Những mùa, những mùi
(Xuân Đinh Dậu) - Chẳng biết phải bắt đầu từ đâu khi viết về mùa. Một người bạn thơ có câu thơ nói khá chính xác về quê xứ Quảng Nam ngỡ chỉ có “hai mùa mưa nắng” mà chưa hẳn vậy, rằng “ở một xứ sở nắng mưa tùy tiện” (Nguyễn Đức Dũng). Giữa mùa hạ và mùa đông vẫn có một quãng thu với trạng thái giao mùa - trạng thái này dường chỉ dành cho những con bệnh “dị ứng” với thời tiết và bọn “thi sĩ ất ơ” nhận ra - mùa những cơn gió vừa đủ se se lạnh, mùa mặt trời chơi trò “cút bắt” với gió trong mây, một chút mưa, nhiều cơn nắng phai, vài tiếng sấm xa, giữa đêm gió mùa ghé thăm như kẻ trộm…
Gói bánh ngày tết. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Nhớ nhất vẫn là mùa đông tháng giá. Người quê không nói “mùa đông”, người quê chỉ nói “mùa tháng chín tháng mười”. Cả năm vất vả làm ăn chỉ mong thoát qua được cái đói, cái khổ những ngày mưa bão, lụt lội “tháng chín, tháng mười”. Còn vương vất mãi trong khứu giác thằng tôi ngày bé mùi khói bếp oằn mình trong gió trong mưa, mùi cơm ghế/độn bắp giã, hay sắn lát, khoai khô vừa chín tới. Rồi mùi mắm cái pha nước lạnh cho vào nồi canh rau lang đang sôi sực lên mũi, con tì, con vị trong người cũng sôi lên… Mùa mưa thì có mùi mưa. Mùi mưa nhạt và lành lạnh. Lớn lên mới cảm được, đó là mùi đương nhiên, mùi những con người hơi nhạt mà ta phải tiếp xúc hằng ngày, gặp hoài thì chán mà không gặp thấy thiêu thiếu một nỗi chi chi đó, khó nói. Mưa miết thì buồn. Còn nhớ Th. những ngày bệnh, bạn hay hỏi bâng quơ rằng có nhận ra mưa có mùi tro trên trời, tro của những đám mây. Ngày ấy quên hỏi vì sao bạn chỉ yêu hoa huệ. Câu hỏi giờ chỉ hỏi hư không. Tang lễ thơm mùi hoa huệ, hoa thơm lành sạch một nỗi thiêng. Giỗ chạp cũng vậy, huệ cũng thơm mùi tiếc nhớ vì là “hoa của nỗi đau”. Lại nhớ D. - gã học trò Quảng Nam hay cãi thầy, rằng tên bài của Baudelaire - “Les Fleurs du mal” phải dịch như vậy, “ hoa của nỗi đau” chứ không phải dịch là “hoa ác” dù “mal” còn có nghĩa là ác, xấu…
Nhớ ngày mẹ sinh em bé. Ba đan mấy tấm phên tre lớn ghép hình chữ nhật làm buồng. Căn nhà có mùi lửa xông, mùi muối rang, mùi cá bống kho tiêu dành cho người mới đẻ ăn. Nhà có em có thêm mùi oi oi sữa mẹ. Mùi của sự sống bắt đầu, trắng trong, vô nhiễm.
Rồi đông cũng qua đi như những câu chuyện, những cảnh ngộ buồn. Sau mưa trời lại sáng. Sáng bao nhiêu cũng không làm mờ nhòe ký ức như một sớm mưa phùn, khi đứa em mất, ba vác chiếc quan tài nhỏ xíu đi trước, mẹ vác cái cuốc, mình cầm chiếc chiếu và bọc quần áo của em đi sau… Mộ của em be bé nằm mãi trên một ngọn đồi cát nhỏ trên con đường về biển - “những sóng đưa nôi lúc biển gọi ta về”.
