Tình xuân trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ

NGUYỄN HUYỀN THOẠI VY 30/01/2017 11:36

(Xuân Đinh Dậu) - Đôi khi, vào một giây phút lơ đễnh nào đó, ai trong chúng ta cũng một lần để mùa xuân thất lạc. Người viết cũng từng đánh rơi mùa xuân ngoài ô cửa cuộc đời vào một ngày thanh thanh, rồi nhờ tiếng sơn ca thánh thót trong vườn nhà ai đó nhặt giúp. Thế nhưng, nỗi buồn trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ lại luôn thấp thoáng gương mặt rạng ngời của mùa xuân.

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ.
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ.

Nếu men xuân là có thật, thì chiếc cốc đời của người thơ luôn được mùa xuân rót đầy lời chúc phúc. Nếu trót lạc lối thì mùa - xuân - em vẫn đợi sau cánh cửa và lối về luôn để ngỏ niềm vui. Có hề gì nếu em chính là mùa xuân và đóa xuân lòng nở hoa trong em: “Ngày qua không hối tiếc/ Hoa nở giữa lòng đêm” (Đợi mùa xuân chúc phúc). Thật ra, trong tập “Thơ Tần Hoài Dạ Vũ” có những câu thơ lạc mất mùa xuân, nên câu chữ trĩu nặng u hoài. Đọng lại trong mắt thơ là dư vị ám ảnh của “Nỗi-buồn-tình-nhân”! Xem nỗi buồn như người tình, như người bạn đời đích thực, có lẽ người đọc chỉ gặp ở mấy câu thong dong sau đây:

“Em, chỉ có em là tình yêu mãi mãi

Vì em

Là nỗi buồn trong sâu thẳm hồn tôi”.

Cách xuống dòng bất chợt, không tuân theo quy luật nào là sự phá cách trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ. Ngược hoàn toàn với kiểu chấm lửng day dứt ngậm ngùi trong mấy câu thơ tuyệt hay của thi phẩm “Chiếc bóng chiều đông”: “Anh một đời làm con sóng lênh đênh/ Bến lòng em chưa bao giờ vỗ tới/ Tóc chớm bạc, tiếc đời, xanh mấy sợi/ Nhưng lòng riêng bạc trắng ước mơ rồi…”. Người viết thích dấu phẩy dứt khoát, phân minh ở dòng thứ ba quá đỗi. Vì “tiếc đời” đặt sau chữ “bạc” và trước chữ “xanh” khiến ngọn gió xuân thì thổi khôn nguôi suốt đời thơ, tình thơ trong các thi phẩm còn lại.

Mùa xuân tất bật lướt qua đời tình ngăn ngắn và đời thơ dằng dặc trong “Mùa xuân không mộng”. Không vội sao được khi kiếp người hữu hạn mà những niềm vui xuân thì lại mong manh! Ai đợi ta cuối nẻo về? Ai đợi ta sau giấc mộng kê vàng bên gối? “Hẹn một mai về lại/ Bến sông tình đôi mươi/ Cho em vớt tiếng cười/ Chưa tan trong nước biếc”. Có tuổi trẻ nào mà không thấy trước mắt mình cả bầu trời hứa hẹn? Để khi tuổi hai mươi đi qua, ta nhặt nhạnh những mảnh trời xanh còn đọng lại cất vào ngăn kỷ niệm? Nếu gặp gỡ những câu thơ reo vui như bản “Tình ca mùa xuân”, thì cũng có thể chạm mặt những câu chữ não lòng trong “Đêm xuân, đọc sách trong chùa”, như một sự đối trọng buồn vui đời người: “Có một người nhớ quê/ Tìm ngày xuân trong sách”. Trang sách đời riêng lật mãi chưa xong, mà mùa xuân tâm cảm “đã xuống dòng”. Chỉ còn đóa hoa xuân ướp hương trong tà áo cũ, kết thành giấc mộng quê nhà đau đáu trong hồn người xa xứ: “Còn không xuân ở trong ta?/ Có không đời giấu sau tà áo em?/ (…) Thanh tân cuối ngõ gió lùa/ Nằm nghe xuân mộng em vừa trổ hoa…”.

Màu nắng trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ xuất hiện như một sự ám gợi. Màu nắng xuân vừa day dứt, khắc khoải khi hướng đến hiện tại; vừa hạnh phúc, an lạc khi quay về quá khứ. Bởi cái nắng giêng hai thấu thị làm mềm lòng thi sĩ, khi tình xuân vừa chớm? Vì lòng xuân để ngỏ nhưng thường ghé qua rất vội: “Có mùa xuân rất vội/ Gọi nắng phía chân trời”. Nỗi buồn khi xuân về thường trong trẻo nên bao dung và nhân hậu đến không ngờ. Dẫu mùa xuân qua rất vội thì màu nắng xuân trong tuyển thơ Tần Hoài Dạ Vũ còn thong dong ở lại với đời. Để mãi níu giữ màu nắng xuân óng chuốt tơ lụa, thi nhân đã đi suốt miên trường của thi ca trong tâm thế khởi hành. Có thể vì vậy mà nỗi u hoài trong cõi thơ của ông luôn được khoác màu nắng mới rất lạ, được soi chiếu bởi ánh sáng lạc quan. Tôi gọi đó là nỗi buồn rạng rỡ xuân.

NGUYỄN HUYỀN THOẠI VY

NGUYỄN HUYỀN THOẠI VY