Tục chia phần, sự gắn kết cộng đồng

BRIU QUÂN 21/12/2016 09:10

Dân tộc Cơ Tu phần nhiều cư trú trên dãy Trường Sơn, thuộc các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam) và Nam Đông, Alưới (Thừa Thiên Huế). Dù sinh sống trong các vùng miền khác nhau, bị xáo trộn bởi những tập tục, ngôn ngữ đa dân cư; nhưng các phong tục đẹp, quý báu của dân tộc Cơ Tu vẫn được đồng bào nâng niu, giữ gìn và lưu truyền, trong đó có tục chia phần - một cách gìn giữ sự gắn kết cộng đồng làng.

Trưởng thôn Pơrning (xã Lăng, Tây Giang) - Bh’nướch Lạc theo dõi việc chia thịt cho các hộ trong thôn.  Ảnh: BRIU QUÂN
Trưởng thôn Pơrning (xã Lăng, Tây Giang) - Bh’nướch Lạc theo dõi việc chia thịt cho các hộ trong thôn. Ảnh: BRIU QUÂN

Theo lời người già ở các làng, trước đây dân tộc Cơ Tu sinh sống với hình thức cộng đồng, chọn đất dựng làng nơi cao, gần nguồn nước, nhìn xa, trông rộng, làm chung mái nhà, ăn cùng bếp, rẫy cùng nơi, chăn nuôi cùng đàn và cùng chỗ. Người Cơ Tu chủ yếu sinh sống theo tộc họ trong mái nhà chung, xen lẫn với các tộc họ khác, nhưng gắn bó chặt chẽ; việc ăn chung, ở chung, mặc chung được đồng bào coi trọng, xem đây là tài sản quý báu của cộng đồng làng. Chia phần là tập tục thường lệ của làng, của từng tộc họ và hộ gia đình, thường diễn ra những khi làng có lễ hội cộng đồng, tộc họ có lễ cưới hỏi hay hộ gia đình có người đến thăm cho trâu, bò, lợn…

Vốn sinh sống theo cộng đồng, chịu sự ảnh hưởng bởi các phong tục, tập tục, luật tục của làng, nên mọi sự việc của từng gia đình hay của tộc họ đều xem như việc chung, được những người có uy tín của làng và dòng tộc trực tiếp bàn thảo, thống nhất. Trong các việc riêng của gia đình như ăn lúa mới, đón rể thăm nhà, dựng nhà mới… đều do người bố quyết định điều hành, quản lý; trường hợp người bố mất thì con trai đầu sẽ thay quản lý việc nhà. Trong các lễ nghi của người Cơ Tu không được thiếu con gà, con heo; nhà khá giả thì có trâu, bò để hiến tế, cúng bái. Khi các linh vật được cúng tế, giết xong sẽ chế biến thịt, nấu cơm ăn mừng. Những lúc như vậy, người Cơ Tu luôn chú trọng đến việc chia phần cho thành viên trong gia đình. Khi chia phần, họ thường chia từ người lớn tuổi trước, từ anh chị đã lập gia đình đến cả đàn em nhỏ chưa rời vú mẹ, không để sót trường hợp nào. Chia phần cũng tùy theo trường hợp cụ thể, nếu ăn mừng lúa mới, thì phần chia gồm thịt và cơm, mỗi người được để hai phần riêng trên lá chuối, gọi đến nhận lần lượt. Đối với việc dựng nhà mới, các phần được chia cũng tương tự như vậy, nhưng với trường hợp con rể đến thăm nhà gái có mang heo, thì việc chia phần theo cách khác. Khi con heo đã chín, làm nghi thức cúng bái xong thì thịt ngoài được chia phần cho các thành viên trong gia đình nhà gái, còn được nhà gái chia cho các hộ trong cùng dòng tộc, không bỏ sót hộ nào. Các hộ nhận được phần chia thịt heo, tùy theo điều kiện lại cho gà, bắt cá biếu lại nhà gái. Nhà gái nhận quà biếu lại cho nhà trai thể hiện lòng cảm ơn. Tuy nhiên nhà trai không thể đem về riêng cho phần mình mà lại chia cho chị và em gái trong gia đình đã lấy chồng tỏ lòng thương yêu chị, em gái của mình. Bao giờ, nhà trai cũng phải lo con vật từ bốn chân cho nhà gái như trâu, bò, heo; còn nhà gái thì lo gà, vịt, cá, ếch…

Đại diện hộ đến nhận phần thịt cho thành viên trong gia đình.
Đại diện hộ đến nhận phần thịt cho thành viên trong gia đình.

