Miên man với tiếng hát ru
Tiếng ru có lẽ là bài hát đầu tiên cho một con người. Tiếng hát được cất lên từ nỗi sung sướng, cơ cực, hân hoan, buồn tủi… do chính người mẹ, người đã trực tiếp mang nặng đẻ đau sinh ra một hình hài. Điệu vỗ về ru ngủ ấy dường như đã hòa tan trong dòng sữa tinh khiết của mẹ để con lớn lên từng ngày. Mẹ đã ru ta từ thuở trong bào thai. Khi nghe tim thai bắt đầu may máy mẹ đã lo vỗ về. Qua cuống rún mẹ đã hát ru tâm tình với con lúc nũng nịu, lúc dỗ dành, khi thì hứa hẹn: “con mau ra đây với mẹ”.
Ngon giấc. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
“Ầu... ơ...!
Bồng em mà bỏ vô nôi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Bất Nhị mua trầu Hội An”…
Có lẽ trong chúng ta, hầu hết đều biết bài hát ru đặc trưng Quảng Nam này. Tôi còn nhớ, khi nhắc đến mẹ mình nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã từng nói: “Mẹ đã nuôi dạy con bằng cả tiếng hát ru. Ngàn vạn lần con cảm ơn tiếng ru “ầu ơ” của mẹ. Qua những lời ca ngọt ngào, êm ả từ thuở còn bồng ngửa trên tay, bà đã trao tôi một tâm hồn nhạy cảm, rèn luyện cho tôi nên người lương thiện, biết hiến dâng cho đời những bài hát yêu thương. Ôi, chẳng có bài hát nào trên thế gian này vượt qua được lời hát ru của mẹ”.
Cảm nhận đó là cảm nhận của những người con hiếu thảo. Không có người mẹ nào mà không biết hát và không có người mẹ nào từ trong đáy lòng mình không phải là nhà thơ: “Con hãy lớn nhanh con! Đo tầm cao của núi. Con hãy lớn nhanh con! So lòng vào biển dội”.
Những người đã từng hát bên bếp lửa, hát trước dòng sông, hát với đồng ruộng và hát bằng cả cuộc đời của mình, cho rằng trên đời này chỉ có ba bài hát: Bài hát thứ nhất là bài hát bên nôi, bài thứ hai là bài hát khi mẹ mất con. Còn bài thứ ba đó là các bài hát còn lại. Có lẽ đúng như thế thật.
Chẳng mấy khi ai nghĩ rằng mình nên người là nhờ tiếng hát ru của mẹ. Nhưng không ai xao lãng giọng hát của mẹ mình hay tiếng cười hạnh phúc lên cao, hoặc tiếng trầm buồn nhẫn nhục như muốn chôn chặt tận đáy lòng.
Ầu ơ… thương nhau bụi cỏ cũng ngồi
Đám tranh cũng lội, rừng chồi cũng băng
Tiếng ru bên nhà láng giềng, tiếng ru trong mái ấm thuở ấu thơ dìu dắt từng bước đi lẫm chẫm cho đến lúc biết chạy nhảy vui đùa, vẫn mang máng tình quê nơi chôn nhau cắt rốn, mang máng nhớ những người đi xa, những bậc cao niên đã một thời sanh ra con đường làng, cái giếng khơi với những câu nhân nghĩa tình đời, tình bạn, tình yêu… của kiếp con người: “Chim ham trái chín ăn xa, buồn tình nhớ gốc cây đa muốn về”.
Có người nói rằng, vô phước cho ai đó không hề được nghe câu hát ru của mẹ để dần dần lớn khôn. Người nào không được tiếng hát ru của mẹ thì cũng như thể mồ côi. Và ai lớn khôn dù thiếu cha, thiếu mẹ nhưng được nghe tiếng hát ru từ trong nôi thì sự mồ côi ấy cũng được vơi phần nào.
Tiếng ru là tiếng nói của tâm hồn, là thổn thức của con tim, là đường về xứ sở, là giai điệu nhân ái, là vẻ đẹp được tái tạo bằng một hương vị đặc biệt để hình thành nhân cách con ngưòi. Hương vị ấy chính là lời ru, điệu ru, tâm trạng tình cảm khi ru. Có khi lời ru của mẹ lại là lời tâm sự với cha: “Hồi nào anh ngủ em ngồi, con muỗi bay qua em đập nhớ mấy hồi gian lao”. Có khi người mẹ lấy chồng xa, chiều chiều nhớ mẹ già nên nhắn gửi về phương nao: “Chim đa đa đậu nhánh cây đa. Chồng gần không lấy để lấy chồng xa. Mai sau cha yếu mẹ già, gối nghiêng ai sửa, chén trà ai dâng”, hoặc “Chiều chiều ra đứng ngõ sau nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Cũng có khi mẹ nói về tình bạn, tình đời, hoặc tự nhắc nhở mình: “Cây xanh thì trái cũng xanh. Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.
Những lời ca đẹp đẽ đó, được đời lại nối đời. Mặc dù khi nghe mẹ ru người con không hiểu gì chỉ ngủ thiếp theo cái âm thanh ầu ơ dìu dặt triền miên, nửa êm như tiếng lá tre xào xạc bên hè, nửa buồn vui như tiếng nước lớn, nước ròng trên dòng sông mà người cha xuôi ngược sáng chiều.
Hát ru thường là điệu hát của người mẹ, chỉ có ai là mẹ mới thể hiện được hết cái “hồn” của lời ru. Nên tôi đã không ngạc nhiên khi một lần chứng kiến một người mẹ đoạt giải nhất trong đêm hội thi hát ru. Một người mẹ đã từng làm nghề “ru trẻ con ngủ”. Đêm đó, lần đầu tiên bà cầm chiếc micro nhưng chẳng có chút gì ngượng nghịu, người bà lắc lư theo nhịp võng, sợi dây micro đã hóa thành đầu võng, bà đã ru như ru cho nhân tình thế thái. Lời ru như cơn lốc tốc mái tranh nghèo, như những cơn sóng nhẹ vỗ về mạn thuyền, như bà đang nhóm lửa, như mẹ nựng nịu trẻ thơ, bà dỗ dành, bà cười đôn hậu, bà diễn một cách xuất thần như bà hát bằng cả cuộc đời của mình. Khi công bố kết quả bà đoạt giải nhất, cả hội trường mà phần đông là nam thanh, nữ tú đứng cả lên vỗ tay không ngớt. Họ đã khám phá ra một điệu đời - tình mẹ.
Hát ru đã được các bà mẹ xâu lại từng chùm, từng chuỗi như xâu chuỗi ngọc. Đó là chuỗi ngọc của lòng hiếu thảo đối với mẹ cha, cho biết cội nguồn, biết nhân nghĩa ở đời…
Trên đất nước ta, tiếng mẹ ru con, tiếng chị ru em, tiếng bà ru cháu... vẫn còn đang dịu dàng vang lên trong từng thôn làng, xóm mạc, vẫn còn mùi mẩn trong các vườn cây xanh sầm uất, các làng chài ven sông. Có thể trẻ thơ ở những nơi đó còn thiếu thốn nhiều thứ nhưng tiếng hát ru - phần thưởng quý báu của mẹ của bà dành cho con cháu - thì không thiếu.
DẠ THẢO