Tản mạn chuyện chọi gà
(QNO) - Trò chơi “chọi gà” có từ xa xưa, hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh và nghệ thuật. Ngày xuân Đinh Dậu, kể chuyện chọi gà để “đánh thức” một nét đẹp văn hóa dân gian, trong đó có miền quê Quảng.
Theo tích xưa, ba anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ có những sở thích khác nhau. Khác với hai anh, Nguyễn Lữ từ nhỏ đã mê đá gà. Bỏ nhiều tháng năm xem gà chọi, một ngày Nguyễn Lữ gặp kỳ duyên với con gà ô mình nhỏ mà võ hay. Theo con gà đi suốt nhiều trận sống mái, ông học hỏi và sáng tạo nên môn “quyền kê” góp phần cho phái võ Tây Sơn dựng nghiệp lớn. Không rõ chuyện này có được minh định trong lịch sử võ đạo truyền thống hay không, nhưng hẳn không lạ vì võ học được sáng tạo từ những con vật, để lại nhiều quyền thế, chiêu thức như “hổ quyền”, “hầu quyền”, “miêu trảo”, “ưng trảo”, “hổ trảo”…
Một thế song tranh quyết liệt của cặp gà chọi. |
Qua hàng nghìn năm, chọi gà là thú chơi phổ biến từ Nam chí Bắc. Ở Quảng Nam, “chọi gà” xuất phát từ đâu không rõ. Song theo lời kể của nhiều bậc cao niên thì chọi gà có mặt ở Quảng Nam lâu lắm. Cách đây mươi năm tôi từng gặp cụ Hồ Văn Giáo ở An Xuân (Tam Kỳ), người có gần nửa thế kỷ đam mê chơi gà chọi. Theo ông Giáo, từng có một trường gà nổi danh ở Đại Lộc của ông Phủ Sang. Nơi đây đã có nhiều trận thư hùng giữa các võ sĩ kê từ Bình Định, Quảng Ngãi đến tận Thừa Thiên.
Ngày xưa, chơi đá gà gắn liền với dịp xuân nhật, độ giêng hai. Sau này các trường gà ở Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ dần hình thành, phái gà ở núi như Tiên Phước, Quế Sơn, Đại Lộc cũng có gà đưa về dự đấu. Ngày nay, các trường gà còn lại không nhiều, và quy mô đã dần bó hẹp. Vài nơi như Đại Lộc, Tiên Phước, Hội An còn có các trường nhỏ, với số lượng gà được chuẩn bị để thi đấu chừng 5, 3 con. Riêng ở Tam Kỳ, hai trường gà An Xuân và An Sơn, có khoảng vài chục võ sĩ kê…
Nghề nuôi gà và chơi gà chọi khá công phu. Có những loại “sách” truyền thuật coi gà, chăm gà đá, thường được giấu như những bí quyết. Tuy vậy, nếu quan sát kỹ một người nuôi gà để thi đấu cũng có thể biết được những quan niệm nghệ thuật chơi gà đá của họ. Ngày trước, gà ở Quảng Nam được chọn giống và mua ở Quảng Ngãi, về nuôi trong một năm có thể xuống “vi” (sân thi đấu) để đá xổ. Cũng nghe kể, giống gà Tây Sơn nổi danh nhưng dần thất truyền bây giờ mới có một loại “mái hùm” chuyển về vùng Sông Vệ và Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) cho ra thứ gà đòn, gà thế cự phách, đá chì. Khi con gà đạt được độ tuổi và trọng lượng có thể thi đấu, người nuôi gà bắt đầu cắt lông gà dọc từ hai nách xuống bụng và gần như “hớt trọc” đầu và cổ. Làm thế để vào cuộc đấu khỏi bị cắn, mổ. Ngay chỗ lông bị hớt trụi họ vỗ nước hạt cau già, xuyên đàm thất, nước chè để da gà dần chai, chì và đỏ. Tập sức bật bằng cách xòe tay đè lưng gà xuống đất, gọi là “nhún gà”. Tập thế dựa vào địch thủ để giữ thăng bằng, lựa miếng bằng cách cho hai gà bịt mỏ và chân vuốt, quay nhau, gọi là “quay gà”. Nhún gà, quay gà làm cho chàng võ sĩ kê còn có thêm sức chịu đựng, giống như những bài tập thể dục, khởi động vào các buổi sáng. Trước mỗi cuộc đấu, thường hai thân chủ xem gà và ước trọng lượng gần ngang nhau.
