Thị dân và định kiến "phù phiếm"
Trong tâm lý những người sống lâu ở làng thì “người ở phố” - từ rất lâu thường được cho rằng - họ (thị dân) sống không thực, họ có nhiều cái “giả ảo” do tính thực dụng có, do sự dửng dưng khi tiếp xúc có, do thói quen “khoe mẽ”, chuộng hình thức có… Nói rốt lại là “giả tạo”, là “phù phiếm”. Từ những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, nhà thơ tân tiến, có chữ như Nguyễn Bính còn lo cho ý trung nhân - một thiếu nữ nông thôn “ra tỉnh” một lần, khi trở về đã đánh mất vẻ đẹp chân chất thôn quê: “hôm qua em đi tỉnh về/hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…” (Chân quê).
Giới trẻ ở đô thị.Ảnh minh họa |
Đến tận hôm nay cũng vậy, nhiều người - đặc biệt là giới văn nghệ hay hoài niệm về vẻ đẹp chân chất của làng quê, về tính tình hiền hậu, trung thực của người quê và như thể chỉ có về quê mới có thể “về nguồn” cái Đẹp đã mất trong cuộc thế bon chen này. Sự thể như vậy cũng hay. Có người vì quá lụy cảnh, lụy người, quá thương hạt lúa, củ khoai một nắng hai sương, thương việc gieo trồng, cấy hái, rơm rạ, mùa màng… thôi thì đã đành một lẽ. Thế nhưng đằng này lại có người lấy đô thị, thị dân ra để ví von, so sánh như một đối trọng mang tính tiêu cực. Nào là “thị thành man trá”, nơi “phố đỏ, phường xanh gian dối”, chốn “phồn hoa giả trá”, nơi “hội chợ phù hoa”, chỗ “son phấn thị thành”... Phố thị mang theo bao định ngữ chẳng hay ho chút nào, thậm chí, đây là nơi say sưa hưởng lạc với bao tệ nạn xã hội như lời một bài hát cũ “khi phố thị lên đèn, thành phố ngả nghiêng, men rượu say mèm…”.
Thị dân có chịu “tiếng oan” không? Trước hết, trong cảm quan về đô thị và thị dân của người làng xã suốt một thời kỳ dài trước 1945 thậm chí cho đến tận thời kỳ khởi sự công cuộc đổi mới kinh tế xã hội (1986), giới buôn bán vẫn còn bị nhìn là dân “đầu cơ trục lợi”, là bọn “chạy chợ”, là “con buôn”, là “dân phe phẩy”… cho dù nhiều người vẫn biết “phi thương bất phú”. Hiện nay, thị dân nếu “mua gian bán lận” thì cũng là số ít, là “con sâu làm rầu”, chứ thị dân biết làm ăn chân chính, biết giữ chữ tín, biết kiếm lợi nhuận bằng mồ hôi công sức và trí tuệ của mình thì đích thị là “doanh nhân chân chính” - một nguồn lực quan trọng để dân giàu nước mạnh. Ngày nay cũng hiếm thấy trong xã hội còn ai định kiến tiêu cực về giới kinh doanh buôn bán. Trong giới trẻ có những tiến sĩ, cử nhân các ngành nghề không phải thương nghiệp đã mạnh dạn thử thách với thương trường bằng những sản phẩm hàng hóa có giá trị, chất lượng cao. Như vậy, thị dân đâu có gian dối như cái nhìn đầy định kiến một thời.
