Bảo tồn mộ cổ ở Hội An gặp khó
Hiện nay, ngoài việc xuống cấp do thời gian và sự biến thiên của thời tiết, nhiều mộ cổ có giá trị lịch sử văn hóa ở Hội An không tránh khỏi những ảnh hưởng bởi tốc độ đô thị hóa.
Nhiều mộ cổ ở Hội An nằm lọt thỏm trong khu dân cư, đã bị cơi nơi, lấn chiếm. Ảnh LÊ HIỀN |
Dẫn chúng tôi đi thăm ngôi mộ tổ tọa lạc ở đường Hai Bà Trưng, khối phố Xuân An, phường Cẩm Phô, TP.Hội An, ông Lê Viết Cương - thế hệ thứ 11 của tộc Lê Viết không giấu được những băn khoăn, trăn trở khi ngôi mộ tổ bây giờ nằm khuất sau những ngôi nhà cao tầng. Để vào thăm mộ này, chúng tôi phải xin phép chủ quán cà phê, lách theo một lối đi nhỏ bên trong quán. Gần đó, ngôi mộ cổ đời sau của vị cao tổ tộc Lê Viết bị nhà ở xây bịt kín, không còn lối đi nào để có thể vào mộ. Ông Lê Viết Cương cho biết, trước đây khu vực đường Hai Bà Trưng thuộc khối phố Xuân An là vùng đất nguyên sơ. Khi thành phố quy hoạch đô thị, hai ngôi mộ này nằm lọt thỏm ở khu vực “tấc đất tấc vàng”, nhưng lại không tính đến việc chừa phần đường đi vào các ngôi mộ cổ. Đã vậy, thời gian qua, một vài hộ còn lấn chiếm, cơi nới nên phần diện tích khuôn viên của ngôi mộ tổ bị thu hẹp. Tộc Lê Viết đã nhiều lần đề xuất thành phố quan tâm giải tỏa, tạo phần đường vào khu mộ tổ, nhưng việc này vẫn chưa có gì thay đổi.
Theo nhận định của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, rất ít nơi có nhiều mộ cổ mang giá trị văn hóa, lịch sử, khảo cổ học như vùng đất Hội An. Và cũng ít thấy ở đâu có sự phong phú, đa dạng về đặc điểm loại hình kết cấu, thành phần chủ nhân, tập quán tống táng được thể hiện rõ như các ngôi mộ cổ ở Hội An. Những ngôi mộ này một mặt đã minh chứng sinh động quá trình phát triển liên tục của vùng đất Hội An muộn nhất cũng từ thế kỷ I trước Công nguyên đến nay, và về mối quan hệ giao lưu văn hóa sâu rộng giữa các thành phần cư dân gồm nhiều quốc tịch ở Hội An. Hiện nay tại dải cát thuộc các khối phố An Bang, Hậu Xá, Thanh Chiếm (phường Thanh Hà), Trường Lệ (Cẩm Châu) và một số cồn đất cao khác, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An phát hiện có rất nhiều ngôi mộ niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 16. Đó là chưa kể con số thống kê sơ bộ hơn 100 ngôi mộ thuộc thế kỷ 17, 18. Đây là những ngôi mộ còn khá nguyên trạng các yếu tố cơ bản, nhất là bia, quynh, nấm và thành.
Khu mộ cổ ở khối phố Bàu Đưng, phường Thanh Hà (xây dựng năm Khải Định thứ 8 - tức năm 1913). Ảnh: BTDT |
Tuy nhiên cũng theo khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, do nhiều yếu tố khách quan trong lịch sử phát triển đô thị, nên hiện nay nhiều ngôi mộ, khu mộ ở Hội An vẫn còn nằm xen lẫn trong khu dân cư. Có ngôi mộ khi được các gia tộc sửa chữa, tôn tạo thì lại đụng phải vấn đề tranh chấp đất đai hoặc cấn địa giới, hành lang các công trình kiến trúc, đường giao thông khác. Nhiều ngôi mộ cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Khảo sát trong 6 tháng cuối năm 2016 đối với 36 mộ cổ trên địa bàn TP.Hội An cho thấy, có đến 25 mộ bị hư hỏng, nứt vỡ, bong tróc, sụt lún, sụp đổ nhiều thành phần kết cấu. Dù các ngôi mộ này được người xưa xây dựng bằng những nguyên vật liệu đặc biệt, nhưng qua nhiều biến thiên của thời gian, thời tiết, trải qua thời kỳ chiến tranh nên không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tại khu vực mộ tộc Trần (được xếp hạng Di tích cấp quốc gia) ở Rừng Rẫy, thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, ông Trần Linh - trưởng tộc cho biết, trong chiến tranh, du kích địa phương đã sử dụng khu mộ làm hầm ẩn nấp. Khu mộ bị bom đạn cày xới hư hỏng, chúng tôi chỉ sửa chữa chứ không xây lại được. Trong khu mộ này có mộ ông tổ Trần Công Thành, là bố của bà thứ phi, vợ vua Quang Trung, đã xuống cấp nghiêm trọng. Bà con trong tộc họ chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây lại mộ cho ông.
Theo thống kê, Hội An có hơn 45 mộ, khu mộ được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và di tích được UBND tỉnh, thành phố bảo vệ. Thời gian qua, các ngành hữu quan của thành phố đã có nhiều cuộc khảo sát thực trạng và nghiên cứu giá trị của mộ cổ, khu mộ cổ để có hướng bảo tồn, tôn tạo. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí trùng tu có hạn nên thành phố chưa thể dành nhiều nguồn lực thực hiện việc bảo tồn, trùng tu các công trình di tích là mộ cổ, khu mộ cổ. Và với chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ di tích, các ngành, địa phương đã khuyến khích gia tộc kêu gọi con cháu chung tay trùng tu, bảo vệ di tích. Vì vậy, cũng đã có nhiều di tích mộ cổ được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, việc tạo ra nguyên vật liệu xây dựng cổ mộ như trước (bằng vôi hến) rất khó thực hiện, cộng với yếu tố tâm linh nên nhiều gia tộc chỉ cải hoán một phần di tích, ảnh hưởng đến kiến trúc nguyên bản và giá trị mộ cổ. Đó là chưa kể những khó khăn trong việc giải quyết địa giới cho các ngôi mộ cổ nằm xen lẫn ở khu vực đô thị… Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo thành phố vẫn luôn nhất quán quan điểm, tới đây sẽ phải thực hiện tốt việc bảo vệ, trùng tu mộ cổ. Bởi mộ cổ, khu mộ cổ là một thành phần không thể thiếu trong quần thể di tích của Hội An.
LÊ HIỀN