn năm mới thuận lợi hanh thông. Theo anh Phan Chiến - thành viên Ban tổ chức lễ khai sơn, năm nay thời tiết không thuận lợi, đường sá lầy lội do mưa nhiều nhưng mọi người vẫn có mặt đông đủ, chung tay góp sức, sửa soạn mâm lễ để cúng Thần rừng với hy vọng trong việc làm ăn của mọi người mọi nhà được suôn sẻ, mùa màng bội thu, gia đình trong ấm ngoài êm. Lễ hội khai sơn ở xã Quế Lộc không chỉ là tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời, mà còn là một nét đẹp văn hóa dân gian được gìn giữ gần trọn vẹn từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhằm tri ân các vị tiền hiền, tiền bối đã có công khai sơn phá thạch, lập làng, đồng thời cũng là dịp cộng đồng dân cư gắn kết với nhau xây dựng cuộc sống ấm no sung túc.

    THIÊN THU

THIÊN THU