Còn chuyện phù phiếm? Quả thị dân khó mà chữa khỏi căn bệnh phù phiếm trong một sớm một chiều, nhất là trong thời buổi kinh tế hàng hóa phát triển như hiện nay. Mà đâu chỉ ở đô thị mới có nhiều người phù phiếm, căn tính này có khi khởi phát ở làng xã nông thôn. Căn bệnh sĩ diện hão, gà tức nhau tiếng gáy, thích nổi trội, ưa hạng nhứt, số một, một miếng thịt làng… đã phát sốt cả ở môi trường nông thôn lẫn trong đô thị từ lâu lắm rồi. Thanh niên nông thôn thời đô thị hóa đua nhau nhuộm tóc đỏ xanh, sắm xe xịn, mặc hàng hiệu chê đồ hàng chợ. Trung niên thị dân đua nhau xây nhà, xây biệt thự, về quê xây nhà thờ tộc, chơi chim, chơi cá, chơi hàng độc. Phụ nữ thì nghiện mua sắm đến “phát rồ”, giới tuổi teen thì sắm điện thoại thông minh, say câu view, câu like, “tự sướng” rồi “tự tử” khi không được sướng v.v. Những chuyện này đâu phải hiếm?
Thế nhưng, xét ở góc độ khác, sự phù phiếm trong mua sắm nhiều khi lại là động lực của xã hội tiêu dùng. Vấn đề tiêu dùng của một người trở thành “phù phiếm” khi ứng với câu nói người xưa là “y phục bất xứng kỳ đức” (y phục không xứng với đức độ). Trường hợp này có thể hiểu là trang phục, trang sức, vật dụng ấy vượt quá khả năng kinh tế của người đó khiến họ phải hoặc vay mượn để mua cho kỳ được, hoặc phó mặc trách nhiệm cơm áo với người thân hay buộc người thân phải khổ vì sự ham chuộng của mình. Sự phù phiếm cũng là một trải nghiệm cay đắng của một người khi vật dụng mình mua sắm, mình được làm chủ ấy qua một thời gian ngắn trở nên hết “hot”, trở nên lạc hậu hay thành “hàng chợ” vì sản xuất hàng loạt với giá rẻ, ai cũng sắm được. Sự phù phiếm - đúng hơn là “bệnh phù phiếm” - là khi những người tiêu dùng thực sự “ăn trên ngồi trốc” tiêu phí xa hoa khi xung quanh cộng đồng còn bao nhiêu người thiếu đói, bao nhiêu số phận không may đang cần bàn tay nhân ái, cứu giúp. Đúng là bất nhẫn với cảnh sống còn khó nghèo của cộng đồng khi có những đám cưới mà mỗi bàn tiệc được đặt trên cả chục triệu đồng, cát-xê ca sĩ hàng trăm triệu, dàn siêu xe rước dâu, vàng bạc cô dâu “đeo gãy cổ”…
Có những người vốn yêu thích hàng hiệu với những hãng nổi tiếng thế giới nhưng tự biết mình không mua nổi đành “chơi” hàng second-hand giá rẻ nhưng hàng chính hãng - tức chấp nhận “cũ người mới ta”. Những người như vậy - xin được gọi là những người “phù phiếm đáng yêu” - dù với những người bình dân thì “giá second-hand” cũng không hề rẻ.
Ngày càng tấn công vào căn bệnh phù phiếm đô thị là những anh chị em trẻ có, già có đã tìm thấy niềm vui thú của mình trong các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện vì người nghèo, vì những hoàn cảnh hoạn nạn khó khăn đang cần giúp đỡ, dù mức thu nhập của họ chẳng dư dả gì, chỉ vừa đủ chi tiêu. Thật quý giá biết bao khi các thầy cô - dưới các mái trường chốn phố thị - đã gieo mầm nhân ái cho các em nhỏ khi luôn nhắc nhở các em về cuộc sống của người dân, các bạn ở những vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn nghèo khó, để các em cùng góp sức cho những “bữa cơm có thịt”, góp “áo ấm mùa đông” cho học sinh miền núi hay giúp “bạn nghèo vượt khó”…
Ngẫm kỹ, chẳng cứ phải thôn dân hay thị dân, đã là người ai cũng có đôi lần “phù phiếm”, như có nhà văn đã nói về phụ nữ, rằng “hễ là phụ nữ thì phải có đôi chút phù phiếm - như thế phụ nữ mới đáng yêu”…
PHÙNG TẤN ĐÔNG