Với dòng tộc, khi có sự kiện lớn diễn ra, tác động đến các hộ trong cùng tộc họ, thì tộc trưởng, thường là người con trai đầu đứng ra điều hành, trong đó có việc xin gả cưới con cháu trong tộc họ. Những công việc như vậy, chia phần cũng được đồng bào Cơ Tu duy trì. Khi có người đến xin cưới con cháu trong tộc họ, nếu nhà gái đồng ý thì nhà trai lập tức giết heo đãi họ nhà gái, thịt heo được chia phần cho những người không đến chứng kiến và cùng ăn chung trong đêm hỏi vợ cho nhà trai. Sáng hôm sau, thịt heo được gia đình nhà gái mang đến cho các gia đình trong cùng tộc họ. Đến khi tổ chức đám cưới, cả gia đình nhà trai và nhà gái đều có phần chia thịt, ẩm thực khác nhau. Nhà gái nhận thịt, của cải từ nhà trai sẽ đem chia lại một phần cho hộ trong dòng tộc và những người khác đã góp của giúp gia đình nhà gái đem sản vật đến nhà trai. Nhà trai khi nhận sản vật từ nhà gái sẽ biếu lại cho các hộ thuộc dòng họ và các anh, em rể của mình. Hình thức chia phần trong cưới hỏi thường theo một quy chuẩn riêng do tập tục truyền thống để lại, được dân tộc Cơ Tu duy trì đến ngày nay.

Trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, ngoài chia phần theo cộng đồng làng, dòng tộc và gia đình, còn có chia phần theo nhóm. Theo đó, nhóm những người lớn tuổi, thường là các cụ già, già làng ngồi giữa gươl, hát lý, đối đáp nhau; nhóm phụ nữ ngồi góc gươl, gần bếp để tiện việc nấu nướng; nhóm thanh niên trai làng ngồi góc còn lại để phục vụ các cụ; trẻ em được bố trí ở moong hoặc mái nhà gần gươl. Việc tổ chức ăn uống diễn ra cùng lúc và thường kéo dài đến khuya bởi câu hát lý, nói lý, đối đáp của các vị già làng, người lớn tuổi và tiếng trống chiêng rộn rã của các chàng trai, cô gái của làng.

Từ những sự kiện chung của làng, dòng tộc, gia đình, tục chia phần bao giờ cũng được đồng bào Cơ Tu quý trọng. Trong quan niệm của người Cơ Tu, tài sản sẵn có xung quanh làng như chim muông, cá, thú… là của chung, ai săn bắt được cũng đều mang đầu thú và chia phần cúng bái trên gươl. Những hộ và thành viên gia đình không chấp hành luật tục chung của làng thì xem như tự chia rẽ và tách ra khỏi công việc chung của làng. Bởi thế, mỗi thành viên của làng khi săn bắt được thú rừng đều tự giác báo với làng.

Đoàn kết cộng đồng làng là sức mạnh tập thể được duy trì từ những việc làm và hành động rất nhỏ của các thành viên trong các gia đình và từng dòng tộc. Chia phần, không đòi hỏi nhiều hay ít, mà là niềm tin để người Cơ Tu tiếp thêm sức mạnh đoàn kết từ một đứa trẻ cho đến người già lớn tuổi. Nhờ vậy, các công việc chung của làng dù nặng nhọc đến mấy cũng được triển khai chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả…

BRIU QUÂN

BRIU QUÂN