Sôi động lễ hội cầu ngư
Những ngày này, lễ hội cầu ngư lại diễn ra rộn ràng ở các vùng quê ven biển trên địa bàn tỉnh.
Đến hẹn lại lên
Mỗi lần ra khơi, tai ương rình rập nên người dân miền biển rất sâu sắc với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông - thần Nam Hải độ trì, cưu mang họ mỗi khi gặp rủi ro. Trong tín ngưỡng đó, tục cầu ngư liên tục diễn ra trong những ngày này khi ngư dân thực hiện chuyến “mở biển” đầu năm. Mùng 6 tết (ngày 2.2), cộng đồng ngư dân làng biển thuộc thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh, Thăng Bình) rộn ràng tổ chức lễ hội cầu ngư. Ngư dân Võ Bồi ở thôn này, kể: “Cách đây đã lâu, 10 năm có lẻ, khi đó tôi đang câu mực ở ngư trường Trường Sa thì không may thuyền thúng bị lập úp do gió bất thần xuất hiện, giật mạnh. Tôi bị chúi xuống biển lạnh giá, cứ tưởng đã mãi nằm lại giữa biển khơi muôn trùng thì đột nhiên tôi thấy được nâng đỡ, dìu đến con “tàu mẹ”. Tai ương qua khỏi tôi mới giật mình nhận ra, mình đã may mắn được cá Ông cứu thoát”.
Hát múa bả trạo cần được truyền đạt lại cho thế hệ trẻ. Ảnh:V.PHIN |
Theo truyền thuyết, mỗi lần cá Ông cứu người thì sẽ hy sinh, trôi dạt vào bờ. Bởi vậy, khi người dân làng biển phát hiện cá Ông lụy vào bờ sẽ làm lễ cúng rất linh đình, chôn cất và thờ tự. Trong lễ hội cầu ngư được người dân làng biển Bình Tịnh tổ chức mới đây, lễ nghinh Ông diễn ra hết sức uy nghiêm, sinh động. Người dân tiến hành rước linh vị cá Ông đến biển, về lại nơi thờ tự trong cờ hoa và chiêng trống. Sau phần nghinh cá Ông, các bậc trưởng thượng làm lễ cúng tiền hiền, hậu hiền, chánh tế. Phần lễ kết thúc, hội cầu ngư tiếp nối, mang đậm dấu ấn văn hóa miền biển, nổi bật với màn hát múa bả trạo. Quá trình cá Ông cứu người qua mô phỏng của người dân đã được tái hiện rõ nét qua hình thức diễn xướng này.
Cũng vào mùng 6 tết, người dân thôn Đông Tuần ở xã biển Tam Hải (Núi Thành) sôi động tổ chức lễ hội cầu ngư. Ở phần lễ, linh vị cá Ông cùng nhiều kiệu được các ngư dân tổ chức rước trang trọng. Ở phần hội, đua thuyền diễn ra náo nhiệt. Tuy nhiên, điểm nhấn của lễ hội là hát múa bả trạo lại thiếu vắng. Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, mặc dù rất cố gắng nhưng đội hát múa bả trạo của xã lại chưa được khôi phục để tham gia diễn xướng lần này. Nguyên nhân là thiếu đội ngũ kế thừa, các cao niên làm tổng mũi, tổng lái sức yếu không thể tham gia trong khi đó, người trẻ chưa đủ kinh nghiệm làm tổng để dẫn dắt toàn đội hát múa bả trạo.
