Nghe nhạc của người xê đăng
Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm ông Hồ Văn Chính (người dân tộc Xê Đăng, ở thôn 5, xã Trà Nam, Nam Trà My). Với đôi tay đã run vì già yếu, trong cái lạnh của vùng cao, nhưng ông vẫn say sưa thực hiện những động tác nhấn, chùn, rung cùng với cây đàn thân quen của mình suốt cả giờ đồng hồ với những bài dân ca Xê Đăng…
Ông Hồ Văn Chính (giữa) luôn coi cây đàn proóc tố như báu vật của mình. Ảnh: N.V.S |
Ðã 71 tuổi, nhưng nhìn bề ngoài ông Hồ Văn Chính vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn lắm, nhất là khi nhắc đến những bài dân ca (acheo h’nu đ’bo), cây sáo vống hay đàn proóc tố của người Xê Đăng, thì ông dường như tươi hẳn lên, yêu đời hơn. Ðôi bàn tay chai sần, cẩn trọng nâng niu cây đàn proóc tố. Rồi như để thỏa trí tò mò của chúng tôi, ông liền đánh một bài dân ca Xê Đăng. Mặc dù không hiểu rõ ngôn ngữ tiếng đàn proóc tố truyền tải, nhưng chúng tôi bị cuốn vào những cung bậc trầm bổng của đàn và cảm nhận sự chất chứa trong đó là âm hưởng của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, cái chất mộc mạc, giản dị, đậm tình của người Xê Đăng.
Sinh ra và lớn lên trong lời ru tiếng hát, tiếng cồng chiêng âm vang trong những đêm lễ hội của cộng đồng Xê Đăng, từ nhỏ ông Chính đã có năng khiếu bẩm sinh và niềm đam mê với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Ông bảo: “Duyên nghiệp với cây đàn và những giai điệu dân ca Xê Đăng bắt đầu khi ông mới 10 tuổi. Mỗi khi làng tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới, vào những đêm sáng trăng, những người già tụ tập ở ngôi nhà làng (rông), thường thể hiện giai điệu dân ca hoặc kể sử thi Xê Đăng, khiến ông nghe, thuộc và quyết theo học để gìn giữ những giai điệu truyền thống của dân tộc mình. Giờ đây, tiếng đàn proóc tố, tiếng sáo vống được ông đánh một cách thành thục, chiếc đàn proóc tố được ông coi trọng như báu vật.
Ông Hồ Văn Chính cho chúng tôi xem cấu tạo của cây đàn proóc tố. Cây đàn này có thân là một ống nứa nhỏ, dài 1,2m, trên thân có gắn 3 chốt xuyên qua thân để lên dây đàn và được gắn 3 dây bằng thép nhỏ. Hộp đàn là một nửa quả bầu khô và gắn cẩn thận vào thân đàn. Đàn proóc tố đánh theo nhịp điệu múa chiêu (một điệu múa truyền thống của phụ nữ Xê Đăng) vào dịp lễ đâm trâu, lễ cúng mừng cơm mới hàng năm, lễ cưới hỏi... Còn cây sáo nhỏ có tên vống làm từ một ống nứa nhỏ, rỗng hai đầu, dài hơn 2 gang tay (khoảng 40cm). Thân ống nứa có khoét 3 lỗ bấm tạo cao độ. Đầu ống nứa có khoét một lỗ thổi hình chữ nhật để gắn lưỡi gà bằng cật nứa. Khi diễn tấu, người thổi sáo vống miệng ngậm kín vào lỗ thổi, hai tay úp mở vào các lỗ trên sáo để tạo ra những âm thanh khác nhau. Sáo vống là nhạc cụ dành cho đàn ông Xê Đăng, dùng để độc tấu hoặc hòa tấu cùng với các nhạc cụ khác trong những dịp lễ hội truyền thống và sinh hoạt thường ngày. Trong lễ đâm trâu ăn mừng múa mới, cưới hỏi, chàng trai vừa thổi sáo vống vừa hát đối đáp giao duyên, như tỏ tình cùng những cô gái Xê Đăng.
Qua tìm hiểu thực tế ở các làng trên địa bàn huyện Nam Trà My, chúng tôi được biết, đối với người Xê Đăng, tiếng đàn, tiếng sáo, các làn điệu dân ca hay điệu múa chiêu truyền thống là nhu cầu đời sống tinh thần không thể thiếu, và hiện vẫn tồn tại ở nhiều bản làng. Tuy nhiên, không nhiều người trẻ Xê Đăng đam mê chơi những nhạc cụ truyền thống nói chung và chơi đàn proóc tố nói riêng. Ông Chính cho biết: “Người chơi nhạc cụ này chủ yếu là người già, còn thanh niên Xê Đăng không mặn mà, thiết tha lắm. Đàn proóc tố có những nét độc đáo riêng biệt, nên việc dạy, học và chơi đàn proóc tố đòi hỏi một quá trình lâu dài, không giống với các loại nhạc cụ khác. Bằng kinh nghiệm của bản thân và lòng tự hào dân tộc, tôi đang tìm cách truyền đạt cách chơi cây đàn này nhằm giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình”. Hồ Văn Lướng, người con thứ 2 đã được ông Chính truyền đạt, hướng dẫn cách chơi đàn từ nhỏ. Tuy nhiên, muốn thạo âm nhạc truyền thống của người Xê Đăng, thì người học phải có niềm say mê, kiên trì tập luyện. Để chơi được nhạc cụ dân tộc đúng, hay và giữ gìn được nó thì người chơi phải trải lòng và phải có năng khiếu bẩm sinh. Ông Chính dự định, sắp đến sẽ dành thời gian đi sưu tầm thêm một số nhạc cụ dân tộc Xê Đăng để truyền đạt kinh nghiệm, bày cách làm, sử dụng nhạc cụ dân tộc cho con, cháu và thanh niên ở các làng đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Từ lâu người Xê Đăng luôn coi nhạc cụ truyền thống là nơi trú ngụ của linh hồn, tổ tiên, thần linh, trời đất, cũng là nơi gìn giữ tiếng gọi của tự nhiên, cho mọi người gửi gắm và cất lên những lời nhắn nhủ tới cha mẹ, anh em, những người đã khuất và cả với cây trồng, vật nuôi… Người Xê Đăng chơi nhạc để thức tỉnh tâm linh, cầu mong thần linh che chở. Bởi vậy, mọi sự việc trong đời sống hàng ngày của từng người và dân làng đều chìm đắm trong âm thanh du dương từ các loại nhạc cụ dân tộc. Nếu ai đã từng đến vùng đất Nam Trà My và được thưởng thức những bản nhạc da diết do chính ông Hồ Văn Chính thể hiện bằng nhạc cụ từ chính tay ông chế tác, thì chắc hẳn sẽ khó quên vì những âm thanh đó được tạo ra từ sự đam mê, từ tình yêu quê hương, dân tộc mình.
NGUYỄN VĂN SƠN