Mùa tết. Lại nhớ một thời “bao cấp” hàng hóa ở cửa hàng hợp tác eo sèo, người người chỉ quan tâm đến cái ăn. Bạn còn nhớ đến cái mùi “khủng bố” dạ dày khi chúng mình đi học ngang qua chợ Viên Giác - mùi thịt nướng thơm của món bún thịt nướng, bọn chúng mình cứ hẹn “hãy đợi đấy” mà rồi đã mấy chục năm sau vẫn chưa một lần ăn, vì khi có tiền, lại quên, lại có nhiều thức khác. Tết nhớ nhất mùi hương giác trầm thơm đầy ngõ phố, thơm những ban thờ, ấm những chân nhang, mùi thơm cũng làm ấm bàn tay em lạnh - “tay em lạnh mùa đông ngoài phố” (Việt Anh - Đêm nằm mơ phố). Những con đường ngoại ô có mùi cây lá nõn, lá cây đang thở nồng trong gió, thơm như mùi tóc tình đầu, thơm như mùi vải mới trẻ con khoe áo mới.
Những ngày xuân như tuổi xuân qua nhanh, như chưa hết tết đã nghe mùi bánh tét chiên, bánh tổ chiên, mùi nếp, mùi đường mật ngạt ngào mà tiêng tiếc. Ngay miếng hạt dưa bé xíu vừa cắn tách trên môi đã có âm giọng chia ly “xuân đang non nghĩa là xuân đã già” của Xuân Diệu. Trên quốc lộ mới mấy ngày vui đã thấy người tiễn người xuôi Nam ngược Bắc. Tết là chi? Quê kiểng là chi? “Người mới quay về người lại đi. Ai bắt người về, mang người đi. Để gió thổi tràn qua cõi trống…”. Thương như câu thơ thủa vừa mới lớn. Rồi ra thì mình ở lại. Ở với mùi rong rêu những dòng sông mùa hạ, khi nước triều rút cạn, sau nắng quái chiều hôm, đáy sông dâng lên một mùi oi nồng sực sệt. Vậy mà xa thì nhớ. Bên bờ sông, nhớ một sớm thái hòa, nằm dài trên cỏ ngó mây dắt nhau đi, rồi mơ giấc mơ ngày, cơn mơ thơm mùi cỏ, mùi những nụ hôn ngọt, khi hỏi ra mới biết em bị cảm nên vừa ngậm viên thuốc có vị bạc hà.
Làm sao không nhớ mùi gian nan, mồ hôi và gió trên những con đường trai trẻ ở Đại La, An Ngãi, ở đường 9, Dakrong, Biên Sơn, Mẹt, Chi Lăng… Cánh rừng hoang, mùi ổi chín con chim tha đi thơm mấy quãng trời, nhớ mùi khói phân trâu nửa đêm, mẹ Lục Ngạn thổi cơm cho ta ăn, giờ mẹ đã thành mây trắng.
Ở lại cũng như ra đi. Ai rồi cũng phải chung đụng với mùi tiền. Mùi tiền khá “thơm” dù lẫn với mùi mồ hôi lao nhọc hay mới tinh vừa rút từ ngân hàng ra, ta vẫn luôn mong đó là phần thưởng của công việc chân tay hay trí não, lành sạch, đứng đắn… Những đồng tiền thơm như mùi giấy mới của một cuốn sách mới mua. Thân xác rồi mất dần khả năng cảm nhận những mùa, những mùi nhưng ta còn ký ức - ký ức lưu cữu mùi hương.
Như thằng bé con xứ biển là tôi luôn “thính” với mùi cá mắm dù thơm hay không thơm. Dù đi đâu, dù ở đâu, những đứa miệt biển vẫn mang thứ “mặc cảm mùi biển”, nồng nã, tanh tao nhưng hào phóng gió và thực chất. Mà làm sao không yêu quê xứ cho được vì ở đó luôn có “mùi người” mà bạn và tôi yêu mến; nơi đó, mình cùng ra biển đọc vang lên câu thơ của René Char - “những kỷ niệm của sóng đang nằm trong nhà kho của muối”.
PHÙNG TẤN ĐÔNG