Mẹ trông tết về
Khi tiết trời se lạnh, ngọn đông phong ùa về phủ lấy những lộc non xanh mướt trước hiên nhà, cũng là lúc mẹ trông tết về. Không có tết, chúng tôi chẳng có thứ gì. Bởi lẽ, mọi chuyện đều trông vào công việc cuối năm bận rộn của mẹ.
Mẹ tôi là thợ làm bánh ngon có tiếng trong xóm. Mẹ chẳng có bí quyết gì ngoài việc cần mẫn, tươm tất và lấy chữ tín làm đầu. Người ta bắt gặp trong bàn tay mẹ là cả một sự khéo léo, đảm đang, chuyên nghiệp nên tin tưởng đặt mẹ làm bánh, mứt tết. Năm nào cũng vậy, cứ độ 15 tháng Chạp cho đến tận đêm 30, nhà tôi bừa bộn như “bãi chiến trường”. Nguyên gian bếp là phòng làm việc của mẹ. Nào là lá chuối, đậu xanh, đậu đen, bí, khổ qua, gừng... nằm gọn trong từng thau, rổ. Nguyên liệu làm mứt và bánh được mẹ phân ra riêng biệt để khỏi rối tung lên. Bà con, họ hàng nhìn vào đều nể phục cái tài khéo léo cũng như nhanh nhẹn của mẹ. Bởi, dù có đặt bao nhiêu quà tết thì mẹ cũng làm đúng hẹn, mà lại chỉn chu.
Gia đình quây quần bên nhau gói bánh tết. |
Khách hàng của mẹ đều là những người bận rộn. Vì không có thời gian ngồi vẽ vời bánh, mứt nên đã tìm đến mẹ, nhằm giúp cho gia đình có phong vị tết trọn vẹn. Đôi khi là ông chủ xí nghiệp nào đó, muốn có những miếng bánh, mứt ngon miệng, hợp vệ sinh, không chất bảo quản để tặng cho bạn hàng, đối tác nên không do dự nhờ mẹ làm giúp. Cũng có người từ nơi khác tìm đến, qua lời giới thiệu của một người quen, nhờ mẹ làm cho vài chục đòn bánh tét, hộp mứt dừa, mứt khổ qua để làm quà biếu. Lại có quý cô, chỉ đơn giản mấy ngày tết cổ truyền ngồi đọc báo xuân, xem ti-vi và ăn bánh, mứt do chính tay mẹ làm nên không ngần ngại “chơi” cả ký mứt bí, mứt dừa...
Khách đến đặt hàng, họ tên, số hàng, ngày giao đều được ghi vào cuốn sổ tay màu đen nhám. Mẹ học ít, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì khi mẹ tính nhẩm rất giỏi. Những nét chữ nguệch ngoạc đôi khi đối với người khác là vô trật tự, nhưng với mẹ lại dễ hiểu và ngăn nắp lạ kỳ. Mẹ làm việc rất khoa học, dù rằng khái niệm đó đối với mẹ là xa xỉ. Buổi tối đi ngủ, mẹ đã tranh thủ ngâm đậu, nếp trước. Khi chú gà trống choai nhanh mồm báo thức, mẹ vội dậy sên mứt, khìa mứt. Đến lúc ông mặt trời bừng tỉnh, mẹ mang những mâm, nia mứt ra sân phơi cho khô. Giờ thì lúc mẹ bắc nồi nước to thiệt to lên cho sôi. Chúng tôi tham gia đội quân lau lá chuối, xay lá dứa, lá cẩm, củ dền tạo màu cùng bà. Bà ngày xưa gói bánh, làm mứt cũng giỏi, nhưng theo thời gian, đôi bàn tay khéo léo ấy run rẩy nên phải nhường sự đảm đang cho mẹ. Mẹ gói bánh rất nhanh, chặt, không khi nào bị “xì” ra. Thậm chí có những đòn bánh tét tạo chữ trong nhân, nhìn cách mẹ nâng niu tỉ mẩn từng đường nét khéo léo, khiến ai cũng trầm trồ. Nếu có nhiều loại bánh khác nhau, đối nghịch nhau về thời gian chín cũng như màu sắc, mẹ bắc thêm một nồi nước nữa cho tiện lợi. Khi đã xong phần gói lá chuối, mẹ thả bánh vào nồi và đậy nắp lại. Bánh đã được ngâm đậu và nếp nhiều giờ nên mau chín, hương thơm tỏa nghi ngút.
Buông cái này, bắt cái kia thì dù là mình đồng da sắt cũng phát oải, nói chi là người phụ nữ chân yếu tay mềm như mẹ. Nếu mẹ đổ bệnh trong thời gian này là cả vấn đề. Có lần, mẹ sốt thật. Cả nhà vừa lo cho mẹ, lại lo không kịp thời gian giao hàng cho khách. Bà bảo: “Con bệnh thì cứ nghỉ ngơi vài ngày cho khỏe. Phần bánh, mứt để mẹ lo”. Mẹ không yên tâm, nên dù bệnh vẫn ngồi dậy tranh thủ làm cho kịp thời gian. Anh em tôi phải lo pha nước cam, bóp vai, đấm lưng cho mẹ để mẹ mau chóng khỏi bệnh.
Ngày 30 tết, khi đã giao hàng cho khách đầy đủ, mẹ lại lo cho nhà. Nguyên liệu còn dư, mẹ mang đi gói bánh để gia đình dùng trong mấy ngày tết. Những mẩu mứt vụn còn sót lại, mẹ nhẹ nhàng cho vào hộp, đặt trên bàn để đãi khách trong năm mới. Rồi mẹ nhanh tay trang hoàng nhà cửa. Chúng tôi cùng phụ một tay với suy nghĩ ngây thơ: chiều mẹ dẫn đi chợ tết sắm đồ. Nhờ có động lực ấy mà chúng tôi làm rất nhanh, không một chút than vãn. Đầu năm mới, chúng tôi hãnh diện có quần áo đẹp đi khoe với bạn bè trong xóm. Được phong bao lì xì từ mẹ với lời nhắc nhở thân thương: “Cố gắng ăn học cho tốt để không phụ lòng mẹ và bà, nghe chưa”.
Rồi những ngọn đông phong đi qua... Giật mình nhìn lại, những vết chân chim đã hằn sâu trên đôi mắt mẹ. Dù đã bước sang lục tuần nhưng mẹ vẫn miệt mài gói bánh, làm mứt mỗi khi tết về. Nhìn đôi tay già nua của mẹ xiết từng đòn bánh chặt thít, tôi mừng vì mẹ vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Nhưng… rồi tôi lại lo. Nỗi lo mơ hồ nhưng rất thực, bởi đó là quy luật tự nhiên của tạo hóa: sinh - lão - bệnh - tử. Và tôi mong mỏi, tết ơi lâu về, để tuổi đời của mẹ dài thêm, sống đời với con cháu.
Năm nay, mẹ lại ngồi trông tết về với đôi tay run run…
NGUYỄN THANH VŨ