Ngày xuân tìm hội…
Đã bắt đầu những cuộc hội làng, hội phố rải khắp mọi quê xứ, để cái tết cổ truyền có thêm nhiều màu sắc…
Và dù thời tiết có đỏng đảnh đến mấy, vẫn không ngăn được những bước chân rạo rực ra đường, để chơi xuân. Nhất là những ngày này, khi nơi nơi giăng đèn kết hoa, khắp mọi ngả đường đều ngập tràn không khí của tết nhứt, người không thể buộc lòng mình lại. Vậy là mở lòng mình ra, căng tất thảy mọi giác quan, để cảm nhận, nghe ngóng và… trẩy hội. Những phong vị truyền thống của lễ lạt sẽ lại được dựng lên trên khắp mọi vùng miền. Ngày tết, ngày xuân, không thể thiếu ca nhạc, múa hát, và trò chơi. Nên từ vùng đô thị đến thôn quê, từ miệt biển quanh năm sóng gió, đến vùng núi cao lạnh sắt se, xuân tràn khắp mọi ngõ ngách. Xuân đến từ những đoàn ca múa nhạc của địa phương. Từ lá cờ treo đầu ngõ đến cái cổng chào sơn quét tinh tươm, từ cội mai già đã kịp trổ những đóa đầu tiên. Xuân còn tìm về từ những khu chợ rộn ràng bán mua, từ cái inh ỏi của những chuyến xe sớm, từ trong những bước chân lật bật hối hả đuổi cho kịp những tháng ngày của người cửu vạn đêm hôm…
Trẻ em vui tết. Ảnh: QUANG TRẦN |
Vẫn như mọi năm, người Hội An chào đón thời khắc đất trời giao hòa bằng những điều đã nằm lòng trong nếp nghĩ, là những tục lễ đã trao truyền từ đời này sang đời khác. Ông Tống Quốc Hưng, Phó phòng Văn hóa TP.Hội An nói, dù phố cổ, thường ngày có rộn ràng đông đúc đến thế nào chăng nữa, ngày mùng Một vẫn vắng lặng và trầm tĩnh như bản chất của phố thị này. Và cư dân “di sản” thì vẫn một mực giữ những điều cố cựu để có một cái tết đúng với tên gọi cổ truyền. Vẫn những hoạt động như mọi năm, từ phục dựng “cây nêu ngày tết”, đến những điểm nhấn trong các hoạt động xuân là các phong tục, nghệ thuật truyền thống. Năm nay, Hội An có thêm “Lễ hội ánh sáng”, bên cạnh những hội chào đón giao thừa, sẽ là “khu vực” để bạn trẻ cũng như du khách Tây vui chơi thưởng ngoạn. Tục “Sắc bùa chúc xuân” tiếp tục hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân địa phương cũng như du khách được trở về với tết cổ truyền đúng nghĩa. Cũng như phố phường Hội An, dẫu đã lung linh bởi những chiếc đèn lồng đủ kiểu dáng, màu sắc hay rộn ràng bởi các gian hàng trò chơi nhưng trên phố cổ, chương trình “Thư pháp ngày xuân” với những góc đường tĩnh lặng để du khách có thể tĩnh tại chiêm nghiệm câu đối xuân, hay chỉ đơn giản để lòng mình lắng xuống cùng những giai điệu nhạc cổ truyền vang vọng.
Dựng lại không gian ngày tết xưa. Ảnh: Quang Trần |
Phố trẻ Tam Kỳ cũng đã bắt đầu những cuộc hội cho mùa mới, từ giữa tháng Chạp. Và khu Quảng trường 24.3 trở thành “điểm hẹn” cho những sắc màu mùa xuân. Phối cảnh xuân của Tam Kỳ tại quảng trường năm nay khiến nhiều người thích thú. Một mái nhà tranh dựng lên giữa phố, bên chái nhà là lò bánh tét, tự dưng nghĩ kiểu như thành phố này đã đặt cả tết quê đi vào lòng phố. Và nhiều người tìm tới bên mái nhà tranh tre này, chỉ để ngắm, cho thỏa những ký ức xưa. Chưa hết, ngoài quảng trường, người dân Tam Kỳ lại thêm một điểm chơi xuân nữa, là hội hoa tết, báo xuân, gian hàng thư pháp, đang được phô bày tại Trung tâm Văn hóa TP.Tam Kỳ. Cũng như, ở các vùng ven đô, người dân đang tất bật chuẩn bị cho những cuộc hội làng truyền thống như hội Bài chòi ở Tam Thăng, hội làng biển ở Tam Thanh, Tam Tiến...
Và khi ngược đường lên những vùng núi cao, ở đó, sẽ bắt gặp những ngày hội đậm chất vùng miền mà không dễ gì có cơ hội thưởng thức, nếu không phải là ngày tết, ngày xuân. Tiếng trống chầu giục giã, gian trò chơi truyền thống… sẽ là hoạt động thường xuyên cho những ngày tết ở quê xứ núi non. Chưa kể, từ mùng Ba tháng Giêng, Đoàn Ca kịch Quảng Nam sẽ bắt đầu “du xuân”, tới những vùng sâu, vùng cao, vùng còn khó khăn. Những vở diễn dài, từ chính kịch lịch sử như “Thai Xuyên Trần Quý Cáp” đến hài kịch đậm chất Quảng như “Thủ Thiệm”… sẽ được chuyển tải đến người dân khắp mọi vùng miền.
Hy vọng, những hoạt động văn nghệ ngày xuân, sẽ khiến sắc màu và phong vị của Tết cổ truyền Đinh Đậu đọng lại mãi trong trái tim mỗi người. Để từ đây, lại bắt đầu một năm mới thái hòa, an vui…
SONG ANH