Chờ tết cùng nhà văn Nguyễn Văn Xuân

TRẦN TRUNG SÁNG 22/01/2017 06:48

Tròn 10 mùa xuân, kể từ lúc nhà văn Nguyễn Văn Xuân ra đi (ông sinh năm Tân Dậu 1921 tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, mất năm 2007), nhớ đến ông, chúng tôi lại nhớ đến những kỷ niệm nhỏ cùng ông trong những ngày chờ tết…

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (thứ 3 từ trái sang) tại cuộc Triển lãm tranh trừu tượng của Trần Phương Kỳ.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (thứ 3 từ trái sang) tại cuộc Triển lãm tranh trừu tượng của Trần Phương Kỳ.

Với dân làm báo, và nhất là với nhà văn Nguyễn Văn Xuân (chúng tôi thường gọi thầy Xuân), những ngày chờ tết cuối tháng Chạp còn có nghĩa là chờ báo tết. Nhìn thấy báo tết là nhìn thấy mùa xuân. Trên bờ tường sẫm màu của gian nhà nhỏ hẹp, bộn bề sách báo bắt đầu xuất hiện những tờ lịch sang trọng. Rượu tây, bánh mứt của thân hữu, học trò cũ... đem đến giăng đầy bàn. Đáng quý hơn nữa, phần lớn các tờ báo từ Sài Gòn, Hà Nội đều nhanh chóng chuyển nhuận bút đến cho ông kịp thời. Thường ngoài thù lao bài viết, dịp này họ gửi kèm theo chút đỉnh tiền quà để ông tiêu tết. Ông nói, sau mùa làm báo tết như vậy, ông có thể trang trải lo việc gia đình được vài tháng.

Trong những năm thầy Xuân còn khá khỏe, ông thường dắt chiếc xe đạp “cà tàng” cùng chúng tôi - vài đứa “đệ tử ruột” la cà khắp quán xá phố phường Đà Nẵng. Vào khoảng hai năm cuối cùng, trước khi qua đời, thầy ngã bệnh phải ngồi xe lăn, chúng tôi vẫn tụ tập về nhà ông, để cùng ông lan man những câu chuyện về tết, về báo xuân. Sau này, đọc lại nhiều bài viết của ông, tôi mới nhận ra rõ hơn: ông viết cũng thoải mái giống như ông kể chuyện. Giọng điệu của ông bao giờ cũng đậm đặc “chất Quảng” không nhầm lẫn một ai! Kể về đêm 30 tết, ông có câu chuyện “Nợ và nợ đòi đêm 30”, chắc ai từng có một thuở hàn vi cũng đều thấm thía. Ông nói rằng, tất cả sự ồn ào, hỗn tạp, đánh mắng, chửi la làm rộn xóm làng đều tụ vào cái đêm cuối năm này. Bởi vì, xưa kia dân ta đa số là nông dân nghèo, hoặc buôn bán nhỏ, đồng tiền khó kiếm phải mua chịu mua đựng, phải vay, phải nợ suốt đời. Thế nhưng, ngày tết cũng phải lo cho con tấm áo mới để đỡ thẹn với đời, cúng giỗ phải có miếng thịt, thẻ hương... Do vậy, “dẫu mà nợ kéo nợ đòi/ phong lưu vẫn giữ cái nòi phong lưu”. Thê thảm nhất là nợ đòi sau lưng vào cuối tháng Chạp. Người thiếu nợ phải “van nợ lắm khi tràn nước mắt” (Tú Xương), hoặc chỉ còn nước ù lì. Hơn nữa, thời xưa nước ta không có luật lệ gì rõ ràng về nợ nần vay mượn, mà kéo đến nhà quan thì phải chịu cảnh “được kiện mười bốn quan năm/ thua kiện mười lăm quan chẵn”. Hay nhất là người chủ nợ cứ đi đòi. Đòi không được thì dùng bạo lực, chửi bới, nắm áo, kéo quần... Vì vào đêm 30 mà không đòi được món nợ thì cho tới đầu tháng giêng năm sau, không mong gì đòi được nợ. Ông cũng nói rằng, cao điểm của câu chuyện này là chửi vào đêm 30 tết, mà trước kia có một linh mục làm luận án tiến sĩ ở hải ngoại và bản thân ông cũng từng viết một tiểu luận tên “Chửi” in trên tạp chí ở Sài Gòn trước 1975.