Gìn giữ vốn văn hóa
Theo ông Trần Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, lễ hội cầu ngư là hình thức văn hóa của cộng đồng làng biển, gắn chặt với tâm linh, tín ngưỡng của ngư dân. Lễ hội này vừa mang tính chất truyền thống vừa có các yếu tố hiện đại qua trang phục, âm nhạc, diễn xướng, gần gũi với sinh hoạt thường nhật và điều kiện sản xuất của ngư dân. Ông Tám cho biết, suốt quãng thời gian dài, loại hình hát mùa bả trạo mai một ở địa phương. Thế nhưng, bằng sự giúp đỡ nhiệt tình của nghệ sĩ Xa Văn Hùng, địa phương đã gầy dựng được đội diễn xướng, hoạt động sôi nổi vào nhiều dịp trong năm. “Để tạo không khí phấn khởi cũng như cầu mong trời yên, biển lặng, hải sản dồi dào trước khi ra khơi đầu năm, ngư dân hăng hái tham gia lễ hội cầu ngư, hát múa bả trạo. Mỗi khi cá Ông lụy vào bờ, địa phương cũng tổ chức các nghi lễ thờ cúng. Trước đây, đội hát múa bả trạo hoạt động tự phát nhưng bây giờ đã đi vào nền nếp nhờ diễn xướng bài bản theo nhạc điệu rõ ràng” - ông Tám nói.
Đội hát múa bả trạo của xã Bình Minh là đầu tàu, luôn đi diễn vào các lễ hội cầu ngư ở khắp miền biển của huyện Thăng Bình, như ở các xã Bình Hải, Bình Dương, Bình Nam. Đội văn nghệ này gồm 22 thành viên, 3 tổng mũi, tổng khoang, tổng lái dẫn đầu, 18 con trạo diễn xướng theo nhịp hô của các tổng và 1 người phụ trợ phụ trách các vật dụng cần thiết trong lễ hội. “Duy trì đội hát múa bả trạo vừa rất khó, lại vừa đơn giản nếu có cách thực hiện phù hợp. Trước đây, mỗi khi 3 người làm tổng về già là địa phương hiếm có người thay thế. Chúng tôi đã xây dựng đội bả trạo có 3 tổng, thuộc 3 thế hệ khác nhau, già có, trung niên có, trẻ tuổi có, luôn kế thừa. Các con trạo chủ yếu là học sinh từ bậc tiểu học đến trung học. Các em rất thiết tha với loại hình nghệ thuật này vì muốn bày tỏ tình cảm, cầu mong cho cha, anh, người thân của mình bình yên trước sóng gió khi sản xuất trên biển” - ông Tám cho biết thêm.
Hoạt động của đội hát múa bả trạo xã Bình Minh có nhiều thuận lợi nhưng các đội ở Núi Thành lại khó duy trì. Ví dụ như ở xã Tam Hòa, tổng mũi là ông Lê Văn Minh đã già yếu nhưng không có người kế thừa. Đội bả trạo Tam Hải chưa thể gầy dựng lại. Ông Nguyễn Đường - Phó Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Núi Thành chia sẻ, hát múa bả trạo trên địa bàn đang mai một. “Có nơi sưu tầm, biên tập nội dung và các làn điệu diễn xướng không đầy đủ, chưa lột tả được thần thái của bả trạo. Có địa phương sử dụng lễ phục chưa đầy đủ, thiếu tính truyền thống. Có xã chỉ sử dụng nhạc cụ là trống và cặp phách, thiếu thanh la, nạo, bạt nên không hấp dẫn” - ông Đường nói. Trước thực trạng đó, ngành văn hóa huyện Núi Thành đang tập trung nhiều giải pháp khôi phục truyền thống văn hóa hát múa bả trạo. “Chúng tôi đang đề xuất với huyện triển khai giảng dạy hát múa bả trạo trong trường học qua các lớp ngoại khóa. Điều đó không chỉ tạo hiểu biết, yêu thích trong học sinh mà còn thôi thúc các em tham gia các đội hát múa bả trạo. Đề xuất khác của chúng tôi là cấp huyện và cấp tỉnh cần có cơ chế khuyến khích thiết thực, giúp các cộng đồng dân cư ven biển khôi phục lại hoạt động bả trạo vốn gần gũi, ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức của họ” - ông Đường cho biết thêm.
NGUYỄN QUANG VIỆT