Xem gà mỗi người mỗi sách. Đại để có mấy cách nhìn vào các “chỗ hiểm” để lượng định con gà hay, dở. Thường trên chân gà đá có hàng vảy trước, nếu đều như nhau, tựa những tam giác đối xứng gọi là “thiên địa giáp”, đá bền và ngang sức. Hàng vảy sau nhượng chân gọi là vảy độ, xem biết gà đá được mấy trận ăn thua, có người bảo “vấn cán đá ráng thì cũng chạy” (vết chạy cắt ngang hàng vảy chân gà đòn), nhưng có chỗ bảo có gà gãy hết vảy mà vẫn hay, nhờ con “mắt quái” và dưới lòng chân “có nồi” giấu đòn độc hiểm. Sẽ vô cùng nếu đi vào thuật xem gà, chăm gà đá, chỉ biết đó là cả những pho kinh nghiệm được đúc kết nhiều đời từ một trò chơi đầy đam mê nghệ thuật.
Trở lại với trường gà và những trận đá gà. Quả thật, đây là trò chơi đầy hào hứng. Ngày cũ, đá gà xem từ ngày này sang ngày khác vẫn chưa dứt khi cặp gà đá mỗi lúc mỗi hay. Có gà cứ chạy suốt ba đòn mới đá một đòn rất hiểm, đấy là gà thế, đá suốt ngày không thấy bại. Đá gà đi liền với việc cá độ. Độ như một chất men kích thích. Trong nghề chơi gà, nhiều người kể lại có kẻ độ gà mà cháy túi vài chục cây vàng như không. Nhưng đó là mượn gà đánh bạc. Những người ấy thường thông qua những tay chơi gà chuyên nghiệp mà bắt độ. Chính vì cá độ ăn thua dữ dội đã giết chết nhiều chủ trường gà trong những tháng năm ly loạn.
Nhiều năm trước, mỗi mùa xuân đến trường gà, hỏi những người chơi chọi gà, tôi còn được biết những chuyện thú vị. Rằng nghề chơi gà đá cũng tham gia bao việc nghĩa. Có hồ gà trở thành nơi những chiến sĩ tình báo tìm kiếm mối dây cắm vào giới thượng lưu của địch để thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Cũng có chuyện nhận mặt quê hương, tình bằng hữu đầy xúc động qua những hội gà. Nghĩa tình trong chơi gà cũng đầy tri âm, tri kỷ. Nghe tiếng gà gáy, biết đòn thế con gà, giống gà; có người mê và giữ lại như giữ cái tình với nghệ thuật. Với họ, con gà chọi có 5 đức tính tốt như Tả quân Lê Văn Duyệt thời Gia Long quan niệm: văn, võ, dũng, nhân, tín. Như chuyện còn lưu truyền về con gà ô tía của ông Phó Quờn (Tiên Phước) sống 17 tuổi, đá 14 năm vẫn thắng, được mọi người yêu quý như “thần kê”.
Kể chuyện chọi gà, người viết những mong trò chơi này được lưu giữ với đam mê nghệ thuật. Chơi gà chọi gắn với bao ký ức đẹp của cha ông, ẩn chứa khát vọng về một tinh thần thượng võ. Giống các trò chơi dân gian khác như chọi trâu, chọi dế, chơi chim, cá cảnh… chơi gà chọi cũng là nét đẹp văn hóa dân tộc, trong đó có vùng đất Quảng vào mỗi dịp xuân về.
ĐĂNG QUANG