Nói về tục “lì xì” ngày tết, thầy Xuân cho rằng, lì xì (lợi thị) là tiền cho chác ở những dạng khác nhau của người Hoa, từ lâu đã thành phổ biến trong ứng xử của người Việt. Thế nhưng, về ý nghĩa, đang có hướng nhầm lẫn giữa từ lì xì và từ “boa” (pourboire) của người Pháp. Từ pourboire là một thuật ngữ riêng: món tiền khách trả thêm ngoài số tiền phải trả hợp pháp, gọi là bù cho công tác phục dịch, tuy tiền thưởng song ngầm hiểu theo thông tục là phải có. Bởi vậy, hiện nay, có nhiều việc đáng gọi là “boa” nhiều người lại gọi là “lì xì”. Ngày tết, con cái biếu cho ông bà, cha mẹ, cháu chắt cũng gọi là “lì xì” thay vì nói “mừng tuổi” mà không biết rằng điều đó làm mất đi ý nghĩa trang trọng đầu xuân.

Về văn hóa ẩm thực truyền thống Quảng Nam, đặc biệt các món ăn ngày tết, chắc không nhiều người nắm rành rọt như thầy Xuân. Theo ông, người Quảng Nam có yêu cầu cao về việc ăn no. Ăn cơm no chưa đủ để làm việc nặng nên các món ăn đều phải mặn. Thậm chí, sau bữa ăn no nê, họ có thể bưng chén mắm lên húp ngon lành, rồi cắn một trái ớt xanh cho đã đời. Quảng Nam và Huế không chỉ khác nhau về bữa ăn mà còn khác nhau về ẩm thực. Người Quảng Nam không chuộng ăn chè, mà ăn cháo ngọt, chẳng hạn loại cháo nếp bỏ thêm ít muối, khoai đặc sệt, thêm chút gừng, nấu ngọt bằng loại đường bát. Việc ăn ngọt do có sự ảnh hưởng của người Trung Hoa tại Hội An. Ông cũng cho rằng, Hội An nổi tiếng vì nhờ các loại bánh, bánh ngon là do chất liệu đường bột và kỹ thuật chế biến. Các mặt hàng này đều có nguồn gốc Việt Nam. Bánh có nguồn gốc Trung Hoa xưa kia chỉ lưu lại một ít mà nổi tiếng nhất là bánh quai vạc. Ngày tết, bánh khuôn khổ hay bảy lửa, nay có tên mới là bánh khô mè được yêu chuộng nhất trong các loại bánh chính thống: tét, tổ, nổ, in. Người Quảng Nam có truyền thống ăn uống không phải bắt đầu từ khi đất Bắc đưa lưu dân vào, mà từ thời Chiêm Thành đóng kinh đô tại đây. Sau đó mỗi ngày một phát triển. Nó được Hoa kiều ở Hội An, người Pháp ở Đà Nẵng hỗ trợ, sau đó kinh kỳ Huế đóng góp, Sài Gòn mở mang cho tình yêu ẩm thực, mới tạo ra được vẻ đa dạng phong phú như ta thấy ngày nay....

Ngoài những tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo... đã ấn hành từng quen thuộc bạn đọc cả nước, chỉ riêng những bài viết rải rác trên các tờ báo tết của nhà văn Nguyễn Văn Xuân, hẳn có thể in thêm vài tập sách nữa. Còn nhớ, vào tận thời điểm cuối cùng nằm trên giường bệnh, trước lúc qua đời không lâu, vẫn có những đơn vị xuất bản danh tiếng cả nước đến gặp thầy Xuân bàn bạc, trao đổi xin mua toàn bộ bản quyền tác phẩm của ông, để ấn hành một cách trang trọng. Ông rất phấn chấn, tin rằng sự việc này không những giúp ích ít nhiều cho gia đình ông (vốn đã quá nghiệt ngã từ mấy chục năm qua), mà ông còn được tận mắt đọc thấy, cầm trên tay, lắng nghe cảm xúc những con chữ do mình viết ra qua một hình thức mới mẻ, hiện đại trước lúc ra đi. Cứ thế, ông hào hứng đợi chờ... Thế nhưng, mùa xuân và cái tết ấy chẳng bao giờ còn đến với ông!

TRẦN TRUNG SÁNG

TRẦN TRUNG SÁNG