(QNO) - Tối 17.1, tại số 26 Phan Bội Châu (TP.Hội An), nhiếp ảnh gia người Pháp - Réhahn đã khai trương Bảo tàng Di sản vô giá của Việt Nam, trưng bày các bức ảnh về văn hóa, con người Việt.
|
Réhahn (bìa phải) tại lễ khai trương Bảo tàng Di sản vô giá của Việt Nam. |
Đến dự có bà Eva Nguyễn Bình - Tham tán Hợp tác và hoạt động văn hóa, Giám đốc Viện Pháp thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; nhà văn nổi tiếng Rene Leen người Nam Phi và các nhà nghiên cứu văn hóa của tỉnh và Hội An.
|
Nhiếp ảnh gia Réhahn giới thiệu với bà Eva Nguyễn Bình về nét độc đáo của văn hóa Việt. |
Sau triển lãm ảnh và ra mắt cuốn sách ảnh "Nụ cười của phụ nữ Việt Nam", nhiếp ảnh gia Réhahn tiếp tục triển lãm và ra mắt cuốn sách ảnh "Di sản vô giá" của Việt Nam tại Pháp và nhiều nơi ở Việt Nam. Đặc biệt bức ảnh nổi tiếng của Réhahn chụp cụ già Bùi Thị Xong (người phụ nữ đưa đò trên sông Hoài, phố cổ Hội An), bức ảnh được mệnh danh "Người phụ nữ đẹp nhất thế giới" cùng với 50 bức ảnh phụ nữ khác được Réhahn ghi lại trên khắp đất nước đã cuốn hút người xem trên thế giới về một Việt Nam ẩn chứa khát vọng cuộc sống tươi đẹp.
|
Bức ảnh "Nụ cười Việt Nam" do Réhahn chụp bà Bùi Thị Xong - được bình chọn người phụ nữ đẹp nhất thế giới. |
"Từ ngày đến định cư tại Hội An vào năm 1997, nhiếp ảnh gia Réhahn đã thầm lặng đóng góp sắc thái văn hóa nhiều góc độ cho Việt Nam nói chung, Quảng Nam và Hội An nói riêng. Để hôm nay, Réhahn mở bảo tàng giới thiệu rộng rãi đến công chúng hiểu và yêu nhiều hơn về nét văn hóa nhiều cung bậc của Việt Nam và Hội An" - ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao TP.Hội An nhận xét.
|
Réhahn chụp hình lưu niệm cùng các khách mời tại buổi khai trương bảo tàng. |
Réhahn vừa thành công với triển lãm bộ ảnh và trang phục của hơn 30 dân tộc Việt Nam có chủ đề “Di sản vô giá” tại các thành phố ở Pháp, thu hút trên 300 nghìn lượt người đến xem và tìm hiểu. Nay Réhahn chọn hơn 500 bức ảnh, trang phục và sách ảnh của 30 dân tộc Việt Nam mà anh rong ruổi suốt 7 năm trời sáng tác và sưu tầm, đưa vào bảo tàng trưng bày và giới thiệu đến công chúng.
|
Réhahn xem cụ bà Bùi Thị Xong như người mẹ thứ 2 của mình. |
Bà Eva Nguyễn Bình chia sẻ: "Tôi nghĩ Réhahn không chỉ nối nhịp cầu văn hóa giữa Việt Nam và Pháp, mà anh ấy còn kết nối văn hóa Việt ra rộng rãi thế giới. Trước khi thực hiện các dự án này, Réhahn đã đặt vấn đề với chúng tôi, đương nhiên chúng tôi ủng hộ ý tưởng này và không ngờ thành công ngoài sự tưởng tượng. Bản thân tôi rất ấn tượng, vì Réhahn đang tôn vinh văn hóa Việt Nam, giúp nhiều người biết, hiểu nhiều hơn về đa dạng văn hóa Việt. Điều này được minh chứng qua các tác phẩm của anh và anh đã chọn một ngôi nhà cổ, kiến trúc của Pháp để làm bảo tàng. Tôi rất tự hào trong dòng chảy văn hóa lâu đời ấy, tôi có một phần nhỏ, bởi tôi cũng mang dòng máu Việt".
|
Cụ bà Bùi Thị Xong chụp hình cùng khách mời. |
Với ý nguyện của Réhahn, bảo tàng là điểm tham quan miễn phí, mục đích giới thiệu văn hóa đa dạng của Việt Nam đến không chỉ du khách nước ngoài, mà cả những người Việt Nam chưa có dịp đến các vùng miền xa xôi, tươi đẹp của đất nước.
Nhà văn Rene Leen nhận định, ảnh của Réhahn ngoài đầy nét văn hóa con người, còn chứa đựng niềm tin sâu thẳm qua ánh mắt, hồn bức ảnh làm nổi bật từng chân dung.
|
Du khách ngạc nhiên về văn hóa đa sắc màu của Việt Nam tại bảo tàng. |
Nhiếp ảnh gia Réhahn nói: "Tôi mang ơn bà Bùi Thị Xong nhiều lắm, nhờ tấm ảnh bà mà tôi yêu mến mảnh đất này hơn. Từ đó tôi chọn nơi đây làm quê hương thứ 2 của mình, khám phá, hiểu được con người và văn hóa nơi này. Càng hiểu càng yêu, vì Hội An là vùng đất đa văn hóa, người dân ở đây rất rộng lượng, nhân hậu. Tôi đã đi khắp Việt Nam sáng tác, may mắn đi đến đâu, từ phố đến các vùng núi xa xôi, hẻo lánh cũng được mọi người thương yêu, tạo mọi điều kiện. Đặc biệt nơi những dân tộc ít người, những nét văn hóa đang có nguy cơ mất dần thì tôi được già làng tặng những vật quý giá truyền thống, như gửi theo thông điệp cần phải bảo tồn văn hóa của bộ tộc đó. Vì thế tôi mới quyết định tổ chức triển lãm ở Pháp, cùng nhiều nơi ở Việt Nam. Và quyết định thành lập bảo tàng không chỉ để giới thiệu văn hóa đến mọi người, hơn thế nữa là để nhớ ơn họ và tôn vinh di sản vô giá mà họ lưu giữ bao đời".
|
Hàng trăm hiện vật truyền thống của các dân tộc ít người được trưng bày tại bảo tàng. |
|
Một bức ảnh của Réhahn nói về việc gieo mầm của người nông dân. |
|
Nét hồn nhiên của các em nhỏ dân tộc vùng Tây Bắc. |
|
Trưng bày trang phục áo dài và nón lá phụ nữ Việt Nam. |
|
Chân dung và trang phục phụ nữ của các dân tộc anh em vùng Tây Bắc. |
|
Mỗi không gian mang một sắc thái riêng biệt về các chân dung và trang phục. |
|
Réhahn bố trí từng vật dụng và chân dung theo truyền thống của từng dân tộc. |
|
Trang phục và nụ cười em bé Cơ Tu. |
|
Sắc màu văn hóa của các dân tộc Việt Nam được gói gọn trong bảo tàng nhỏ này. |
MINH QUÂN - XUÂN THỌ